Sau khi học cách nhận ra giọng nói, khuôn mặt, mùi cơ thể… của mẹ, bé sẽ bắt đầu giao tiếp với mẹ nhiều hơn ví dụ như là cười với mẹ.
Trẻ sơ sinh thường chưa nhận biết được giờ giấc, bé có thể ngủ vào ban ngày và thức vào ban đêm. Bé cũng bắt đầu tò mò hơn về cha mẹ mình và những thứ bé nhìn thấy xung quanh. Trong những tháng đầu tiên này, mẹ hãy thường xuyên nói chuyện với bé và mua cho bé những món đồ chơi nhỏ nhắn đầy màu sắc.
Mẹ sẽ thấy được tính cách của bé trong tháng đầu tiên hoặc tháng thứ 2 sau khi sinh. Trẻ sơ sinh phụ thuộc rất nhiều vào những người thân yêu xung quanh để bắt đầu học cách tương tác. Vào cuối tháng thứ 3, bé sẽ học cách biểu hiện khuôn mặt, phát âm, cử chỉ….
Thị lực của bé dần được cải thiện, bởi thế bé có thể phân biệt được các địa điểm, cảnh quan khác nhau. Bé rất thích thú khi nhìn những màu sáng, vật thể ba chiều. Từ tháng thứ 3 đến tháng thứ 4, hầu hết trẻ sơ sinh đều có thể rít lên khi vui và cười thành tiếng.
Ở giai đoạn này, bé cũng học cách xòe và nắm bàn tay. Bé bắt đầu khám phá môi trường xung quanh bằng đôi tay, biết cách sờ và cầm được món đồ chơi yêu thích. Đặc biệt, bé sẽ thường xuyên nghịch tay và chân của mình, coi chúng như một trò giải trí. Bé thích nhìn chằm chằm vào bàn tay của bé, chơi với các ngón tay hoặc đưa tay vào miệng mút.
Các mẹ nên khuyến khích bé học những gì?
Khi bé ê a nói chuyện hoặc rít lên, các mẹ cũng nên làm lại y hệt như vậy để khuyến khích bé phát triển khả năng giao tiếp. Thông qua những trao đổi này, bé sẽ nghe được âm thanh về ngôn ngữ và phần nào nhận thức được về cuộc trò chuyện giữa hai mẹ con.
Các mẹ cũng nên mua cho bé những đồ chơi nhiều màu sắc với hình dạng, kích thước khác nhau để bé học cách nhìn nhận và khám phá. Đây là độ tuổi tốt để dạy bé cách cố gắng làm việc gì đó mà mình muốn.
Các mẹ có thể rèn cho bé bằng cách cầm một món đồ chơi yêu thích của bé và để ra xa nhưng vẫn trong tầm với của bé. Bé sẽ dễ dàng học được cách cố gắng để đạt được mục tiêu ngay từ khi mới sinh.
Một vài ý tưởng khác để khuyến khích bé vừa học vừa chơi:
1. Dạy bé cách vỗ tay, dang hai tay sang ngang, giơ tay lên trời… vừa như một bài tập thể dục cho bé vừa kích thích sự năng động của bé.
2. Nhẹ nhàng di chuyển đôi chân của bé giống như đang đạp xe đạp. Việc làm này sẽ giúp các cơ của bé phát triển, đến giai đoạn bé tập đi thì chân bé sẽ cứng cáp hơn.
3. Sử dụng một món đồ chơi yêu thích của bé giơ lên cao, xuống thấp, sang phải hoặc sang trái để bé tập trung nhìn theo, giúp mắt bé nhanh nhạy hơn khi quan sát.
4. Làm nhiều nét mặt khác nhau để bé bắt chước. Bé sẽ học được cách biểu lộ cảm xúc của mình qua gương mặt.
5. Ở tháng thứ 2, nếu điều kiện thời tiết tốt, các mẹ nên cho bé ra ngoài đi dạo để bé cảm thấy thoải mái hơn cũng như để bé có điều kiện khám phá thế giới rộng lớn bên ngoài.
6. Nói chuyện với bé, hỏi bé nhiều câu hỏi để bé ê a trả lời. Cách làm này sẽ giúp bé phát triển khả năng giao tiếp rất tốt.
7. Mỗi khi các mẹ hài lòng hay thích thú với những gì bé làm hãy khen ngợi bé và gọi tên bé.
Nguồn : bau.vn