Hành trình tìm lại cuộc sống của cô gái 1 chân trở thành Hoa khôi Vẻ đẹp vầng trăng khuyết Việt Nam

Chẳng ai có thể biết cô gái 1 chân với nụ cười tươi, tràn đầy năng lượng lại từng có một quá khứ đau đớn và đầy ám ảnh đến thế

Cô gái Bế Thị Băng là người dân tộc Tày ở Cao Bằng, mới tốt nghiệp đại học và đang làm việc tại một phòng khám ở Hà Nội. Cuộc sống tưởng như “ưu ái” cho cô gái trẻ mới ra trường bởi công việc ổn định. Thế nhưng, vào năm 2012 một vụ tai nạn đã cướp đi một bên chân của cô.

Vượt qua lưỡi hái tử thần

Một biến cố xảy ra với chị Băng trong 1 vụ tai nạn giao thông xe container năm 2012 ở Hà Nội. Trong khi đang tham gia giao thông trên đường bình thường, bất ngờ chiếc xe ấy đâm trực tiếp từ phía sau khiến chị Băng ngã xuống đường và mắc kẹt dưới 1 bánh xe.

Sau 4 ngày tỉnh dậy, mọi thứ nó chỉ là con số 0, chị chẳng còn gì ngoài hơi thở tỉnh lại từ cơn mê phẫu thuật. Điều đầu tiên chị nhìn thấy là máu, chị thử cử động 2 chân, nhưng chỉ thấy chân trái động đậy nhẹ. Dùng chút sức lực yếu ớt sau cuộc đại phẫu, chị Băng muốn tự mình kiếm bên chân phải. Nhưng sự thật luôn khiến người ta đau đến thấu lòng, không phải cắt cụt, mà là tháo hẳn một chân đến khớp háng. “Khi ấy, tôi lặng người đi 1 lúc. Tôi không biết được là cuộc sống của tôi sẽ đi đến đâu nữa từ cái tuổi 24 . Cái tuổi mà tôi đã tự mình định hướng cho 1 tương lai của tuổi trẻ đang bắt đầu. Hôm nay, sau 4 ngày tỉnh lại từ vụ tai ấy tôi chẳng còn gì ngoài những vết thương với những khiếm khuyết từ thể xác và tinh thần”- chị Băng chia sẻ.

co gai 1 chan

Biến cố chồng chất biến cố, chưa định thần sau cú sốc vừa rồi, chị Băng nhận được tin bụng và chân trái cũng bị nhiễm trùng sau 2 tuần phẫu thuật. Lúc này, sự sống của chị chỉ còn 5 phần trăm. Đó là con số quá ít để cứu sống một mạng người, “tử thần” đã gõ cửa.

Thế nhưng, trải qua nỗi đau đến chai sạn, chị Băng chẳng thể khóc, chỉ có thể liều lĩnh và lỳ lợm đương đầu với “tử thần” mà thôi! Có lẽ, sự cứng đầu và lỳ lợm của chị cũng phải khiến “tử thần” lùi bước. Sau 21 ngày chịu đau từ việc sát trùng vết thương, cắt khoét thịt hoại tử thì vết nhiễm trùng cũng đã ổn và có thể xuất viện.

Sau khi xuất viện, chị quyết định ở lại Hà Nội 1 mình vì biết nếu về chị sẽ “chết” về tinh thần và không có tương lai. “Tôi tự mình nằm dùng 2 tay thay vết thương trên cơ thể của tôi mỗi ngày, tôi đã khóc đôi lần, tôi uất ức nhiều thứ vì tôi cảm thấy tôi đang là 1 người vô dụng. Tôi không thể ngồi, không thể đứng. Tôi chỉ có 29kg,1 chân của tôi đã teo lại bé tý, tôi hoảng sợ về bản thân mình”.

Hành trình trở thành Hoa khôi Vẻ đẹp vầng trăng khuyết Việt Nam 2019

Nỗi ám ảnh xe lăn cứ quanh quẩn trong đầu chị, vì thế chị Băng quyết định tập đi. Nhưng chẳng có gì là dễ dàng, đã rất nhiều lần chị ngất đi vì ngã đập đầu xuống nền đất, những vết thương chưa lành lại “được dịp” rỉ máu.

Dòng thời gian cứ trôi, nỗi đau nào cũng phải khép lại để tiếp tục hành trình sống. Chị Băng bắt đầu tái hòa nhập cuộc sống sau 1 thời gian dài. Những câu nói “mặc cái váy dài thế ối không có chân à”, “bị cụt chân”… khiến chị quyết tâm lắp chân giả nhưng lại nhận được những lời cay đắng tương tự “đi bị thọt”, “chân gỗ à”, “thấy đi thấp cao thế”… Những câu nói tưởng như chỉ “buột mồm” từ người khác nhưng lại là con dao găm sâu vào trái tim của người nghe.

Nhưng đó cũng chính là lý do khiến chị quyết định sống thật với những khiếm khuyết của mình. Không chỉ tập đi, chị còn tập nhảy trên chiếc chân còn lại. Nỗi đau ở mỗi giai đoạn đều khác nhau, điều quan trọng là hãy luyện cho bản thân một “tinh thần thép” để không nỗi đau nào được phép làm tổn thương bạn.

Vào năm 2019, chị trở thành quán quân “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” cho người khuyết tật Việt Nam bằng điệu múa mềm mại, sexy, bốc lửa với một chân. Đó chính là giải thưởng chứng minh cho nỗ lực, nghị lực phi thường của chị. Không những vậy, đó như một lời khẳng định giá trị tồn tại của bản thân.

co gai 1 chan

Ông trời dường như thấu được những đớn đau mất mát và nỗ lực của chị. May mắn, chị lập gia đình năm 2017 với một giáo sư toán học người Đức. Tuy mỗi người ở một nơi nhưng anh và chị luôn dành cho niềm tin, sự tin tưởng nhất định vào đối phương. Vượt qua được sự tự ti về khiếm khuyết của bản thân đó là cả một cuộc “cách mạng” tư tưởng, một sự đấu tranh cho hạnh phúc của mình. Chấp nhận một người khuyết tật, yêu cả những nỗi đau chị Băng đã trải qua, đó quả thật là “chuyện cổ tích” ở đời thường.

Lan tỏa tinh thần tích cực đến cộng đồng

Ngoài dành thời gian cho công việc, chị còn có một tài khoản TikTok để chia sẻ những điều tích cực đến với mọi người. Chị Băng cho rằng: “Trang TikTok của tôi đó như 1 trang nhật ký. Tôi nghĩ ở đâu đó ai đó sẽ cần nó. Có thể với người này nhưng không phải với người kia và sẽ có người thích người không thích. Tôi không tạo định kiến hay 1 cãi vã tranh chấp nào với bất kỳ ai trên mạng xã hội, tôi không dùng mạng xã hội để hại bản thân mình và mạng xã hội là để chúng ta được gần nhau hơn, được chia sẻ và động cảm cho cuộc sống của nhau. Tôi nghĩ rằng tôi ý thức được điều đó để tạo ra 1 trang mạng xã hội cá nhân tích cực dùng nó để truyền cảm hứng cho giới trẻ và cộng đồng”.

Khi đem chuyện cá nhân chia sẻ trên mạng xã hội, nhất định cũng sẽ có những bình luận không hay, những lời kỳ thị người khuyết tật. Nhưng chị biết rằng, những lời đó dù tổn thương nhưng đó là động lực để chị sống tốt hơn.

Chúng ta không thể lựa chọn số phận, nhưng có thể vượt qua số phận. Chị Bế Thị Băng là tấm gương điển hình về nghị lực, lạc quan và khát vọng được khẳng định bản thân mình. Không có cuộc đời nào toàn bóng tối, hãy kiên trì, ánh sáng đang chờ bạn phía cuối con đường!

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguồn : Sức khỏe 24h