Lệch tinh hoàn

(bau.vn) Tinh hoàn là nhà máy sản xuất ra những tinh trùng và các hormone steroid liên quan đến chức năng sinh dục ở nam giới.
Hiểu rõ vai trò của bộ phận này giúp phòng tránh những yếu tố bất thường và ngăn ngừa được những bệnh lý có thể xảy ra, như lệch tinh hoàn chẳng hạn.
    
Chức năng của tinh hoàn

Tinh hoàn gồm hai cấu trúc khác nhau:

– Hệ thống các ống sinh tinh có nhiệm vụ sản xuất và vận chuyển tinh trùng. Các ống sinh tinh bao gồm các tế bào mầm và tế bào sertoli, chiếm 80 – 90% toàn bộ thể tích của tinh hoàn. Việc tạo ra những tinh trùng từ các ống sinh tinh chịu ảnh hưởng của hormone FSH từ tuyến yên và các tế bào leydig.

– Tế bào leydig có nhiệm vụ sản xuất các androgen steroid, với chủ lực là testosteron và một lượng nhỏ estradiol. Nội tiết tố testosteron được sản xuất từ tế bào leydig sau khi biến đổi từ cholesterol và thay đổi trong ngày tùy theo thời điểm.

Từ thời kỳ phát triển phôi đến lúc cơ thể về già, chức năng của tinh hoàn có những thay đổi và phát triển khác nhau.

+ Giai đoạn phôi thai và niên thiếu: Trong thời kỳ phát triển phôi, phôi nam trải qua 3 giai đoạn biệt hóa giới tính: giai đoạn xác định giới nhiễm sắc thể XY, giai đoạn biến đổi tuyến sinh dục và giai đoạn xác định giới kiểu hình, đồng thời tạo thành các bộ phận sinh dục tiết niệu nam.

+ Giai đoạn dậy thì: Nhờ nồng độ testosteron huyết tương tăng cao mà hệ sinh dục nam giới phát triển, âm thanh giọng nói trầm do thanh quản phát triển, dây thanh âm dày lên, các mô liên kết, cơ bắp phát triển, đặc biệt vùng ngực và vai… Các quá trình phát triển đến một giai đoạn nhất định sẽ dừng lại khi tuổi dậy thì đã hoàn thành. Thông thường, giai đoạn dậy thì bắt đầu ở tuổi 11 – 12  và kết thúc sau 4 – 5 năm.

+ Giai đoạn trưởng thành: Đây là giai đoạn tiếp theo sau dậy thì và sẽ phát huy đầy đủ các biểu hiện của nam tính và là thời kỳ thuận lợi cho sinh sản.

Nguyên nhân lệch tinh hoàn và cách xử trí

* Ứ dịch màng tinh hoàn: Bộ phận sinh dục của trẻ sơ sinh khá to và có màu đỏ. Trẻ nam có bìu lớn, 2 tinh hoàn thường không đều nhau bởi xuất hiện các nội tiết tố mẹ truyền sang một cách tự nhiên và đó là một tình trạng nhất thời. Điều này được nhìn nhận là bình thường, sẽ tự biến mất theo thời gian (thường sau 3 tháng tuổi) và không phải điều trị gì.

* Xoắn tinh hoàn: Thường gặp ở tuổi sơ sinh hoặc dậy thì (10 – 15 tuổi). Nguyên nhân bởi sự thay đổi nồng độ nội tiết tố đột ngột (thường diễn ra ở tuổi dậy thì) và các bệnh lý bẩm sinh ở tinh hoàn như tinh hoàn quá di động, tinh hoàn ẩn… Dấu hiệu điển hình của bệnh là đau đột ngột một bên bìu, sưng to vùng bìu và có kèm theo nôn. Trong 6 giờ đầu sau khi có triệu chứng, cần được can thiệp ngoại khoa càng sớm càng tốt để cứu tinh hoàn vì máu ít đến tinh hoàn có thể làm teo hay thậm chí gây nhiễm khuẩn tinh hoàn.

* Tinh hoàn ẩn (lạc tinh hoàn): Là sự bất thường khi tinh hoàn không nằm trong bìu mà dừng lại bất thường trên đường di chuyển của thời kỳ phôi thai từ ổ bụng xuống bìu. Tinh hoàn ẩn thường gặp ở các lứa tuổi sơ sinh (3 – 5%), 3 tuổi (0,8%) và đến 18 tuổi chỉ còn 0,25 – 0,1%. Tinh hoàn thường ẩn một bên, đôi khi cả hai bên. Đây là dị tật có thể chữa bằng tiêm hormone hoặc phẫu thuật. Do vậy, chỉ định điều trị nội hoặc ngoại khoa phụ thuộc vào mức độ ẩn và tuổi chẩn đoán sớm hay muộn. Những trường hợp tinh hoàn nằm cao trong ổ bụng rất khó đưa xuống thì phải mổ. Điều trị nội khoa bằng hormone HCG có thể làm cho tinh hoàn di chuyển xuống bìu hoàn toàn, số còn lại nếu chỉ di chuyển một phần cũng làm cho phẫu thuật dễ dàng hơn. Nguy cơ mạnh và cần được lưu ý nhất của tinh hoàn ẩn là gây ung thư tinh hoàn. Thế nên, tật này cần được được xử trí đúng và kịp thời cho trẻ (trước 2 tuổi) để đề phòng những biến chứng và tránh bị ung thư.

* Nang ở mào tinh hoàn: Mào tinh hoàn nằm phía sau tinh hoàn, nơi tinh trùng trưởng thành dần. Khi phát triển thành nang thì sưng do ứ nước, có thể gây sốt và xuất tiết ở dương vật.

* Giãn tĩnh mạch tinh hoàn: Nếu các tĩnh mạch có chức năng đưa máu ra khỏi tinh hoàn bị giãn thì phần bao quanh tinh hoàn cũng bị sưng to và một bên tinh hoàn lệch.

Bệnh này không có nguyên nhân rõ ràng. Phần sưng to có thể mất khi nằm, nhưng đôi khi kèm cảm giác khó chịu, nhất là khi thời tiết nóng hoặc sau khi vận động. Để giảm bớt sự khó chịu, chỉ cần mặc đồ lót có khả năng nâng đỡ, ôm giữ tinh hoàn. Ngoài ra, không cần điều trị gì khác trừ khi giãn tĩnh mạch có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

* Viêm tinh hoàn: Thường do biến chứng của quai bị hay tuyến nước bọt mang tai ở tuổi vị thành niên bị viêm do vi rút. Sau thời gian ủ bệnh từ 14 – 28 ngày, tuyến nước bọt mang tai bắt đầu sưng hoặc di chứng của quai bị khiến trẻ có thể bị viêm tinh hoàn. Biểu hiện của bệnh là vùng bìu thường sưng và đau, trường hợp nặng có thể dẫn đến teo tinh hoàn, ảnh hưởng đến khả năng sinh con sau này.

BS CKII  Phạm Thị Thanh Mai

Tạp chí Bầu

Nguồn : bau.vn