Nhiều trẻ sốt, loét đỏ vòm họng

Thấy con hâm hấp sốt, kêu đau má, họng, lấy đèn soi vào miệng con, chị Thủy Minh hoảng hốt khi thấy toàn bộ vòm họng con có nốt loét đỏ. Đang đêm, chị cũng vội cắp con đến viện vì sợ tay chân miệng.
Đau, miệng “bung búng” nước vì vết loét

Đưa con đến khám tại khoa Nhi (BV Bạch Mai), chị Thủy Minh cũng gặp nhiều trẻ có tình trạng tương tự như con mình. Các bé đều chung đặc điểm sốt, có nốt loét ở vòm họng, bên trong má, thậm chí có trẻ bị ở đầu lưỡi, dưới lưỡi…

“Bé nào cũng ngậm miệng “bung búng”, không chịu nuốt nước bọt vì đau. Con bé nhà mình cũng vậy, nhể dãi ra, mẹ nói nuốt nước bọt đi thì nhất quyết lắc đầu. Bé không ăn uống được gì đau, dù đói bụng, đòi ăn nhưng cứ cho thìa sữa vào là ngậm, khóc”, chị Thanh ở Hà Đông, Xa La đưa con khám chia sẻ.

Tại khu chung cư nhà chị ở, có đến 3 – 4 bé trước đó cũng bị tình trạng tương tự. Có mẹ mua rau má về ép nước cho con uống 3 – 4 hôm thì khỏi, mẹ thì dùng nước rau diếp cá, rồi uống nước cam, vài ba hôm là vết loét tự hết.

“Mình cũng thử làm đủ cách, nhưng con nhỏ quá, không ép được con uống. Sau một ngày hầu như không ăn uống gì, không thể kiên nhẫn thêm, đành cắp con đi viện. Thế nhưng bác sĩ cũng không kê thuốc gì đặc biệt, chỉ cho hạ sốt khi bé sốt trên 38,5 độ C, thuốc bổ rồi dặn dò vệ sinh răng miệng”, chị Thanh nói.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, hiện tượng xuất hiện các nốt loét đỏ trong họng trẻ không phải là bệnh lạ, mà đó là một trong rất nhiều biểu hiện của bệnh sốt vi rút. Thời gian gần đây, số trẻ đến khám vì sốt vi rút với các biểu hiện xuất hiện các nốt loét trong miệng, vòm họng có tăng lên, chiếm khoảng 1/4 trong số trẻ đến khám bệnh tại khoa.

Giảm đau, giữ vệ sinh răng miệng

“Các bà mẹ đưa con đến khám đều có chung tâm lý lo lắng bởi bé đau, không thể ăn uống như bình thường, có bé còn nôn trớ. Nhiều phụ huynh đề nghị bác sĩ cho con uống kháng sinh. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề quá nghiêm trọng, bệnh do vi rút gây ra nên thường tự khỏi sau 3-4 ngày, chỉ cần điều trị triệu chứng, giảm đau, giữ vệ sinh răng miệng và kháng sinh không có tác dụng nhiều (trừ khi đã có bội nhiễm)”, TS Dũng nói..

Bác sĩ Đỗ Tuấn Anh (khoa Nhi, BV Bạch Mai) cho biết, các bà mẹ đến khám đều chung tâm trạng lo lắng vì con không ăn, không uống. “Điều này cũng hoàn toàn bình thường, bởi bé đang có những vết loét gây đau, cản trở việc ăn uống. Ngay như người lớn, nhiều khi chỉ một vết nhiệt miệng đã ăn uống kém hẳn đi, vì thế, không thể yêu cầu trẻ vẫn ăn như ngày thường”, BS Tuấn Anh nói.

Vì thế, khi trẻ bị sốt, loét miệng, cho trẻ uống hạ sốt khi bé sốt trên 38,5 độ C. Có bé chỉ hâm hấp sốt, nhưng nếu quá đau, cản trở ăn uống có thể dùng thuốc hạ sốt để giảm đau theo đúng hướng dẫn, 4 – 6 tiếng/lần theo cân nặng của trẻ. Ngoài ra, có thể bôi các thuốc gây tê bề mặt, sát khuẩn miệng trước bữa ăn chừng 15 phút cũng giúp giảm đau, bé sẽ ăn uống dễ hơn.

“Vì là bệnh do vi rút gây ra, các mẹ không nên tùy tiện dùng kháng sinh, vừa không hiệu quả vừa gây hại cho trẻ. Trẻ đang trong giai đoạn biếng ăn vì đau, lại thêm đi ngoài do tác dụng phụ của kháng sinh thì bé càng mệt mỏi, quấy khóc. Bác sĩ chỉ kê kháng sinh khi khám toàn trạng cho trẻ, vết loét có biểu hiện bội nhiễm”, BS Tuấn Anh nói.

Quan trọng nhất khi bé bị loét miệng, họng là cần giữ vệ sinh răng miệng cho trẻ. Bởi đau, trẻ lười uống nước, không nuốt nước bọt sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn cư trú trong vùng miệng, họng phát triển, gây bội nhiễm. Vì vậy, quan trọng nhất là vệ sinh răng miệng cho trẻ.

“Tốt nhất là sử dụng nước muối sinh lý xúc miệng cho trẻ sau mỗi lần ăn, trước khi đi ngủ, ngủ dậy. Sử dụng các thực phẩm để nguội, nấu loãng như cháo, súp, sữa… Tăng cường các loại nước quả giàu vitamin C để tăng sức đề kháng cho trẻ. Tuy nhiên không nên kỳ vọng con ăn uống như ngày thường, lượng chắc chắn sẽ bị giảm đi các mẹ cũng không quá sốt ruột, sau 3 – 4 ngày bệnh khỏi, trẻ sẽ ăn uống trở lại bình thường”, BS Tuấn Anh khuyến cáo.

Nguồn : bau.vn