Những lợi ích bé tập lẫy

Trẻ sơ sinh phát triển từng ngày qua nhiều giai đoạn. Đến khi tập lẫy, bé sẽ bắt đầu học các kỹ năng khác nhau thông qua việc tập luyện cơ bụng, để có thể phát triển hoàn thiện cả về thể chất lẫn tinh thần.
Bao nhiêu thứ lợi
Khi lẫy, em bé thường nâng cao đầu. Qua đó, giúp cổ và hai vai luôn được chắc khỏe. Bằng cách tập chuyển động đầu, trẻ sơ sinh học được những kỹ năng tự bảo vệ vì đã có thể nâng đầu lên, nghiêng đầu qua trái hoặc qua phải. Đó là những phản ứng tự vệ tùy theo hoàn cảnh cùng những tác động có thể xảy ra. Tập lẫy tạo cho các cơ ngày càng mạnh mẽ hơn, giúp bé sớm biết ngồi, trườn, bò…

Đây cũng là khoảng thời gian cho bé có cơ hội được khám phá thế giới quanh mình. Chính vì vậy, cha mẹ không nên để bé bỏ qua “cơ hội’ này, mà cần tạo điều kiện cho con tập lẫy khi bé muốn và được bạn giám sát. Trẻ cần học cách quay đầu để phản ứng với những gì đang xảy ra xung quanh và học cách giữ vùng đầu ngẩng lên một cách chắc chắn vào thời điểm bắt đầu tập trườn. Thời gian tập lẫy cũng giúp vùng đầu của bé tròn trịa hơn, chứ không bị bẹp dúm vì phải nằm quá nhiều.

Khi nào nên bắt đầu?

Thông thường đến tháng thứ ba, trẻ sơ sinh bắt đầu tập lẫy. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể cho trẻ luyện tập hoạt động này ngay sau khi sinh hoặc trong tháng đầu tiên từ lúc bé chào đời. Vào những tuần đầu tiên, bố mẹ thường ngại việc luyện tập cơ bụng cho bé và muốn chờ đợi tới thời điểm khi dây rốn của trẻ tuột hoàn toàn. Nhưng miễn là thấy em bé đã sẵn sàng cho việc này, thì bạn chẳng cần chờ đợi nữa mà có thể cùng bé tập ngay. Bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng, em bé vừa mới chào đời cũng có những kỹ năng nghiêng đầu qua trái, qua phải. Chỉ cần cả bố, mẹ và em bé cùng cố gắng và “đầu tư” cho việc tập luyện này.

Tuy nhiên, bạn tuyệt đối không bao giờ để em bé nằm sấp khi ngủ. Tư thế này chỉ được thực hiện khi bé thức và có sự giám sát của cha mẹ, nhằm tránh tình trạng trẻ bị ngạt thở đột ngột. Khi bé đang tập nằm sấp, bạn hãy đặt con nằm trên một tấm nệm mềm mại, bằng phẳng và không có vật cản xung quanh như đồ chơi, chăn, chiếu, gối…

Tập bao lâu thì đủ?

Theo các bác sĩ Nhi khoa, trẻ sơ sinh nên tập nằm sấp để luyện tập với cơ bụng hai lần trong một ngày, mỗi lần từ 5 đến 10 phút. Nhưng để linh hoạt hơn, bạn có thể rút ngắn hay kéo dài khoảng thời gian này theo đúng thể trạng và nhu cầu của trẻ. Nếu trong lúc cảm thấy khó chịu và muốn nằm thẳng, bé sẽ khóc toáng lên. Khi ấy, bạn nên chiều theo yêu cầu của trẻ. Một số em bé không thích khoảng thời gian tập lẫy, rèn luyện cơ bụng vì chưa biết cách kiểm soát tốt cơ thể mình, hoặc chưa biết cách làm thế nào để nâng đầu lên. Nhưng khi càng có cơ hội luyện tập, bé sẽ quen và bắt đầu ưa thích hoạt động này.

Những phiền phức có thể đến…

Nhiều trẻ có sự phản kháng mạnh mẽ về việc bị bắt nằm sấp để tập lẫy và rèn luyện cơ bụng. Đây là giai đoạn tập luyện trở nên khó khăn. Lúc này, em bé luôn kêu khóc và tìm mọi cách quay ngược trở lại, nếu bạn buộc bé phải nằm sấp và nghểnh cao đầu lên. Không phải em bé nào cũng ngay lập tức thích nghi với “trò chơi mới” này, nên hãy kiên nhẫn. Bạn có thể đợi thêm thời gian để cho bé tập lại động tác với cơ bụng. Trong khi luyện tập, bạn cần thường xuyên hỗ trợ con cách nâng đầu thằng, cách chống tay, nâng vai để bé nằm được trong một tư thế thoải mái nhất. Khi đã quen và biết tự ngẩng đầu, bé sẽ thích nghi và thoải mái với cách luyện tập mà bạn đang hướng dẫn.

Đừng tạo cơ hội cho bé trốn lẫy hay trốn bò với ý nghĩ, dù thế nào thì bé cũng biết đi, biết nói, biết chạy. Đứa trẻ nào cũng cần trải qua những giai đoạn phát triển cơ sở nhất để rèn luyện các kỹ năng thể chất của mình và không có thời điểm nào là thừa cả. Bỏ qua giai đoạn lẫy là bỏ qua một giai đoạn tập luyện về các cơ, vùng đầu, cổ, vai, bụng…, để giúp bé luôn khỏe mạnh, nhanh nhẹn và hoàn thiện các kỹ năng khác trong tương lai. Vì vậy, hãy để cho thời gian tập lẫy luôn vui vẻ và sảng khoái đối với bé.

Làm sao để bé luôn vui thích với tập lẫy?
Để quãng thời gian tập lẫy luôn vui vẻ với bé, bạn có thể thực hiện những cách sau:
– Treo những món đồ chơi nhiều màu sắc, có tiếng kêu phía trước tầm nhìn của bé, đủ để bé có thể thấy được khi nằm sấp và ngẩng cao đầu lên.
– Bố mẹ cũng có thể “nói chuyện” với bé trong thời điểm con tập lẫy. Hãy tiến sát gần  hơn để bé nhìn được khuôn mặt bạn, rồi trò chuyện với bé.
– Khuyến khích bé ngẩng đầu lên phía trên bằng cách nói hoặc hát phía bên trên em bé.
– Đặt bé nằm gần một chiếc gương, một chiếc hộp nhạc hoặc một thứ gì đó hấp dẫn, thu hút, khiến bé muốn rướn tới.
– Đặt cơ thể và cánh tay của bé nằm trên một cái gối. Độ cao này giúp bé nhìn ngắm xung quanh dễ dàng và thoải mái hơn.
– Bạn nên tập cho con làm quen với tư thế này vào lúc bé ăn xong được 45 phút. Đây là thời điểm bé không cảm thấy đói, có cảm giác dễ chịu và việc luyện tập thường đạt hiệu quả cao.

Hiếu Nguyên
Tạp Chí Bầu Số 50/ 10-07-2013

Nguồn : bau.vn