Thời gian mở cửa phòng khám: – Từ 6h30 đến 16h30 hàng ngày, từ thứ 2 đến thứ 6. – Tại BV Phụ sản Trung ương, có khám dịch vụ cả thứ 7 và chủ nhật. |
Mốc khám thai
– 3 tháng đầu: Khi chậm kinh 7 – 10 ngày và biết được có thai bằng biện pháp thử tại nhà, bạn nên đi khám và siêu âm để đánh giá tình trạng sức khoẻ của mẹ, xác định thai trong tử cung và được kê đơn thuốc. Khám thai, siêu âm hình thái thai và làm xét nghiệm sàng lọc khi thai 12 – 14 tuần để dự kiến ngày sinh.
– 3 tháng giữa: Khám và siêu âm hình thái thai lúc thai 22 tuần. Tiêm phòng uốn ván và làm các xét nghiệm cơ bản. Nếu có chỉ định, cần làm xét nghiệm tăng đường huyết lúc thai 24 – 28 tuần. Làm hồ sơ quản lý thai.
– 3 tháng cuối: Khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ. Khám và siêu âm hình thái thai lúc thai 32 tuần. Làm xét nghiệm nước tiểu mỗi lần đến khám. Nếu thai quá ngày dự kiến sinh, cần theo dõi siêu âm thai và theo dõi sản khoa sau mỗi 48h.
Quy trình khám
1. Có mặt ở bệnh viện lúc 7h30, lấy sổ khám và mua sổ y bạ tại bàn hướng dẫn.
2. Ngồi ghế, đợi gọi đến các bàn kính để lấy phiếu khám và mua hoá đơn khám bệnh (trên phiếu có ghi rõ số phòng khám).
3. Đến phòng khám, chờ bác sĩ gọi đến số của mình. Sau khi khám, bác sĩ sẽ viết phiếu chỉ định làm các xét nghiệm nước tiểu, máu, siêu âm, tiêm phòng.
4. Khi có chỉ định xét nghiệm và siêu âm, sẽ trở lại bàn hướng dẫn ban đầu để lấy số và đợi mua hoá đơn.
5. Đến phòng siêu âm, xét nghiệm được ghi trên hóa đơn, lấy số nộp biên lai và đợi bác sĩ gọi đến lượt.
6. Chờ lấy kết quả xét nghiệm tại “Nơi trả kết quả xét nghiệm”. Sau đó, cầm các kết quả đó quay lại phòng khám đầu tiên để bác sĩ cho kết luận, chỉ định dùng thuốc và hẹn ngày tái khám.
Một số lưu ý
– Siêu âm: Thai trong 3 tháng đầu, để hình ảnh siêu âm được rõ và chính xác nhất, bà bầu nên uống nhiều nước và nhịn tiểu (từ 15 tuần trở ra thì không cần nhịn tiểu).
– Xét nghiệm máu: Phải nhịn ăn sáng, nhất là khi xét nghiệm tiểu đường trong thai kỳ. Khi có chỉ định siêu âm và xét nghiệm máu, tốt nhất nên làm xét nghiệm máu trước vì chờ kết quả lâu nhất.
– Tư vấn bác sĩ: Khi khám, bạn chỉ có thể hỏi về những vấn đề thật sự quan trọng mà mình đang lo lắng. Tốt nhất, viết tất cả những câu hỏi cần quan tâm ở nhà và mang theo để xin tư vấn của bác sĩ. Bạn cũng nên mang theo những đơn thuốc đang uống, bao gồm cả những đơn thuốc sử dụng vitamin tổng hợp. Bác sĩ sẽ cho biết nên tiếp tục sử dụng hay không và dùng thế nào an toàn.
– Khám đúng lịch: Sau khi đi khám lần đầu, bác sĩ sẽ hẹn khám các lần tiếp theo và bận cần ghi nhớ điều này. Những lần khám sau, bạn có thể đăng ký đặt lịch khám trước tại các phòng khám dịch vụ của bệnh viện.
Tạp Chí Bầu Số 50 phát hành ngày 10/7/2013
Nguồn : bau.vn