Thịt cóc không chữa được bệnh còi xương

Mặc dù dinh dưỡng chưa có gì vượt trội nhưng thịt cóc lại tiềm ẩn những nguy cơ chết người.
Nhiều người nghe đồn và tin rằng thịt cóc có hàm lượng dinh dưỡng cao, có thể dùng để điều trị, phòng ngừa bệnh còi xương. Thực hư việc này chưa biết thế nào nhưng thỉnh thoảng vẫn có người chết và phải nhập viện cấp cứu do ăn thịt cóc.

Mới đây, một bệnh nhân năm tuổi ở Đồng Tháp đã tử vong vì ăn thịt cóc. Trước đó, khoa Cấp cứu BV Nhi đồng 2 tiếp nhận bé NTV, 11 tháng tuổi, ở Bình Phước nhập viện trong tình trạng co giật, tím môi, ói và tiêu chảy… Người nhà bệnh nhân cho biết do nghe mọi người nói ăn thịt cóc có thể chữa còi xương nên cha của bé V. đã bắt cóc về nấu cháo cho V. ăn. Không ngờ sau khi ăn được 30 phút thì bé nôn ói dữ dội kèm theo đi phân lỏng nên người nhà lập tức đưa đến bệnh viện. Do được cấp cứu kịp thời nên sau bốn ngày điều trị tích cực nên cháu V. đã tỉnh lại và qua cơn nguy kịch.

Theo BS Nguyễn Thị Minh, khoa Nội tổng hợp BV Nhi đồng 2, bệnh nhân bị ngộ độc do ăn phải độc tố bufotoxine (có trong gan, trứng, da, mủ, mắt của cóc). Đây là một chất cực độc có thể gây chết người trong thời gian rất ngắn.

Ước tính lượng bufotoxine chứa trong một con cóc có thể làm chết 4-5 người khỏe mạnh. Người bị ngộ độc bufotoxine có biểu hiện buồn nôn, đau và chướng bụng, tiêu chảy, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, sốc, ảo giác, đau đầu, có thể hưng phấn, tổn thương gan, thận… Nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, cho rằng hàm lượng đạm trong 100 g thịt cóc và 100 g thịt heo là tương đương. Năng lượng từ việc sử dụng thịt cóc cũng nhỉnh hơn không đáng kể so với sử dụng thịt heo. Điều này chứng minh thịt cóc không thể điều trị và phòng ngừa bệnh còi xương ở trẻ em. Mặt khác, các chất độc chứa trong cóc rất nguy hiểm nên các phụ huynh không nên cho trẻ ăn thực phẩm này. Nếu như trẻ có dấu hiệu còi xương các bà mẹ có thể cho trẻ ăn các loại thực phẩm giàu canxi và vitamin D như sữa, ếch, lươn, thịt, cá, tôm, cua, trứng…; cho trẻ tắm nắng thường xuyên để hấp thu tốt vitamin D. Trong trường hợp trẻ bị còi xương nặng thì cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị. Không nên tự ý bổ sung canxi và vitamin D cho trẻ nếu không có hướng dẫn của bác sĩ.

Các dấu hiệu của bệnh còi xương ở trẻ

Trẻ bị còi xương nhẹ: Chậm lớn, nhẹ cân, ăn không ngon, hay quấy khóc, đầy bụng, táo bón, ngủ hay giật mình, đổ mồ hôi, rụng tóc…

Trẻ bị còi xương nặng: Số đo chiều cao sẽ thấp so với trẻ bình thường cùng tuổi, chậm mọc răng, chậm các khả năng lật, bò, bị biến dạng lồng ngực, xương sườn cong, vòng cổ tay, cổ chân phình to bất thường, đầu méo…

Nguồn : bau.vn