Thực phẩm chứa caffeine

(bau.vn) Khá nhiều chị em có thói quen sử dụng những thực phẩm chứa thành phần caffeine bởi chúng đem lại cảm giác ngon miệng và giúp tinh thần sảng khoái, minh mẫn.
Tuy nhiên, không phải ai cũng quan tâm đến việc caffeine có ảnh hưởng thế nào đến trước và trong thời kỳ mang thai. Những thông tin hữu ích sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ điều này.

Caffeine có ảnh hưởng đến sự thụ thai?

Câu trả lời là có thể. Những nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa caffeine và khả năng  thụ thai của phụ nữ. Một trong số đó cho thấy, nếu hấp thụ khoảng 300mg caffeine mỗi ngày, tỉ lệ thụ thai sẽ thấp hơn 27% so với những người bình thường. Nếu lượng hấp thu thấp hơn kể trên, sẽ không ảnh hưởng gì tới khả năng thụ thai. Do vậy, khi đang có kế hoạch mang bầu, bạn cần lưu ý đến điều này.

Hấp thu quá nhiều caffeine có hại gì?

Một số bằng chứng khoa học cho thấy, hấp thụ hơn 200mg caffeine/ngày (khoảng 2 – 3 cốc nhỏ cà phê) trong thai kỳ sẽ làm tăng nguy cơ sảy thai và sinh con nhẹ cân. Chất này sẽ ngấm trực tiếp qua nhau thai, làm giảm lượng máu đến thai nhi, có thể gây hại cho em bé. Nó còn ảnh hưởng trực tiếp tới người mẹ vì lúc này, cơ thể khó đào thải caffeine ra ngoài hơn bình thường, gây mất ngủ hoặc khó chịu, bứt rứt, cáu gắt… Vì thế, trước thời điểm có thai vài tháng, bạn cần lập kế hoạch để cắt giảm dần lượng caffeine. Ngay cả khi đã sinh, thông qua sữa mẹ, caffeine vẫn có thể gây ra những triệu chứng không tốt cho em bé như khó ngủ, trằn trọc, thường xuyên quấy khóc… Tốt nhất, những bà mẹ đang cho con bú nên hạn chế lượng caffeine ở mức dưới 200mg/ngày.

Làm sao để cắt giảm lượng caffeine?

Nếu trước đây, bạn có thói quen dùng các sản phẩm chứa caffeine thì hãy cắt giảm từ từ,  vì nếu “cai” đột ngột, sẽ khiến cơ thể bị “sốc” và có triệu chứng đau đầu, mệt mỏi. Có rất nhiều cách để cắt giảm lượng chất này, ví dụ như giảm số lượng ít một theo ngày, pha loãng hơn hoặc hạn chế những đồ ăn vặt chứa cà phê và sô cô la…

Thực phẩm nào chứa caffeine?

Nói đến caffeine, đa phần mọi người chỉ đơn thuần nghĩ đến cà phê uống hàng ngày. Lượng caffeine có trong một cốc cà phê là tương đối lớn. Tuy nhiên, các loại đồ uống khác cũng chứa hàm lượng caffeine tương đối cao, ví dụ như trà, nước giải khát, đồ uống bổ sung năng lượng, sô cô la, kem và bánh quy có thành phần cà phê… Vì thế, chị em cần lưu ý để không vượt quá hàm lượng caffeine cho phép. Chất này còn có trong một số sản phẩm thảo dược, một số loại thuốc chữa đau đầu, cảm lạnh và dị ứng… nên bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

Hàm lượng caffeine trong một số thực phẩm quen thuộc


Thực phẩm

Khối lượng

Hàm lượng caffeine

Cà phê hòa tan loại thường

220g

102 – 200mg

Cà phê cappuccino

330g

75mg

Cà phê espresso

30g

75mg

Cà phê đã lọc bớt caffeine

220g

2 – 26mg

Chè búp phơi khô

220g

40 – 120mg

Trà xanh

220g

30 – 50mg

Trà túi lọc loại bớt caffeine

220g

2mg

Trà Nestea

330g

26mg

Trà Lipton

330g

10mg

Coca

330g

35mg

Pepsi

330g

38mg

7 Up

330g

0mg

Sprite

330g

0mg

Jolt Cola

330g

72mg

Mountain Dew

330g

54mg

Red Bull

220g

80mg

Sô cô la đen

40g

31mg

Sữa nguyên kem vị sô cô la

40g

11mg

Kem hoặc sữa chua sô cô la

220g

50 – 60mg

Ca cao nóng

220mg

3 – 13mg

Dịch (Tiến Đạt – tạp chí Bầu)

Nguồn : bau.vn