10 bí quyết dạy trẻ giúp con yêu trở nên thông minh và thành công vượt trội

Không có một công thức cụ thể nào cho việc dạy bảo con cái. Nhưng có những nghiên cứu giúp việc dạy trẻ trở nên hiệu quả và thành công hơn.

1. Dạy con yêu các kỹ năng xã hội  

Một nghiên cứu kéo dài 20 năm của các nhà nghiên cứu tại Đại học Bang Pennsylvania và Đại học Duke cho thấy mối tương quan tích cực giữa các kỹ năng xã hội trẻ học được từ mẫu giáo và sự thành công của con yêu khi trưởng thành.

Bạn có thể bắt đầu từ việc dạy con yêu cách giải quyết vấn đề với bạn bè, chia sẻ đồ chơi của bạn bè, biết cách lắng nghe mà không ngắt lời người khác và giúp đỡ mọi người trong nhà.

2. Không bao bọc con quá mức  

Thời đại ngày nay, nhiều cha mẹ nuôi dạy con theo kiểu “trực thăng”, họ luôn giám sát và bảo bọc con quá mức, không để con tự giải quyết vấn đề mà luôn vội vàng làm thay trẻ.

Rút ra từ một nghiên cứu của Đại học Harvard, diễn giả Julie Lythcott-Haims lập luận rằng, để cho trẻ mắc lỗi và phát triển tính kiên cường và tháo vát là rất quan trọng trong việc giúp trẻ thành công .

3. Dạy con học tập từ sớm  

Nghiên cứu cho thấy rằng việc đọc sách cho con và dạy con học toán sớm có thể tác động rất nhiều đến thành tích của trẻ trong những năm sau đó.

Tuy nhiên, bạn nên ngừng giúp trẻ làm bài tập về nhà khi trẻ học tiểu học vì nó có thể làm trì trệ sự phát triển của con.

4. Không để trẻ ngồi trước màn hình quá lâu  

Thời gian sử dụng thiết bị quá nhiều có liên quan đến chứng béo phì, giấc ngủ không đều và các vấn đề về hành vi ở trẻ em.

Thêm vào đó, một nghiên cứu năm 2017 của Greg L. West từ Đại học Montreal tiết lộ rằng chơi game bắn súng bạo lực có thể gây hại não, làm mất tế bào não.

Theo Viện Nhi khoa Mỹ, cha mẹ nên giới hạn thời gian ngồi trước màn hình của trẻ dưới 2 giờ/ngày.

Bạn cũng nên khuyến khích con thành người sáng tạo nội dung thay vì làm người tiêu dùng thụ động.

Cha mẹ có thể khuyến khích con yêu học lập trình, làm mô hình 3D, sản xuất nhạc số trên máy tính, điện thoại để biến thời gian dùng thiết bị trở nên hiệu quả hơn.

5. Đặt kỳ vọng cao ở con  

Nghiên cứu cho thấy rằng khi trẻ lên 4 tuổi, hầu như tất cả trẻ em trong nhóm học tập có thành tích cao nhất đều có cha mẹ mong trẻ đạt được bằng đại học.

Cha mẹ nào cũng luôn muốn con cái có những thành tích tốt. Thế nhưng, đừng biến con mình thành “bóng ma” phản chiếu kỳ vọng của bố mẹ.

6. Không khen ngợi quá nhiều các phẩm chất bẩm sinh như trí thông minh hay ngoại hình 

“Ôi, con yêu không cần học bài mà vẫn được điểm 10? Con thông minh quá”.  

Một nghiên cứu của Đại học Stanford cho thấy rằng việc khen ngợi những đứa trẻ bằng những câu như trên và tập trung vào trí thông minh của trẻ có thể khiến trẻ học kém đi.

Thay vào đó, cha mẹ nên khen ngợi vào nỗ lực mà trẻ đã bỏ ra để vượt qua các vấn đề, thử thách bằng sự gan dạ, kiên trì và quyết tâm của mình.

7. Cho con làm việc nhà  

Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy làm việc nhà cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, trong một cuộc thăm dò của Braun Research, chỉ 28% phụ huynh cho biết họ thường xuyên giao việc nhà cho con.

Một phân tích dữ liệu của Đại học Minnesota cho thấy yếu tố dự đoán tốt nhất về sự thành công ở tuổi thanh niên là trẻ em đã làm việc nhà khi 3-4 tuổi hay chưa.

8. Không dùng điện thoại quá nhiều trước mặt con  

Theo một cuộc khảo sát của Common Sense Media, 28% thanh thiếu niên cho biết cha mẹ chúng nghiện điện thoại.

Một nghiên cứu khác gần đây của AVG đã phát hiện ra rằng 32% trẻ em được khảo sát cảm thấy mình không quan trọng khi cha mẹ chúng luôn bị phân tâm bởi điện thoại.

Là cha mẹ thời hiện đại, bạn phải biết khi nào nên tắt điện thoại, ngắt kết nối và tập trung vào gia đình của mình.

9. Xây dựng gia đình yên bình, yêu thương  

Gia đình yêu thương, ủng hộ là yếu tố quan trọng để nuôi dạy những đứa trẻ khỏe mạnh, thành công. Bởi gia đình chính là một “xã hội” thu nhỏ, là nơi hình thành tính cách của những đứa trẻ

Nếu bạn có mâu thuẫn với vợ/chồng mình, nên làm gương cho con yêu bằng cách tranh luận bình đẳng, đặt ra giới hạn và tập trung vào hòa giải, giải quyết vấn đề.

10. Không quá cứng nhắc (hoặc quá mềm yếu)  

Nghiên cứu năm 1966 của Diana Baumrind phân chia các kiểu cha mẹ độc đoán (cực kỳ nghiêm khắc), dễ dãi (quá khoan dung) và dân chủ (vừa kỷ luật, vừa yêu thương).

Nói cách khác, cha mẹ độc đoán là kiểu quá cứng nhắc, cha mẹ dễ dãi thì quá mềm yếu, còn cha mẹ dân chủ là vừa phải.

Con cái của những người cha mẹ theo kiểu dân chủ sẽ học được các các kỹ năng điều tiết cảm xúc và hiểu biết xã hội, những yếu tố quan trọng để thành công.

Nguồn : Sức khỏe 24h