Gỏi bò là món rau trộn xuất hiện trong nhiều bữa ăn của người Việt – Ảnh: Chụp lại từ YOUTUBE
Gỏi bò
Đứng thứ 13 trong toàn danh sách là món gỏi bò, với số điểm là 4.1/5 sao.
Gỏi bò là món rau trộn truyền thống của người Việt Nam. Khi xét về mặt tín ngưỡng, văn hóa, món ăn là sự hài hòa âm dương khi được trộn đều giữa rau và thịt.
Để làm ra món gỏi này, người đầu bếp thường sẽ trộn thịt bò với nước cốt chanh, giấm, nước mắm, ớt, lá chanh, ngò, bạc hà, dưa chuột, cải xoong… Khi được bóp đều tay, thịt sẽ mềm và thấm gia vị.
Món ăn mang lại vị chua chua, ngọt ngọt, sau đó sẽ là vị ngọt dịu của thịt bò. Chính sự đa dạng trong cách cảm nhận đó khiến người thưởng càng ăn càng thèm.
Nộm hoa chuối
Nộm hoa chuối chiếm 4.0/5 sao, đứng thứ 20 trong danh sách.
Đây là một món ăn dân dã, mộc mạc, có mặt trong nền ẩm thực của cả hai miền Nam, Bắc. Ở miền Bắc, món ăn thường được gọi là nộm hoa chuối, xuôi về Nam sẽ có tên gọi thân thương hơn – gỏi bông chuối.
Nguyên liệu để làm món này chủ yếu là rau tươi nghiền, đu đủ, xoài được bào ra, hoa chuối, dưa leo, thịt heo, chủ yếu là gân và mỡ…
Sau khi chuẩn bị hết nguyên liệu, đầu bếp sẽ nêm nếm các gia vị như ớt, tỏi băm, rau răm để trộn đều.
Yếu tố không thể thiếu của món ăn chính là phần nước để bóp.
Chủ yếu là hỗn hợp từ nước cốt chanh, nước mắm, đường mà mỗi người đầu bếp sẽ có sự cân chỉnh khác nhau.
Gỏi bò và nộm hoa chuối không chỉ được ưa thích trong bữa ăn thường ngày, hai món này còn thường được gặp trong các bữa tiệc tùng, nhờ vào vị chua chua, ngọt ngọt, đôi lúc pha chút vị mặn phù hợp với khẩu vị người Việt Nam.
Phở trộn
Cùng điểm với nộm, món phở trộn được 4.0/5 sao và xếp hạng thứ 21.
Đây là một món ăn đặc sản gốc Bắc. Khác với phiên bản được nêm thanh thanh của phở nước, món ăn này thường mang lại hương vị đậm đà. Thực khách có thể cảm nhận vị ngọt, mặn mặn và chua được nêm nếm một cách vừa phải.
Một tô phở trộn thường bao gồm các nguyên liệu đơn giản như bánh phở, thịt bò hoặc thịt gà, tôm, hành phi và rau được trộn đều với nước xốt. Trước khi ăn, người Việt có thói quen nặn chanh vào, nhờ đó hương vị món ăn cũng gắn liền với độ chua nhè nhẹ.
Vì là phở khô, nên nước xốt có thể xem là linh hồn của món ăn. Thường người nấu sẽ trộn đường, nước tương, dầu hào, tương ớt, giấm gạo và đánh thật đều tay, tránh để các gia vị chưa hòa tan.
Chính vì các món rau đã gắn liền với văn hóa ẩm thực của người Việt, nên cách chế biến cũng đòi hỏi người đầu bếp sự tỉ mỉ trong từ khâu, vừa để rau và thịt thấm đều gia vị, nhưng người ăn không có cảm giác rau bị dập hay không tươi.
Nguồn : bau.vn