5 bước đơn giản dạy trẻ xem đồng hồ mà bố mẹ nào cũng phải biết

Thời gian là một khái niệm trừu tượng, không có hình thù cụ thể như đồ chơi hay có thể nếm được như đồ ăn để trẻ có thể dễ dàng nắm bắt và cảm thấy hứng thú. Do đó việc dạy trẻ hiểu về khái niệm thời gian hay dạy trẻ xem giờ đúng trên đồng hồ là việc đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn của bố mẹ.

Để giúp con hiểu rõ hơn về khái niệm và biết cách quản lý thời gian hợp lý, bố mẹ hãy cùng Bau.vn tham khảo cách dạy trẻ xem đồng hồ qua bài viết dưới đây nhé!

Dạy trẻ đếm số

Để dạy trẻ xem đầu hồ, đầu tiên bố mẹ nên dạy trẻ đếm số thành thạo từ 1 đến 60. Việc này sẽ mất một thời gian để trẻ có thể ghi nhớ, đếm chuẩn thứ tự của số mà không bị vấp. Vì thế, bố mẹ nên áp dụng việc đếm số vào những công việc thường ngày. Ví dụ: nhờ trẻ xếp 5 quả cam ra đĩa, cùng con đếm số quần áo vừa gấp,… Bằng cách này, trẻ sẽ tiếp cận với các con số một cách dễ dàng hơn.

Khi trẻ đã có thể đếm thành thạo đến 60, hãy bắt đầu tập cho trẻ chia 5 số liên tiếp thành các nhóm nhỏ. Việc chia 60 ra thành 12 phần nhỏ với 5 đơn vị cho trẻ tập đếm sẽ giúp cho trẻ quen được với hệ thống và quy luật số trên đồng hồ.

Làm quen với các buổi trong ngày

Thay vì lập tức nhắc đến những mốc thời gian cụ thể, bố mẹ hãy dạy cho trẻ ý thức về những khoảng thời gian trong ngày. Ở giai đoạn đầu tiên, bố mẹ có thể bắt đầu sáng và tối. Sau đó, hãy mở rộngdần khái niệm thời gian ra thành các buổi sáng, trưa, chiều, tối và đêm. Bố mẹ có thể gắn liền với những hoạt động trong ngày để trẻ có thể dễ hình dung:

  • Buổi sáng bé thức dậy đánh răng rửa mặt.
  • Buổi trưa bé cùng ăn trưa với gia đình.
  • Buổi chiều bé cùng bố mẹ đi công viên.
  • Buổi tối bé đánh răng rửa mặt xong lên giường đi ngủ.

Dần dần và đều đặn như vậy, bạn có thể dạy trẻ thêm về buổi sáng sớm hay chiều muộn, từ đó giúp trẻ nhận biết rõ hơn về khái niệm các buổi trong ngày.

Cùng trẻ làm đồng hồ thủ công

Thay vì mua một cái đồng hồ to để dạy trẻ xem đồng hồ, bố mẹ có thể khuyến khích trẻ luyện tập khả năng làm đồ thủ công bằng cách làm một chiếc đồng hồ bằng giấy. Sau khi cắt giấy bìa thành một hình tròn đủ lớn, bố mẹ hãy giúp bé chia đều đồng hồ thành 12 phần, và điền số 1, các số còn lại để bé tự điền đến số 12. Tiếp đó, bố mẹ nhắc lại cho trẻ nhớ bài tập đếm từ 1 đến 60 theo 5 đơn vị/lần và để bé chia các vạch nhỏ biểu tượng cho số giây trên mặt đồng hồ, đồng thời cho trẻ thấy rằng cứ đến đơn vị thứ 5 thì cũng chính là vạch lớn trong bộ số từ 1-12 trước đó. Nhờ vậy, bé có thể hiểu được cấu tạo cơ bản của một chiếc đồng hồ.

Lấy ví dụ về các mốc thời gian quen thuộc

Với mặt đồng hồ thủ công đã làm trước đó, bố mẹ hãy lấy 2 dải giấy, 1 ngắn 1 dài để biểu thị kim giờ và kim phút của đồng hồ. Sau đó, hãy để bé bắt đầu bằng những mốc thời gian có số phút bằng không, ví dụ như 1 giờ, 2 giờ, 3 giờ… Giữ nguyên kim phút ở số 12, và thay đổi kim giờ ở các mốc thời gian mà bố mẹ muốn cho trẻ luyện tập đọc giờ. Ví dụ: thời gian chiếu bộ phim hoạt hình yêu thích của trẻ vào lúc 7 giờ tối, thời gian ăn trưa của cả nhà là 11 giờ trưa.

Tìm hiểu phút và giây

Sau một thời gian dạy trẻ xem giờ đúng trên đồng hồ và trẻ có thể xem giờ thành thục thì bố mẹ có thể bắt đầu dạy cho trẻ về các đơn vị thời gian nhỏ hơn như giây, phút. Trước hết, bố mẹ hãy dạy trẻ quan sát và phân biệt được các loại kim, kim giây chạy nhanh nhất, kim dài là kim phút, kim ngắn là kim giờ. Sau đó, hãy giải thích cho trẻ hiểu về mối quan hệ giữa 3 loại kim chỉ thời gian này. Trong giai đoạn này, bố mẹ không cần phải giải thích quá chi tiết về cách quy đổi thời gian, vì chúng có thể gây rối cho bé. Chỉ cần để trẻ biết rằng khi kim giây quay được một vòng thì kim phút sẽ dịch 1 lần và khi kim phút quay được một vòng thì kim giờ sẽ dịch chuyển tới số lớn hơn liền kề trên đồng hồ.

Nguồn : bau.vn