8 vấn đề về da trong giai đoạn mang thai mà mẹ bầu nên lưu ý

Phụ nữ khi mang thai phải trải qua rất nhiều sự thay đổi, đặc biệt là phần da khiến không ít mẹ bầu cảm thấy khó chịu và thiếu tự tin.

Khi mang thai, nồng độ hormone trong cơ thể thay đổi, vì vậy bà bầu thường dễ gặp các vấn đề về da. Hãy cùng tìm hiểu những thay đổi của da khi mang thai sau đây để đưa ra biện pháp phòng tránh cũng như khắc phục hiệu quả.

1.Mụn

Sự thay đổi nội tiết tố kéo theo sự tăng tiết bã nhờn khi mang thai, nếu không biết chăm sóc da khi mang thai đúng cách thì chúng dễ gây bít các lỗ chân lông, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây mụn. Nếu có quá nhiều mụn và gây phát ban chị em nên hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn và điều trị phù hợp.

2.Nám da

Khoảng 70% phụ nữ bị nám da khi mang thai ở trên má, mũi và trán. Trong giai đoạn mang thai, cơ thể phụ nữ sẽ có rất nhiều biến đổi từ bên trong. Đặc biệt là quá trình thay đổi nội tiết tố dẫn đến tình trạng tăng sắc tố da trong thai kỳ. Làm hình thành nên các mảng thâm nám, xỉn màu, nhất là vùng hai bên má.

3.Vết rạn da

Theo thống kê, có khoảng 90% chị em bị rạn da trong thời gian mang thai. Nguyên nhân của vấn đề này được cho là khi mang bầu, trọng lượng cơ thể phụ nữ tăng lên đột ngột ở một thời gian ngắn, khiến da không kịp phát triển để thích nghi hoặc do di truyền. Khi thai nhi lớn dần trong bụng mẹ, bạn sẽ thấy những vệt rạn tím đỏ trên bụng, đùi, ngực, mông hoặc thậm chí trên tay.

4.Viêm da cơ địa

Bà bầu bị viêm da cơ địa sẽ xuất hiện tình trạng mẩn ngứa ở một số vùng da nhạy cảm như bụng, cổ, ngực, má… Trên bề mặt các vùng da tổn thương lại có nhiều mụn nước nhỏ gây ngứa ngáy. Những vùng da này thường có dấu hiệu phù nề, trợt loét sau đó khô lại và thâm nhiễm.

Nguyên nhân là khi mang thai hormone thay đổi gây rối loạn nội tiết và khiến cho các triệu chứng của viêm da cơ địa bùng phát. Thêm vào đó, hệ thống miễn dịch của bà bầu cũng bị suy giảm do một số rối loạn nhất định.

5.Giãn tĩnh mạch

Giãn tĩnh mạch trong thai kỳ là một vấn đề rất phổ biến. Hơn 40% phụ nữ trong quá trình mang thai gặp vấn đề giãn tĩnh mạch ở chân và ở những vùng kín như âm hộ và âm đạo.

Nguyên nhân là do thay đổi lượng hormone trong thai kỳ và sự gia tăng vận chuyển máu sẽ gây áp lực lên thành mạch máu, khiến các mạch máu dưới da sưng nhẹ, nổi lên trên bề mặt của da.

6.Sẩn ngứa và nổi mề đay

Sẩn ngứa và nổi mề đay được xem là một cơn phát ban lành tính với những nốt sần nhỏ, màu hồng nổi trên vết rạn da. Những nốt sần này tập hợp lại như mề đay. Các triệu chứng này thường xuất hiện ở vùng bụng, đặc biệt là vùng rốn, sau đó lan sang các khu vực khác như đùi, tay, chân.

Nguyên nhân là do hormone trong cơ thể sản xuất nhiều đặc biệt là estrogen, sự phát triển của bào thai đôi khi can thiệp vào cơ thể và các khuynh hướng di truyền.

7.Nổi chàm ở da

Bệnh chàm khởi phát trong thời kỳ mang thai có thể do rối loạn nội tiết tố đột ngột, tâm lý bất ổn, suy giảm chức năng miễn dịch,…Các triệu chứng của bệnh tuy không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng những biểu hiện ngứa ngáy, bứt rứt, khó chịu, mất ngủ ảnh hưởng đến sinh hoạt của mẹ và sự phát triển của thai nhi.

Nguồn : bau.vn