Bà bầu bị sốt xuất huyết khi mang thai nguy hiểm như thế nào?

Bệnh sốt xuất huyết khi mang thai có nguy hiểm không còn tùy thuộc vào thời điểm nhiễm bệnh, thường nguy hiểm nhất ở giai đoạn đầu của thai kỳ hoặc trong các tuần cuối trước khi lâm bồn. Một số trường hợp thai phụ bị sốt xuất huyết trong những tuần thai cuối cùng, dẫn đến rối loạn đông máu, nguy kịch cho cả mẹ và thai nhi.

1. Sự nguy hiểm của sốt xuất huyết đối với mẹ bầu và thai nhi

Sốt xuất huyết khi mang thai có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ bầu và thai nhi. Nguyên nhân là vì khi mang bầu, hệ miễn dịch của mẹ bị suy yếu, tạo cơ hội cho virus có điều kiện phát triển mạnh mẽ, từ đó bà bầu bị sốt xuất huyết nghiêm trọng.

Hơn nữa, virus này còn có thể truyền từ mẹ sang thai nhi trong quá trình mang thai hoặc khi sinh. Thai phụ có thể cần phải mổ lấy thai nếu chẳng may mắc phải sốt xuất huyết trong thai kỳ. Dưới đây là một số biến chứng nguy hiểm xuất hiện trong thời gian mang thai và khi sinh do sốt xuất huyết gây ra, bao gồm:

  • Giảm tiểu cầu: Có thể đe dọa đến tính mạng cho cả mẹ lẫn con. Ngoài ra, giảm tiểu cầu mức độ nặng có thể dẫn đến một số biến chứng khi sử dụng những kỹ thuật y khoa giúp bà bầu đẻ không đau trong quá trình sinh;
  • Sinh non, em bé nhẹ cân: Sốt xuất huyết khi mang thai, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ hai và ba có khả năng làm tăng nguy cơ sinh non, em bé sinh ra nhẹ cân hoặc thậm chí tử vong nếu thai phụ bệnh nặng;
  • Sảy thai: Khi thai phụ bị sốt xuất huyết trong tam cá nguyệt đầu tiên làm tăng nguy cơ bị sảy thai;
  • Xuất huyết: Nếu mẹ bầu bị nhiễm virus sốt xuất huyết trong khi sinh, nguy cơ xuất huyết là rất cao;
  • Tiền sản giật khi mang thai.

Nguy cơ thai phụ truyền bệnh sốt xuất huyết cho con chỉ xảy ra nếu mẹ bầu bị bệnh vào giai đoạn cuối thai kỳ. Tuy nhiên, khả năng thai nhi mắc phải virus này là khá thấp. Cho đến nay, khả năng bệnh sốt xuất huyết gây ra dị tật cho trẻ chưa được khẳng định chắc chắn.

Mặc dù vậy, bạn vẫn phải cẩn thận để tránh mắc bệnh sốt xuất huyết khi mang thai, dẫn đến lây lan sang cho trẻ sơ sinh. Em bé sau sinh sẽ lập tức được kiểm tra các triệu chứng điển hình như sốt cao, phát ban da, tiểu cầu thấp trong trường hợp bạn bị sốt xuất huyết lúc gần thời điểm sinh nở.

2. Dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết khi mang thai

Nếu nhận thấy các triệu chứng khá giống cảm cúm dưới đây, mẹ bầu cần đến bệnh viện kiểm tra ngay lập tức, bởi chúng rất có thể là dấu hiệu của sốt xuất huyết:

  • Chảy máu chân răng;
  • Sốt cao, kèm theo run rẩy;
  • Mất nước, ăn không ngon miệng;
  • Đau đầu dữ dội;
  • Khó thở;
  • Cảm giác tê nhức khắp cơ thể;
  • Buồn nôn, nôn mửa liên tục;
  • Phần thân trên của cơ thể xuất hiện các mẩn đỏ.

Bệnh sốt xuất huyết trong thai kỳ có thể đe dọa tính mạng của cả sản phụ và thai nhi

3. Phương pháp chữa trị sốt xuất huyết khi mang thai

Sốt xuất huyết có nguy hiểm không còn phụ thuộc vào việc bà bầu có được chẩn đoán phát hiện bệnh sớm hay không. Nếu được chẩn đoán sớm, hiệu quả điều trị chắc chắn sẽ rất cao. Việc điều trị sốt xuất huyết kịp thời trong thời gian mang thai sẽ đảm bảo thai phụ và em bé được khỏe mạnh. Thai phụ trong quá trình điều trị sốt xuất huyết cần lưu ý những điều sau đây:

  • Không được tự ý mua thuốc sử dụng trong thời gian mang thai
  • Khám thai định kỳ để theo dõi huyết áp và mức tiểu cầu trong máu
  • Trường hợp sốt xuất huyết vừa và nhẹ có thể tự điều trị tại nhà bằng thuốc paracetamol để hạ sốt và làm giảm cơn đau
  • Nên bổ sung nhiều nước để ngăn ngừa tình trạng mất nước do nôn ói, tránh ảnh hưởng đến lượng dịch phôi thai
  • Giữ tinh thần thoải mái, nghỉ ngơi nhiều, vận động vừa phải
  • Đối với trường hợp sốt xuất huyết nặng và nghiêm trọng, thai phụ cần phải nhập viện và theo liên tục trong phòng chăm sóc đặc biệt

Phòng tránh sốt xuất huyết khi mang thai

Do có sức đề kháng kém hơn bình thường, phụ nữ mang thai dễ mắc các bệnh truyền nhiễm hơn, vì vậy việc phòng chống bệnh nên được đặt lên hàng đầu. Đối với sốt xuất huyết, cách phòng tránh tốt nhất là cần diệt nguồn lây qua muỗi vằn. Có rất nhiều biện pháp để thực hiện việc trên như:

  • Ngăn ngừa sự sinh sản của muỗi: Đậy kín các đồ dùng chứa nước, thả cá diệt bọ gậy, vệ sinh đồ đạc thường xuyên, phát quang bụi rậm, dọn vệ sinh môi trường sống xung quanh,…

  • Phun thuốc diệt muỗi theo lịch của tổ dân phố, phường, xã khi được phát động. Sử dụng các phương pháp diệt muỗi cá nhân như: đốt hương muỗi, phun thuốc xịt muỗi bằng bình xịt tại nhà, sử dụng vợt muỗi, xoa kem chống muỗi.

  • Có thể sử dụng một số hương liệu thiên nhiên sẵn có như vỏ cam, vỏ bưởi, vỏ chanh, sả,… để trong nhà giúp đuổi muỗi.

  • Tránh mặc quần áo cộc tay đề phòng muỗi đốt.

  • Căng màn kín khi đi ngủ.

  • Nếu vào mùa nóng có thể bật điều hòa vì muỗi sợ lạnh.

Các mẹ bầu cần phải hết sức cẩn trọng, giữ sức khoẻ để có một thai kỳ mạnh khoẻ nhé!

Nguồn : Sức Khoẻ Cộng Đồng