Dấu hiệu cho thấy trẻ bị nghiện game
Trẻ nhỏ rất dễ bị nghiện các trò chơi điện tử nếu cha mẹ cho trẻ chơi thường xuyên mà không có sự kiểm soát. Nếu thấy trẻ có các triệu chứng sau, bạn cần tìm cách can thiệp ngay:
1. Che giấu cảm xúc
Khi có một cảm xúc khó chịu hoặc tình huống không hay, trẻ thường chơi game để che giấu đi những cảm xúc này. Trẻ dùng thế giới ảo trong game để không phải đối diện với những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống.
2. Tiêu tốn nhiều tiền cho việc chơi game
Trẻ có thể xin tiền bạn để nâng cấp hoặc mua nhiều vật phẩm khác nhau liên quan đến trò chơi. Nếu bạn không cho, bé còn có thể ăn cắp tiền của bạn để đầu tư vào game và các thiết bị trong game.
3. Không quan tâm đến những công việc khác
Những đứa trẻ bị nghiện game thường không quan tâm đến việc nào khác ngoài game, trẻ bỏ bê, xa lánh cả người thân và bạn bè. Việc học tập có thể bị trì trệ, không được quan tâm. Thậm chí, cả việc ăn uống và vệ sinh cá nhân cũng không được thực hiện.
4. Không kiểm soát được thời gian chơi game
Trẻ có thể hứa với bạn bé sẽ chỉ chơi trong 15 phút hoặc cho đến khi hoàn thành một cấp độ cụ thể, nhưng bé không thể thực hiện lời hứa mà cứ bị cuốn theo trò chơi và hoàn toàn không nhận ra điều đó!
5. Tức giận khi kết quả chơi trò chơi không như ý
Trẻ có thể thể hiện hành vi hung hăng khi chơi thua hoặc không hoàn thành một nhiệm vụ nào đó trong game. Trẻ có thể kích thích, hưng phấn cũng có thể cảm thấy tức giận, thất vọng một cách vô lý.
6. Chơi lén nếu bạn cấm đoán
Nếu bạn la mắng hoặc cấm bé chơi, bé sẽ cố gắng tìm cách chơi trong bí mật mà không để bạn phát hiện. Bé có thể bắt đầu nói dối hoặc kiếm cớ để chơi game chỉ trong vài phút.
7. Quan tâm quá mức đến trò chơi điện tử
Ngay cả khi ngưng chơi, trẻ cũng hay tỏ ra mất tập trung hoặc thường nghĩ về điều gì đó liên quan đến trò chơi hoặc liên tục nói chuyện về game, không hứng thú với những việc khác.
Ba mẹ nên cho trẻ chơi game như thế nào để tránh gặp phải những vấn đề không mong muốn?
Đối với trẻ nhỏ, trò chơi điện tử tồn tại nhiều ưu và nhược điểm. Tuy nhiên, là cha mẹ, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát những điều này để trẻ có thể nhận được nhiều lợi ích nhất từ việc chơi game:
- Không cho bé chơi trò chơi điện tử khi con còn ở độ tuổi mẫu giáo.
- Trước khi tải một trò chơi nào đó, hãy xem qua đánh giá, giới hạn độ tuổi và những cảnh báo về nội dung mà nhà sản xuất cung cấp.
- Chơi chung với con để bạn và bé có thể thảo luận về các vấn đề của trò chơi.
- Kiểm soát thời gian chơi của trẻ.
- Theo dõi mọi tương tác trực tuyến mà con bạn thực hiện với người lạ và đảm bảo bé không tiết lộ thông tin cá nhân.
- Không để các thiết bị điện tử trong phòng của trẻ, đặc biệt là vào ban đêm.
- Để bé chơi ở những khu vực mà bạn dễ quan sát.
- Nếu bạn cũng thích chơi game, hãy thực thi các quy tắc tương tự cho chính mình để làm gương cho trẻ.
- Chỉ cho phép con chơi sau khi bé hoàn thành bài tập về nhà và các công việc khác.
- Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể chất hoặc các bộ môn thể thao ngoài trời nhiều hơn.
Trò chơi điện tử không được khuyến khích cho trẻ nhỏ vì ánh sáng từ màn hình có thể gây ra những ảnh hưởng không tốt cho mắt. Bên cạnh việc cho trẻ thư giãn bằng các trò chơi điện thử, bạn có thể khuyến khích trẻ đọc sách, tham gia các hoạt động ngoài trời hoặc các bộ môn thể thao mà bé yêu thích.
Nguồn : Sức khỏe cộng đồng
http://suckhoe24h.suckhoecongdongonline.vn/ba-me-nen-cho-tre-choi-game-nhu-the-nao-de-tranh-gap-phai-nhung-van-de-khong-mong-muon-a184976.html