Bác sỹ giải đáp: Thực đơn cho bà bầu bị đau dạ dày

Thời kỳ mang thai, cơ thể phụ nữ thay đổi rất nhiều về các chức năng sinh lý trong cơ thể. Các thay đổi về tâm sinh lý dễ khiến phụ nữ mang thai rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi; thói quen ăn các loại trái cây chu làm cho các triệu chứng tiêu hóa xuất hiện rầm rộ, đặc biệt là ợ nóng, ợ chua dễ nhầm lẫn với các triệu chứng ốm nghén.

Xin mời các chị em cùng Th.S Bác sỹ Đặng Ngọc Hùng, chuyên gia dinh dưỡng, Giảng viên thỉnh giảng Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur, Founder tại H&H Nutrition tìm hiểu về thực đơn cho bà bầu bị đau dạ dày qua bài viết dưới đây:

Đau dạ dày khi mang thai khởi đầu với những triệu chứng buồn nôn, ợ nóng, ợ chua, nóng rát dạ dày và đau ở thượng vị. Các triệu chứng này có thể xuất hiện rải rác trong suốt thời kỳ mang thai. Bên cạnh đó, có thể có triệu chứng chướng bụng, chán ăn làm cho cơ thể suy nhược và ảnh hưởng sự phát triển của thai nhi.

Đau dạ dày ở phụ nữ mang thai ít khi gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng làm giảm chất lượng cuộc sống nghiêm trọng, giảm cảm giác ngon miệng, ảnh hưởng sinh hoạt hàng ngày, ít nhiều ảnh hưởng đến dinh dưỡng cho cả mẹ và bé. Cả thời kỳ mang thai, mẹ bầu không nên sử dụng bất kỳ loại thuốc nào không có sự chỉ định của bác sĩ vì có thể ảnh hưởng trực tiếp lên sức khỏe của trẻ, gây ra các dị tật bẩm sinh,…


Triệu chứng ở dạ dày liên quan chủ yếu đến thói quen ăn uống và sinh hoạt ở phụ nữ có thai. Vì vậy, để cải thiện triệu chứng đau dạ dày, phụ nữ mang thai nên chú ý đến chế độ ăn uống và sinh hoạt của mình. Chế độ ăn uống trong thời gian này vừa phải đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho bé vừa phải chọn lựa các loại thực phẩm ít gây ra đau dạ dày cho mẹ.

Để xây dựng một thực đơn dinh dưỡng lành mạnh cho phụ nữ mang thai cần chú ý các nguyên tắc sau: đa dạng các loại thực phẩm; nên ăn các loại thực phẩm giảm tiết dịch vị và mềm để dạ dày không phải co bóp nhiều; hạn chế/loại bỏ thực phẩm có hại gây tăng tiết axit dạ dày; ăn nhiều bữa trong ngày thay vì 3 bữa chính; ăn tối trước 8h tối; hạn chế bỏ bữa trong thời kỳ mang thai. Phụ nữ mang thai bị đau dạ dày nên ăn các nhóm thức ăn sau:

– Tinh bột: nên dùng các loại tinh bột có tính bọc niêm mạc dạ dày, thấm dịch vị như gạo nếp, bột sắn, bánh mì, bánh quy, các loại khoai (khoai lang, khoai sọ, khoai tây)… Có thể ăn cháo, cơm nát để hạn chế dạ dày phải nhào trộn thức ăn nhiều.

– Rau củ: rau xanh có nhiều vitamin giúp cải thiện tình trạng viêm loét dạ dày, hạn chế một số vấn đề về đường ruột như tiêu chảy và táo bón, trung hòa axit dạ dày, giảm lượng dịch vị dư thừa. Các loại rau xanh mẹ bầu có thể sử dụng là mồng tơi, súp lơ, rau cải, rau dền, rau lang, rau cần, rau ngót, rau bina…

– Chất đạm: nên ăn thực phẩm giàu chất đạm và ít béo như thịt nạc, cá, đậu nành, lòng trắng trứng,…


Ngoài ra, phụ nữ mang thai nên tránh các thực phẩm sau để không làm trầm trọng thêm tình trạng đau dạ dày:

– Thực phẩm có độ axit cao: cam, chanh, bưởi chua, giấm, tương ớt, mẻ,…

– Thực phẩm dễ gây sinh hơi trong dạ dày: thực phẩm muối chua (dưa cải muối, dưa giá…), hành…

– Các loại thức ăn làm tăng tiết axit dạ dày: nước sốt thịt, cá đậm đặc

– Hạn chế các loại thực phẩm chế biến sẵn như giăm bông, lạp sườn, xúc xích, nước ngọt có ga…

– Tránh các loại đồ ăn tươi sống, chưa chế biến kỹ như hải sản, gỏi, thịt cá sống… vì tiềm ẩn nguy cơ chứa các loại vi rút, vi khuẩn, giun, sán; dạ dày phải co bóp nhiều hơn để tiêu hóa các loại thức ăn sống.

Cách chế biến thức ăn cần nghiền, xay, băm nhỏ, nấu nhừ; tăng cường luộc, hấp, hạn chế xào, rán. Để tránh các cơn đau dạ dày bất chợt, phụ nữ mang thai cần ăn uống điều độ, đúng giờ, không nên ăn nhiều gia vị chua cay. Sau khi ăn nên nghỉ ngơi một khoảng thời gian để quá trình tiêu hóa thuận lợi hơn, không nên vận động ngay sau khi ăn. Chỉ nên uống một ngụm nhỏ nước ngay sau khi ăn vì uống nhiều sẽ tăng thêm gánh nặng cho dạ dày. Sau ăn 2-3 giờ, có thể áp dụng các bài tập thể thao nhẹ nhàng, đi bộ,… để tăng cường sức đề kháng. Phụ nữ có thai không nên sử dụng rượu bia và tránh khói thuốc lá.

Trường hợp viêm dạ dày mạn tính thường bị thiếu dinh dưỡng do sự tiêu hóa hấp thu dinh dưỡng kém, đặc biệt là các loại vitamin B12, sắt, đạm. Vì vậy, phụ nữ mang thai cần chú ý bổ sung thêm các chất này vào chế độ ăn hàng ngày, kể cả axit folic, canxi, sắt, kẽm, magiê, viatmin A, D.

Ngoài việc xây dựng một chế độ ăn uống hợp lý thì chế độ sinh hoạt sẽ góp phần giảm đau dạ dày hiệu quả. Phụ nữ mang thai nên tránh căng thẳng thần kinh, tránh các tổn thương về tinh thần. Không nên thức khuya nhiều và làm việc quá sức. Sự căng thẳng tâm lý là một trong những nguyên nhân làm cho hệ tiêu hóa bị rối loạn, dễ xảy ra tình trạng ợ hơi, ợ chua. Vì vậy, phụ nữ có thai nên ngủ đủ 8 tiếng một ngày.

Đau dạ dày là tình trạng thường gặp ở phụ nữ có thai do những thay đổi phức tạp trong cơ thể và thói quen sinh hoạt của mẹ và dễ nhầm lẫn với các triệu chứng ốm nghén khi mang thai. Phụ nữ mang thai nên chú ý hơn đến chế độ ăn uống và sinh hoạt để cải thiện các triệu chứng này. Nếu các cơn đau dạ dày nặng nề và kéo dài, phụ nữ mang thai nên đến ngay cơ sở y tế để điều trị kịp thời tránh ảnh hưởng đến cung cấp dinh dưỡng cho thai nhi phát triển toàn diện.

Nguồn : Sức Khỏe Cộng Đồng