Những đứa trẻ sinh ra trong thời đại Iphone, Ipad liệu có sung sướng và hạnh phúc hơn chúng ta không nhỉ? Sinh con được 2 tuần, tôi chợt nhận ra điều đó khi nhìn vào ánh mắt của con, mà trên tay vẫn đang cầm chiếc Iphone để lướt mạng. Nếu con tôi đang được bà bế thì để đáp lại ánh mắt mở to ngây thơ ấy sẽ là những lời trò chuyện, bài hát ru hay là nụ cười với cháu, cho dù ở giai đoạn này cháu chỉ nhìn vào mắt bà không quá 3 giây rồi lại đưa mắt đi nhìn chỗ khác.
Ở thời của những người như mẹ tôi làm gì có smartphone hay những trò giải trí khác nên khi bế con trên tay các mẹ đều hát ru, nói chuyện với con, chăm chú nhìn vào mắt con khi nói chuyện. Còn thời đại của chúng ta, những bà mẹ sinh ra trong thời đại của smartphone, Ipad nên sẽ chẳng hiếm cảnh các bà mẹ trẻ tay bế con nhỏ, mặc dù con vẫn thức nhưng tay kia của mẹ vẫn mải miết dùng điện thoại để mặc con muốn làm gì thì làm, hoặc có khi đưa cho con một đồ chơi gì đó cho con cầm.
Những đứa trẻ lớn hơn một chút thì lại được cha mẹ đưa cho Iphone hay Ipad để chơi thay vì chơi với con. Có lẽ ai cũng biết trò chuyện với con là một việc làm quan trọng, nhưng không phải ai trong chúng ta cũng nhận ra chúng ta đã vô tình bỏ lỡ những giây phút quý báu để giúp con phát triển. Đặc biệt khi con càng nhỏ, sự tập trung chưa cao thì cha mẹ lại càng thiếu kiên nhẫn và cho rằng ôi dào có nói thì nó cũng đã biết gì đâu, đợi nó lớn lên chút, hoặc tâm lí thôi tranh thủ lướt mạng một chút cho đỡ mệt.
Thế là từ hôm đó mỗi khi bế con hay cho con bú, ngồi chơi với con và khi con thức tôi đều bỏ cái điện thoại sang một bên, để tập trung toàn bộ thời gian và sự chú ý vào con mình, chơi vận động, trò chuyện và hát cho con nghe. Tôi hiểu thêm được một điều rằng ở giai đoạn này của con (từ 0 đến 3 tháng), nhu cầu lớn nhất chính là trò chuyện cùng ba mẹ, vì thế thời gian chơi đùa và trò chuyện với con sẽ tuyệt vời hơn tất cả mọi giáo cụ học tập đắt tiền nào.
Nói chuyện với con gian đoạn 0 đến 3 tháng như thế nào?
Cuốn “Baby Talk Program” của tác giả Sally Ward là một cuốn sách rất nổi tiếng dạy về cách trò chuyện với trẻ từ 0-4 tuổi để giúp trẻ phát triển trí tuệ lẫn tâm hồn, nuôi dưỡng năng lực giao tiếp cho trẻ. Tác giả Sally Ward đã viết trong cuốn sách nổi tiếng của mình rằng mỗi ngày hãy dành ra 30 phút để trò chuyện cùng con trong một môi trường thật yên tĩnh, chỉ có bạn và con mà không có thêm bất kỳ ai nữa, theo nguyên tắc một đối một. Khi nói với con hãy nhìn vào mắt con, nói cao giọng, chậm rãi và bằng tiếng chuẩn. Sự trò chuyện này vừa giúp con phát triển khả năng từ vựng, ngôn ngữ, vừa kích thích trí tuệ, nuôi dưỡng khả năng giao tiếp.
Hãy nhớ là bạn và mọi người hãy nói tiếng chuẩn với trẻ thay vì dùng những từ nựng yêu như “tó con của mẹ, yêu nhắm, thương nhắm, ui tời ui, xương con của mẹ nhắm….” bởi trẻ sẽ nhớ những phát âm không chuẩn đó và lưu và trong não, khi trẻ lớn lên bạn sẽ lại mất công sửa lại phát âm cho trẻ đấy. Hãy nói với ông bà hay những người thân của bạn dể tránh đừng mắc lỗi này.
Nếu trong gia đình có nhiều thành viên thì hãy để từng thành viên nói chuyện một mình với trẻ. Nếu bạn để trẻ trong một cuộc nói chuyện của nhiều người thì nó cũng không có nhiều tác dụng, bởi nó cũng giống như việc trẻ nghe một cái tivi nhiễu sóng, nó không có sự tương tác qua lại nên trẻ cũng không lưu lại những từ vựng vào bộ não của mình.
Nguyên tắc khi nói chuyện với trẻ là như vậy, nhưng bạn có thể ứng dụng và tùy cơ ứng biến trong mọi hoàn cảnh. Ví dụ như khi thay bỉm, khi cho tắm, khi cho con bú… trò chuyện, hỏi han như “mẹ thay bỉm cho con nhé, thoải mái quá con nhỉ, sữa ngon quá con nhỉ, con mẹ đang vui đấy à….”, hay là đọc thơ hoặc hát cho con nghe những bài hát mà bạn yêu thích. Có nhiều người nghĩ rằng trẻ con thì phải cho nghe đĩa con nít như đĩa bé Xuân Mai, mình không biết hát hoặc hát không hay nên thôi để đĩa hát thay mình. Nhưng suy nghĩ đó lại làm mất đi của trẻ cơ hội được giao tiếp với cha mẹ đấy, bởi với bé chính sự tương tác trực tiếp với cha mẹ chứ không phải là âm thanh qua tiếng loa, mới là yếu tố quan trọng giúp bé phát triển ngôn ngữ và khả năng giao tiếp, nuôi dưỡng sợi dây tình cảm gắn kết cha mẹ với con.
* Trong bài viết có sử dụng tài liệu tham khảo trong cuốn sách “Baby Talk Program” của tác giả Sally Ward.
Nguồn : bau.vn