Ăn dặm là một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của một đứa trẻ. Vì vậy bé ăn dặm khi nào là phù hợp nhất là điều mà nhiều mẹ bỉm sữa quan tâm. Vậy hãy cùng tìm hiểu về độ tuổi thích hợp cũng như các dấu hiệu để nhận biết được bé yêu nhà bạn đã thực sự sẵn sàng cho việc ăn dặm hay chưa?
Tại sao trẻ phải bắt đầu ăn dặm?
Từ những năm tháng đầu đời, sữa là nguồn dinh dưỡng duy nhất của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, sữa chỉ cung cấp đủ nguồn dinh dưỡng cho trẻ giai đoạn đầu. Đến một thời điểm nhất định, khi đứa trẻ mỗi ngày một lớn lên thì ngoài sữa, trẻ sẽ phải ăn những loại thức ăn khác ở dạng đặc hơn. Bởi vì các loại thức ăn này sẽ giúp trẻ phát triển thể chất lẫn trí não một cách toàn diện và khoẻ mạnh.
Cụ thể, 6 tháng đầu đời, cơ thể bé được cung cấp nguồn sắt từ việc dự trữ ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Hơn nữa, việc bú sữa mẹ và ăn sữa công thức cũng là một nguồn cung cấp sắt cho bé. Tuy nhiên, khi dần dần lớn lên, lượng sắt dự trữ này sẽ vơi dần. Từ đó đòi hỏi trẻ phải nạp thêm các thực phẩm khác để sản sinh ra khác.
Không dừng lại ở đó, việc ăn dặm cũng là cách để xây dựng và hình thành thói quen ăn uống lành mạnh, khoa học cho trẻ nhỏ. Đồng thời đây cũng là thời gian để bé trải nghiệm và kích thích vị giác, tìm ra món ăn thật sự phù hợp với khẩu vị của bé. Từ đó rèn luyện và giúp trẻ phát triển răng, xương hàm cùng các kỹ năng khác.
Bé ăn dặm khi nào thì thích hợp nhất?
Dưới đây là một số yếu tố dẫn đến việc lựa chọn thời điểm khi nào thích hợp để sẵn sàng cho việc bé bắt đầu ăn dặm.
1. Bé ăn dặm khi nào: Khi bé được 6 tháng tuổi
6 tháng là độ tuổi lý tưởng được các chuyên gia khuyến cáo để bắt đầu cho bé ăn dặm. Và không nên cho trẻ ăn dặm trước mốc thời gian này trừ những trường hợp như mẹ mất sữa, bé thiếu cân, còi cọc nên không phải ăn dặm sớm.
2. Khi bé đã có những dấu hiệu sẵn sàng về mặt thể chất
Khi em bé sắp đến tháng tuổi thứ 6, bố mẹ nên quan sát, theo dõi và để ý xem bé đã có những dấu hiệu cho việc sẵn sàng ăn dặm hay chưa. Mỗi em bé đều có các dấu hiệu ở các thời điểm khác nhau. Do vậy mẹ cần hiểu rõ vấn đề này ở con của mình để có thể đánh giá về mặt thể chất của trẻ.
Các dấu hiệu cho thấy bé đã sẵn sàng ăn dặm:
- Bé có thể ngồi thẳng mà không cần tới sự can thiệp và hỗ trợ nhiều từ bố mẹ.
- Bé kiểm soát tốt đầu, cổ.
- Bé không còn phản xạ đẩy thức ăn ra.
3. Khi thời điểm phù hợp, không quá sớm và không quá muộn
Việc bắt đầu ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc các bệnh dị ứng ở trẻ em. Do đó nếu không có trường hợp gì đặc biệt, nên cho trẻ ăn dặm vào độ tuổi thích hợp 6 tháng.
Ngoài ra khi nhận thấy trẻ có những dấu hiệu đã sẵn sàng cho việc ăn dặm, thì đây chính là thời điểm phù hợp. Các mẹ có thể thấy ở thời điểm này, trẻ bắt đầu quan tâm đến đồ ăn của bạn. Có những trẻ đã sẵn sàng có thể cố gắng với lấy đồ ăn ra khỏi tay hoặc miệng của mẹ. Ngoài ra còn có các biểu hiện như: với đồ ăn để trên bàn, há miệng, chảy nước miếng khi chờ đồ ăn.
4. Khi bé không quá đói hoặc mệt
Đây là thời điểm hoàn hảo để trẻ có bữa ăn dặm đầu tiên. Khi cho trẻ nếm thử những hương vị đầu tiên, điều quan trọng là chọn thời điểm khi bé vui vẻ. Không nên cho bé ăn dặm khi bé quá đói vì bé sẽ khóc quấy là đòi bú sữa mẹ. Cũng không nên cho bé ăn khi bé đang buồn ngủ, đang mệt mỏi, cáu gắt hay không có hứng thú với việc ăn uống. Vì vậy hãy lựa thời điểm bé thật sự vui vẻ, thoải mái các mẹ nhé.
Dấu hiệu đói của bé
- Trở nên phấn khích khi thấy bạn chuẩn bị thức ăn.
- Nghiêng về phía bạn khi đang ngồi trên ghế ăn.
- Há miệng khi bạn chuẩn bị cho bé ăn.
Dấu hiệu cho thấy bé không hứng thú
- Quay đầu đi.
- Mất hứng thú hoặc bị phân tâm.
- Đẩy muỗng ra xa.
- Ngậm miệng lại.
Trên đây là các yếu tố để trả lời cho câu hỏi bé nên ăn dặm khi nào mà nhiều mẹ thắc mắc. Mong rằng, bài viết trên đã cung cấp cho mẹ nhiều thông tin bổ ích!
Nguồn : bau.vn