Bí quyết thông minh nuôi dạy con trai

(Bau.vn) Có vẻ như việc duy trì mối quan hệ tốt giữa mẹ và con gái dễ dàng hơn đối với con trai. Những gì mà các mẹ cần phải làm có thể sẽ phức tạp và đòi hỏi sự tinh tế, khéo léo hơn. Tham khảo những bí quyết dưới đây để giúp con trai bạn lớn lên khỏe mạnh, bản lĩnh và luôn gắn bó với gia đình.
Thể hiện tình cảm
Các mẹ có xu hướng hạn chế thể hiện tình cảm với các “cậu ấm”, nhưng luôn dành cho con gái những cái ôm đầy yêu thương. Cách gọi “con trai của mẹ” khiến chúng ta nghĩ việc thể hiện tình cảm và những điều tương tự sẽ hạn chế sự phát triển “tính đàn ông” của cậu bé. Tuy nhiên, chỗ dựa tinh thần ấm áp và thoải mái nhất chính là những điều tuyệt vời mà bạn có thể mang lại cho con trai với tư cách làm mẹ. Việc nhận thức được gia đình và vòng tay cha mẹ chính là thiên đường an toàn nhất sẽ giúp cậu bé có được sự tự tin và bản lĩnh. Khi lớn lên, các bé sẽ cần nhiều không gian riêng hơn. Nhưng mỗi cái ôm mọi ngày sẽ giúp con trai bạn nhận thấy luôn được quan tâm. Và đó, chính là sức mạnh để bé trải qua những khó khăn thử thách sau này.

Lòng tốt và sự tôn trọng

Dạy bé biết lễ phép, lòng tốt và sự tôn trọng là điều không hề dễ dàng. Tuy nhiên, hãy dạy con bạn từ khi còn nhỏ, làm thế nào để sử dụng lời nói hiệu quả nhất, làm sao để quan tâm cha mẹ hay đơn giản chỉ là giữ cửa mở cho người đứng bên cạnh mình, không phải chỉ đối với phụ nữ. Làm như vậy, sẽ giúp bé trai bản lĩnh và trở nên xuất sắc. Hãy lấy chính bản thân mình làm hình mẫu, là tấm gương trong mối quan hệ với con cái và vợ (chồng) bạn. Ngoài ra, cần dạy cho con trai cách tôn trọng phụ nữ, đánh giá họ qua cả tài năng và cá tính, chứ không phải qua mỗi bề ngoài.

Bỏ đi ý nghĩ, “con trai lúc nào cũng phải mạnh mẽ”

Nhiều bà mẹ mong đợi con trai mình lúc nào cũng là anh chàng mạnh mẽ, có sức chịu đựng hơn con gái. Thực tế, việc để các cậu bé và những người đàn ông khóc cũng như thể hiện cảm xúc (yêu, buồn, đau, sợ hãi…) sẽ tốt hơn là để họ dấu kín trong lòng. Không thể có sự phân biệt cảm xúc phái nam – phái nữ, bởi đơn giản chúng ta đều là con người. Xã hội khiến mọi người tin rằng, con trai không nên chơi với búp bê, đóng kịch, học khiêu vũ hoặc tham gia vào bất cứ điều gì đó không được “mạnh mẽ và sôi nổi”. Hãy cho phép bé trai khám phá và tận hưởng cuộc sống thông qua mọi loại hoạt động – giống như việc bạn chấp nhận những khi con gái “rượu” của mình chẳng có tí gì giống con gái cả.

Hình phạt khôn ngoan

Quy định lỏng lẻo là không hữu ích đối với các bé trai. Con trai có xu hướng đơn giản và không hiểu được những gì bóng gió xa xôi. Chúng có thể đẩy tới giới hạn nếu bạn không thiết lập các tiêu chuẩn và sự công bằng. Đồng thời, khi “thiết quân luật” với bé trai, bạn cần lựa chọn từ ngữ và hình phạt một cách cẩn thận. Bạn nên nhớ, đánh đòn có thể dẫn đến gây hấn ở trẻ sau này, việc gọi tên và quát tháo quá mức có thể gây ra bất hòa về mặt tình cảm. Ngay cả khi cậu bé lấy đi sự kiên nhẫn cuối cùng, thì bạn cũng nên cố gắng giữ bình tĩnh và nói chuyện với con, rằng những gì bé đang làm là sai và tại sao bạn muốn bé dừng lại. Hãy tạm nghỉ giải lao khi “cuộc chiến” lên tới đỉnh điểm và tiếp tục vấn đề khi mọi người đều đã bình tĩnh  trở lại.

Xây dựng kỹ năng sống

Bạn có thói quen thay tã hay cho con trai ăn mỗi ngày. Những việc như vậy thường dễ dàng trở thành một thói quen cho đến tận lúc bé lớn lên. Tuy nhiên, điều này không tốt cho cả bạn và con trai của mình. Hãy đối xử với con trai như giống với… con gái, bằng cách cho bé tham gia làm những việc nhà, rèn cho cậu bé những kỹ năng sống từ khi còn nhỏ. Như vậy, bạn vừa được giúp đỡ, vừa giúp cậu bé lớn lên một cách tự lập. Đồng thời, hẳn là cô con dâu tương lai sau này sẽ phải cảm ơn bạn rất nhiều đấy!

Theo dõi việc học ở trường

Các cậu bé có thể bị ảnh hưởng bởi chứng rối loạn khả năng tập trung và trí nhớ. Kể từ khi bé bắt đầu đến trường, bạn hãy thường xuyên liên lạc với thầy cô giáo để nắm bắt được tình hình học tập, cũng như có thể giúp đỡ con trai việc học ở nhà và xác định được những vấn đề rối loạn mà nhiều cậu bé mắc phải. Tính ngăn nắp và việc biết cách sắp xếp khoa học từ bé, sẽ giúp con trai bạn luôn giữ được kết quả học tập tốt ở trường cũng như trong cuộc sống sau này.

Nên và không nên can thiệp

Việc quản lý cuộc sống của gia đình khắt khe khiến bạn dễ dàng lúng túng trong vai trò làm mẹ, cũng như  “sửa chữa” mọi vấn đề phát sinh. Bạn luôn có ý thức bảo vệ con mình, nhưng cố gắng đừng quản lý quá mức đến cuộc sống của con cái. Nếu con trai bị điểm kém hoặc cãi nhau với một người bạn, hãy nói chuyện với cậu bé trước, chứ đừng gọi điện ngay cho cô giáo yêu cầu can thiệp hay gọi bạn của con để hỏi nguyên do. Bạn cần đặt ra những câu hỏi, kiểu như: “Con mình có liên tục bị điểm kém hay không?”, “Sao nhóm bạn bè của con cứ hay thay đổi?’, “Hình như cậu bé đang có tâm trạng không vui?’… Từ đó, thường xuyên nói chuyện với con về những gì đã và sẽ xảy ra, xem con trai muốn mọi chuyện kết thúc thế nào và bạn có thể giúp đỡ đến đâu. Tuy nhiên, điểm số ở trường hay mối quan hệ của cu cậu là vấn đề của riêng con bạn. Mỗi lần như vậy, bé sẽ học được rất nhiều điều, để biết cách nắm bắt và tự điều chỉnh mọi thứ của bản thân.

Đừng biến cậu bé thành “nữ công gia chánh”

Nhiều bà mẹ làm tất cả mọi thứ cho con trai, nhưng cũng có không ít trường hợp lại muốn con trai làm tất cả mọi việc. Nếu chỉ có mình bạn sống với con hoặc chồng bạn đi làm suốt cả ngày, hãy xác định rõ vai trò của đứa con trong cuộc sống của bạn. Chắc hẳn, cậu bé nên biết chia sẻ công việc trong nhà, cũng như trách nhiệm liên quan đến tài chính. Tuy nhiên, nhiệm vụ hàng đầu của con trai bạn chính là tập trung học tập và phát triển kỹ năng xã hội như những đứa trẻ khác. Thậm chí, nếu như cậu bé đã trưởng thành và có năng lực, bạn đừng than vãn chuyện gia đình hay một danh sách những việc cần làm để duy trì hạnh phúc. Nếu đặt cả gánh nặng lên vai con trai, cậu bé có thể sẽ phẫn nộ với chính bạn. 

Lên kế hoạch để vui chơi và thám hiểm

Các cậu bé sẽ học được nhiều điều vô cùng bổ ích khi chơi và thám hiểm. Qua đó, kết quả học tập cũng như sự tập trung được cải thiện rõ rệt. Ở lứa tuổi nào cũng vậy, con trai đều cần phải hoạt bát và cạnh tranh lành mạnh mỗi ngày. Những khi rảnh rỗi, bạn cần cố gắng lên kế hoạch và sắp xếp thời gian để chơi trò chơi cùng con. Ngày nắng có thể chơi ngoài sân, ngày mưa thì chơi trong nhà. Thời gian vui chơi cũng là một cơ hội tốt giúp gắn kết tình cảm hai mẹ con.

“Thông minh” với thể thao
Khuyến khích tinh thần thể thao và trở thành “fan” hâm mộ của con trai là tuyệt vời. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ lại cổ vũ con trai ở mức độ hoàn toàn mới. Qúa chú trọng đến môn thể thao mà con trai tham gia, sẽ khiến bạn trở nên cứng nhắc hoặc làm giảm kỳ vọng của mình đối với thành tính học tập của con. Do vậy, đừng đẩy con trai bạn đến mức quá gắn bó với thể thao, bởi nó dễ dẫn đến tình trạng cậu bé không muốn đi học hoặc muốn từ bỏ nếu như không thích môn thể thao đó. Việc gắn bó với một môn thể thao hay sở thích phải qua thời gian trải nghiệm, nên nếu ép buộc một đứa trẻ làm việc chúng không thích hoặc bị ảnh hưởng, có thể lại thành ra phản tác dụng. 

Không bao giờ thiên vị

Thông thường, các mẹ có xu hướng gần gũi hơn với một trong số các con của mình. Điều này có thể dẫn đến sự thiên vị hay tình trạng bất hòa giữa con trẻ. Các bé đều rất nhạy cảm với sự thiên vị, dù là con trai hay con gái. Vậy nên, hãy cố gắng đối xử với con của mình một cách công bằng nhất, với tất cả sự quan tâm và tình yêu thương. Đừng so sánh điểm số, cân nặng, khả năng chơi thể thao hay bất kỳ những ưu nhược điểm nào khác của các bé. Bởi nếu như vậy, chỉ làm giảm sút mối quan hệ giữa anh chị em trong gia đình, thậm chí còn làm xấu đi mối quan hệ giữa mẹ và con cái.

Nhớ lại khoảng thời gian bạn đang trưởng thành

Giai đoạn mới lớn của con trai quả thực làm cho không ít ông bố bà mẹ “phát hoảng”. Các cậu bé thường có xu hướng tự lập, ít chia sẻ và bướng bỉnh hơn. Hãy nhớ lại những năm tháng của lứa tuổi bắt đầu trưởng thành của bạn và cố gắng hiểu con trai mình nhiều nhất có thể. Bạn cũng nên nhớ lại những gì mà cha mẹ mình đã làm khi bạn đang ở tuổi mới lớn. Đặc biệt, cần thảo luận nghiêm túc về thuốc, về rượu bia, về tình dục và cho cậu bé không gian riêng để phát triển với sự tin tưởng của bạn. Và đừng quên, hãy để tự con trai bạn đối mặt theo cách của riêng mình.

Nguyệt Phạm (dịch)
Tạp Chí Bầu số 50, 10/07/2013

Nguồn : bau.vn