Biếng ăn sinh lý không còn là nỗi lo nếu mẹ biết những nguyên tắc này

Những thay đổi về mặt sinh trong quá trình phát triển của trẻ có thể dẫn đến nhiều hiện tượng, trong đó có biếng ăn sinh lý.

Biếng ăn sinh lý là hiện tượng xảy ra ở hầu hết trẻ nhỏ trong giai đoạn phát triển. Theo thống kê, trong khoảng 2 năm đầu bé sẽ trải qua 10 lần biến đổi. Một nỗi lo lắng chung của các bà mẹ lúc này chính là câu chuyện ăn uống của con. Cùng tham khảo bài viết dưới đây để cùng con vượt qua giai đoạn này.

Biếng ăn sinh lý ở trẻ

Trẻ biếng ăn được phân chia thành 3 dạng: biếng ăn tâm lý, biếng ăn bệnh lý và biếng ăn sinh lý. Biếng ăn sinh lý là tình trạng trẻ đột nhiên chán ăn hoặc ăn ít hơn so với thường ngày. Tình trạng này thường diễn ra trong 1,2 ngày hoặc kéo dài đến 1-2 tuần tùy theo giai đoạn. Biếng ăn đặc biệt xuất hiện khi trẻ mới mọc răng, tập ăn dặm, tập nói, tập đi…

Một số biểu hiện thường gặp:

  • Trẻ nghịch ngợm, không chú ý tới việc ăn uống: Ở giai đoạn tập bò, tập đi đa phần các trẻ đều hiếu động, thích khám phá. Do vậy nên trẻ thường không chịu ngồi yên trong mỗi giờ ăn. Nhiều trẻ thậm chí còn mải chơi quên ăn, hoặc có ăn cũng không hề chú ý, hoàn toàn phớt lờ khi mẹ bón cơm.
  • Trẻ đột ngột biếng ăn: Biếng ăn sinh lý ở trẻ sơ sinh thể hiện ở việc trẻ bú ít hơn bình thường, không chủ động đòi bú, thậm chí từ chối bú mẹ. Với trẻ đang ăn dặm thì lượng ăn của trẻ rất ít. Thậm chí bé gần như không muốn ăn bất cứ gì (kể cả món ưa thích), hoặc chỉ chọn ăn một số món nhất định, không muốn thử món mới.
  • Trẻ ngậm đồ ăn, lười nuốt: Một số trẻ lại có thái độ không hợp tác, ngậm đồ ăn trong miệng rất lâu. Thậm chí còn khóc quấy, phun thức ăn ra ngoài không chịu nuốt… Bữa ăn có thể kéo dài đến hàng tiếng đồng hồ trong sự mệt mỏi của cả mẹ và bé.

Biếng ăn sinh lý hầu như không ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên cũng phải lưu ý vì không ít trường hợp biếng ăn có thể kéo dài quá 1 tháng. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển sau này của con.

Biếng ăn sinh lý thường xảy ra vào thời điểm nào?

Biếng ăn sinh lý ở trẻ nhỏ có thể xảy ra ở các giai đoạn phát triển khác nhau. Tuy nhiên theo các chuyên gia Nhi thì nó thường tương ứng với những sự thay đổi về sinh lý của cơ thể. Cụ thể:

  • Giai đoạn 3 – 4 tháng tuổi: Thời điểm trẻ bắt đầu tập lẫy, quan sát và khám phá môi trường xung quanh
  • Giai đoạn 6 tháng: Trẻ chuyển sang một chế độ ăn mới. Con bắt đầu tập ăn dặm và làm quen với nhiều loại thực phẩm mới.

  • Giai đoạn từ 9 – 10 tháng tuổi: Lúc này trẻ bắt đầu tập bò, tập đứng, tập đi. Chính vì vậy những bữa ăn sẽ không còn hấp dẫn, kích thích bé như trước nữa. Đây cũng là khoảng thời gian trẻ bắt đầu mọc răng. Mọc răng khiến trẻ sưng đau hoặc sốt, gây mệt mỏi, khó chịu và dẫn đến chán ăn.
  • Giai đoạn từ 2 – 3 tuổi: Giai đoạn đã bắt đầu đi nhà trẻ. Việc thay đổi môi trường sinh hoạt, chế độ ăn uống tác động không nhỏ đến tâm lý của trẻ, khiến trẻ dễ bị biếng ăn.

Nguyên tắc “vàng” cho phụ huynh khắc phục biếng ăn ở trẻ

Tình trạng biếng ăn thường chỉ kéo dài 1 vài ngày hoặc 1 vài tuần. Tuy nhiên để giúp con vượt qua những “khủng hoảng” này mẹ có thể giúp con bằng cách:

  • Không dọa nạt hay quát mắng để ép ăn: Nếu trẻ có thái độ không hợp tác, kiên quyết không chịu ăn thì mẹ càng nên kiên nhẫn. Cha mẹ hãy cư xử thoải mái trong mỗi bữa ăn.
  • Chia nhỏ các bữa ăn: Nên tăng số bữa ăn trong ngày và giảm bớt lượng thức ăn trong từng bữa.
  • Tăng lượng sữa và bữa ăn phụ nếu cần: Nếu trẻ không ăn nhiều trong bữa chính, cha mẹ có thể cho trẻ ăn thêm bằng phô mai, sữa chua, bánh quy, bánh flan, trái cây…

  • Ưu tiên thực phẩm mềm, lỏng, dễ tiêu hóa: Ví dụ như các loại canh, súp, cháo, cơm nát ăn với trứng, cá… hoặc các món mà hàng ngày trẻ ưa thích.
  • Bày biện món ăn hấp dẫn, đẹp mắt: giúp kích thích vị giác, khiến trẻ muốn khám phá và thích ăn hơn.
  • Hướng sự tập trung của trẻ vào bữa ăn: Không cho trẻ xem tivi, điện thoại, ipad… trong khi ăn.
  • Tạo cho bé thói quen tự ăn. Bé chủ động lựa chọn món ăn, lượng thức ăn cho vào trong miệng.

Nhìn chung, cha mẹ không cần quá lo lắng về biếng ăn sinh lý. Hãy kiên nhẫn và đồng hành cùng con. Mẹ có thể bổ sung các vi chất cho bé để cải thiện vị giác. Một số chất kẽm, vitamin B1, B6…sẽ tốt cho bé.

Nguồn : bau.vn