Biếng ăn sinh lý không chỉ xuất hiện trong một giai đoạn mà ở nhiều giai đoạn khác nhau trong quá trình trưởng thành và phát triển của trẻ. Nếu không khắc phục kịp thời nó có thể chuyển biến thành biếng ăn tâm lý, khó khắc phục.
Thế nào là biếng ăn sinh lý?
Biếng ăn sinh lý là tình trạng trẻ lười ăn, bỏ ăn hoặc chán ăn so với bình thường. Thông thường mỗi lần biếng ăn sẽ kéo dài 1 đến 2 ngày. Tuy nhiên cũng có trường hợp từ 1 đến 2 tuần tùy thuộc nguyên nhân khác nhau.
Các nguyên nhân thường thấy là: mọc răng, ăn dặm, tập đi,… Đây là những giai đoạn trẻ có sự thay đổi về mặt sinh lý.
Một số biểu hiện thường gặp
Biếng ăn sinh lý thường đi kèm biểu hiện đột ngột chán ăn, lười ăn của trẻ. Với trẻ dưới 6 tháng, các con có thể bú ít hơn bình thường. Thậm chí là không đòi bú, từ chối bú. Với trẻ trên 6 tháng tuổi thì sẽ ăn ít hơn, thường xuyên bỏ bữa. Các món ăn yêu thích thường ngày trẻ cũng sẽ không con hứng thú.
Trong bữa ăn, các bé sẽ thường ngậm đồ rất lâu, lười nuốt. Các con hay quấy khóc, cáu giận và không chịu ăn. Thông thường việc cho bé ăn sẽ phải kéo dài đến hàng tiếng đồng hồ. Đi kèm với đó là các biểu hiện nghịch ngợm, không ngồi yên khi ăn mà đòi đồ chơi hoặc xem TV, điện thoại.
Ngoài ra còn một số biểu hiện khác như cảm thấy buồn nôn khi thấy thức ăn. Đối với trẻ không tăng cân liên tục trong 3 tháng và ăn ít hơn khẩu phần thông thường thì cũng là biểu hiện của biếng ăn sinh lý.
4 giai đoạn biếng ăn sinh lý phổ biến ở trẻ
- Từ 3 đến 4 tháng tuổi: Đây là thời điểm trẻ bắt đầu vận động, biết lẫy. Trẻ sẽ ngửa cổ quan sát khám phá mọi thứ xung quanh.
- Từ 6 đến 7 tháng tuổi: Lúc này trẻ sẽ không bú sữa mẹ mà chuyển sang chế độ ăn mới – ăn dặm, việc làm quen với các thực phẩm thô mới sẽ khiến trẻ dễ biếng ăn hơn bình thường.
- Từ 9 đến 10 tháng tuổi: Trẻ bắt đầu tập bò, tập đi đứng. Đồng thời lúc này các bé cũng sẽ mọc răng dễ bị sốt, mệt mỏi, khó chịu. Việc ăn uống cũng vì thế trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
- Từ 2 đến 3 tuổi: Thời điểm bắt đầu đi nhà trẻ, rất nhiều bé bị biếng ăn sinh lý. Nguyên nhân do thay đổi giờ giấc, môi trường sinh hoạt. Chế độ ăn mới sẽ tác động đến việc ăn uống của trẻ, đa phần trẻ sẽ bị chán ăn, lười ăn hơn bình thường
Gợi ý các biện pháp để biếng ăn ở trẻ không còn là nỗi lo
Với trẻ bị biếng ăn, cha mẹ cần bình tĩnh, kiên trì cùng con giải quyết qua từng giai đoạn. Đây không phải là một hiện tượng đáng lo ngại. Tuy nhiên cũng không nên để nó kéo dài ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
Cha mẹ nên chia nhỏ các bữa ăn của con, giảm lượng thức ăn nếu thấy con bỏ bữa nhiều. Thay vì bắt con ăn quá nhiều trong một bữa, mẹ hãy chia thành từng khung giờ hợp lý khác nhau. Nếu các bữa chính con ăn ít hãy cố gắng tăng lượng sữa và thêm các bữa phụ. Mẹ có thể bổ thêm dưỡng chất bằng sữa chua, phô mai, trái cây…cho trẻ.
Hầu hết biếng ăn đều có xuất phát từ thay đổi bên trong cơ thể trẻ. Chính vì thế mẹ nên ưu tiên các thực phẩm dễ tiêu hóa, mềm, lỏng. Các loại cháo, súp, trứng,…sẽ tốt cho các con hơn thực phẩm thô thông thường.
Một biện pháp mà bất kì mẹ nào có con chán ăn cũng nên áp dụng đó là trang trí món ăn hấp dẫn, đẹp mắt. Thay vì bữa cơm thông thường, hãy cố gắng tạo hình bento đơn giản, nhiều màu sắc kích thích vị giác của con hơn nhé. Ngoài ra hãy tạo cho con thói quen ăn uống tập trung, nghiêm túc. Không để con vừa chơi vừa ăn, tránh xa các đồ chơi và thiết bị điện tử. Cha mẹ hãy nhớ, quát mắng hay nạt nộ để con ăn cũng không phải là một cách hay đâu nhé!
Nhìn chung, biếng ăn là một tình trạng rất nhiều trẻ gặp phải. Mẹ có thể tham khảo bổ sung các vi chất như Vitamin B1, B6, kẽm, selen để giúp con cải thiện vị giác và ăn ngon miệng hơn.
Nguồn : bau.vn