Biếng ăn tâm lý ở trẻ là gì và cách phân biệt với biếng ăn sinh lý?

Đôi khi cha mẹ cố gắng chạy theo số lượng dẫn tới dùng đủ mọi cách để ép con ăn. Nếu tình trạng này tiếp diễn dễ dẫn tới chứng biếng ăn tâm lý ở trẻ.

Khác với biếng ăn sinh lý, tình trạng biếng ăn tâm lý là do nỗi ám ảnh của trẻ đối với hoạt động ăn uống. Và nỗi sợ hãi đó có thể xuất phát từ việc cha mẹ ép trẻ ăn quá nhiều, ăn đồ ăn trẻ không muốn… Để hiểu thêm về tình trạng này, hãy đọc bài viết dưới đây của Bau.vn bạn nhé!

Biếng ăn tâm lý là gì?

Biếng ăn tâm lý là một dạng rối loạn về ăn uống, chúng không được coi là bệnh mà chỉ là triệu chứng tạm thời. Tình trạng này ảnh hưởng đến cả tinh thần lẫn thể chất có thể là do các yếu tố tiêu cực ảnh tác động đến tâm lý trẻ. Giai đoạn đầu, trẻ ăn ít nhưng sau đó dần trở thành thói quen mà mất kiểm soát nên trẻ ăn ít đều như vậy. Về lâu dài, dẫn đến thiếu chất dinh dưỡng, gặp các vấn đề về sức khỏe như loãng xương, tổn thương thận và bệnh tim.

Dấu hiệu nhận biết trẻ biếng ăn tâm lý:

  • Trẻ che miệng khi thấy thức ăn hoặc ngậm miệng lại.
  • Trẻ quay mặt đi khi mẹ đút thức ăn vào miệng.
  • Trẻ thường xuyên ngậm thức ăn, không nuốt và khóc nếu bị mẹ ép.
  • Với trẻ lớn hơn trẻ sẽ trốn mẹ vào giờ ăn hoặc ăn rất ít, tỏ ra khó chịu khi ăn. Nhiều trẻ còn có xu hướng giả vờ đau bụng để trốn ăn.
  • Ngoài những biểu hiện trên trong giờ ăn, trẻ vẫn vui chơi, chạy nhảy bình thường. Trẻ cũng thích ăn vặt như snack, xúc xích, sữa chua…

Phân biệt biếng ăn sinh lý và biếng ăn tâm lý

1. Đối với biếng ăn sinh lý

Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng biếng ăn sinh lý có thể kể đến như:

  • Do thiếu chất từ trong bụng mẹ: Trong quá trình mang thai, người mẹ bị thiếu các chất cơ bản như canxi, sắt, kẽm, các loại vitamin cần thiết… sẽ khiến thai nhi bị thiếu chất và suy dinh dưỡng kể cả khi em bé chào đời.

Kết quả của tình trạng này đó là sinh non, con lười bú trong những tháng đầu. Những đứa trẻ sinh đủ ngày, đủ cân có thể cũng lười bú mẹ, bỏ bú hoặc đang ăn sữa ngoài bình thường đột nhiên giảm lượng ăn, bỏ hẳn sữa ngoài.

  • Do quá trình thay đổi sinh lý: Khi trẻ bước vào các giai đoạn thay đổi thể chất như biết lật, biết ngồi, biết bò, biết đi, mọc răng, học nói… thường xuất hiện tình trạng biếng ăn. Ngay cả khi khỏe mạnh, trẻ cũng xuất hiện những giai đoạn ăn ít trong vài ngày hoặc vài tuần.

Tuy nhiên, đây chỉ là thời gian trẻ mải khám phá khả năng của cơ thể, học và luyện tập những kỹ năng mới nên không chú tâm đến việc ăn. Tình trạng này sẽ hay gặp ở các trẻ từ 3 – 4 tháng, 9 – 12 tháng, 16 – 18 tháng… sau đó sẽ quay lại ăn uống bình thường.

2. Đối với biếng ăn tâm lý

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng biếng ăn tâm lý đó chính là cha mẹ không hiểu tâm lý. Tình trạng này thường xảy ra khi trẻ có cảm giác bị ép buộc vào một khuôn khổ ăn uống nào đó: phải ngồi một chỗ từ đầu đến cuối bữa ăn, phải mang khăn ăn, bị quy định phải ăn hết phần ăn của mình trong một thời gian cố định, không khí bữa ăn căng thẳng, kể tội hoặc nói xấu trẻ trong bữa ăn, cho thuốc vào thức ăn, vào sữa….

Ngoài ra, cũng có thể khởi phát từ việc trẻ bị thay đổi môi trường và thói quen sinh hoạt như thời gian ăn của trẻ bị muộn hơn so với bình thường hay trẻ được gửi đến nhà trẻ làm thay đổi môi trường sinh hoạt mà trẻ lại chậm thích nghi.

Cha mẹ nên làm gì để cải thiện?

Khi biếng ăn tâm lý ảnh hưởng đến thể chất cũng như sức khỏe toàn diện của trẻ, vì thế cha mẹ cần có biện pháp để cải thiện.

Cho trẻ ăn cơm cùng gia đình: Nhiều gia đình hay cho trẻ ăn bữa riêng để tránh ảnh hưởng đến bữa cơm của mọi người. Thế nhưng, để tạo không khí và tâm lý thoải mái trong bữa ăn cho trẻ, bạn có thể cho con ăn chung với cả nhà nhé!

Tạo tâm lý thoải mái: Ép trẻ ăn là thói quen của nhiều bậc phụ huynh, đặc biệt khi thấy con nhẹ cân hoặc thấp hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Tuy nhiên, ép trẻ khiến bữa ăn của trẻ và mẹ giống như cuộc chiến đẫm nước mắt, vô tình khiến chúng sợ ăn. Chưa kể, khi bắt ép con, trẻ vừa khóc vừa ăn có thể dẫn đến sặc cháo, thức ăn, cơm… rất nguy hiểm. Do đó, cha mẹ hãy để con ăn theo nhu cầu, tạo không khí vui vẻ trong bữa ăn để con ăn được nhiều hơn.

Đa dạng thực đơn ăn uống: Không chỉ riêng trẻ, ngay cả người lớn nếu ăn mãi một món ăn chắc chắn sẽ cảm thấy chán. Trong khi đó, vị giác của trẻ rất nhạy cảm, trẻ sẽ không chịu ăn một món trong thời gian dài và dẫn tới mất cảm giác thèm ăn. Do đó, mẹ liên tục thay đổi món mới cho trẻ ăn để kích thích vị giác của con.

Nuôi con chưa bao giờ là việc dễ dàng, với những bé biếng ăn trong thời gian dài, mẹ cần kiên trì để thay đổi thói quen ăn uống của trẻ và giúp trẻ ăn ngon hơn.

 

Nguồn : bau.vn