Các dấu hiệu nhận biết trẻ bị tiêu chảy- Dấu hiệu nào cần đưa trẻ nhập viện?

Mùa hè với thời tiết nắng nóng, khó chịu càng làm chất xúc tác gia tăng căn bệnh tiêu chảy ở trẻ nhỏ. Vậy dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy là gì? Cách phân loại ra sao?

Tiêu chảy xảy ra rất phổ biến ở trẻ nhỏ. Đặc biệt với thời tiết đặc trưng của mùa hè khiến thức ăn nhanh chóng bị ôi thiu. Do vậy, việc nắm các dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy giúp bố mẹ kịp thời phát hiện ra tình trạng của con mình để tìm cách chữa trị kịp thời.

Tiêu chảy là gì?

Tiêu chảy là tình trạng trẻ bị đi cầu phân lỏng 3 lần hoặc nhiều hơn trong một ngày. Đây là một trong những bệnh thường gặp, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Trung bình, mỗi trẻ dưới 5 tuổi bị tiêu chảy khoảng 3 lần trong một năm. Tại một số khu vực mà vệ sinh không được đảm bảo thì con số này còn có thể cao hơn rất nhiều lần.

Bố mẹ nên hết sức chú ý vì tiêu chảy là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ. Mỗi năm trên thế giới có 3 – 5 triệu trẻ tử vong vì tiêu chảy. Tiêu chảy còn gây suy dinh dưỡng và nhiễm trùng, tạo nên một vòng luẩn quẩn, gây tốn kém rất nhiều không chỉ cho gia đình mà còn cho cả xã hội.

Các dấu hiệu nhận biết trẻ bị bệnh tiêu chảy

1.Nhóm dấu hiệu liên quan đến hệ tiêu hoá của trẻ

Đi ngoài nhiều lần trong một ngày

Trẻ đột ngột đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày, trung bình 10-15 lần. Đối với trẻ nhỏ có thể đi ngoài ra nước vàng tới 20 lần trong ngày. Tính chất phân lỏng toàn nước, lầy nhầy, có mùi chua, có bọt hoặc có máu.

Lượng phân mỗi lần trẻ đi ngoài có thể nhiều hay ít. Một số trẻ “ị đùn” ra quần do phân chảy ra một cách khó kiểm soát, trẻ không kịp gọi cha mẹ.

Dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy: Bị nôn, trớ, ói

Đi kèm với tiêu chảy, một số trẻ có thể kèm nôn hoặc buồn nôn. Hay gặp trong tiêu chảy do virus Rota, nôn là dấu hiệu đầu tiên của bệnh. Nôn nhiều lần trong ngày làm trẻ mệt mỏi, ăn kém và mất nước.

Dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy: Biếng ăn

Tình trạng biếng ăn có thể xuất hiện sớm hoặc khi trẻ tiêu chảy nhiều ngày. Trẻ thường từ chối các thức ăn thông thường, chỉ thích uống nước. Đảm bảo dinh dưỡng trong và sau tiêu chảy là điều quan trọng giúp trẻ mau hồi phục cơ thể.

Đầy hơi chướng bụng

Một số trẻ than phiền về việc bụng ậm ạch, đầy hơi, khó chịu. Hoặc cha mẹ quan sát thấy bụng trẻ có vẻ chướng lên. Đây cũng là một dấu hiệu ở bé bị rối loạn tiêu hóa

Dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy: Trẻ mệt mỏi, quấy khóc

Bé bị tiêu chảy thường hay mệt mỏi, quấy khóc, nhát chơi, thậm chí có một vài trường hợp hôn mê li bì do mất nước nặng. Do đó, các bậc làm cha làm mẹ cần lưu ý những dấu hiệu bé bị tiêu chảy để có giải pháp kịp thời.

Đau rát hậu môn

Trẻ bị tiêu chảy do phải đi ngoài nhiều lần, đôi khi còn bị tiêu chảy ra máu, dẫn đến tình trạng đau rát hậu môn.

2.Nhóm dấu hiệu liên quan đến  việc bé mất nước

Mất nước là một dấu hiệu cảnh báo trẻ có thể gặp nguy hiểm do không bù đủ lượng nước mất đi khi đi ngoài nhiều lần. Tốt nhất khi thấy bé bị tiêu chảy, cha mẹ cần cho trẻ uống thêm nước hoặc các dung dịch bù nước để tránh tình trạng này. Cần phát hiện sớm các dấu hiệu mất nước của trẻ để xử trí kịp thời.

Khát nước-Dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy

Cha mẹ cho trẻ uống nước bằng cốc hoặc thìa và quan sát trẻ. Nếu thấy trẻ uống nhưng không thích lắm, hoặc từ chối uống nước là trẻ chưa có biểu hiện mất nước.

Các trẻ uống nước một cách háo hức, vồ lấy thìa hoặc cốc để uống. Hoặc khi mẹ bỏ cốc thìa ra thì trẻ khóc lóc đòi uống lại. Đó là những trẻ đang khát nước do có tình trạng mất nước mức độ vừa. Để tránh mất nước, cha mẹ cần bổ sung nước bằng cách bù nước cho trẻ, cho trẻ uống Oresol.

Nguy hiểm hơn nếu trẻ không uống được, hay uống kém vì li bì hôn mê. Nếu gặp phải trường hợp này cần đưa trẻ tới viện ngay để xử trí. Vì trẻ đang gặp nguy kịch do mất nước nặng gây ra.

Mắt trũng khô, không có nước mắt khi khóc

Khi cha mẹ thấy mắt trẻ trũng hơn bình thường, mắt có vẻ khô và khi khóc to trẻ không có nước mắt. Đó là các biểu hiện mất nước ở trẻ do tiêu chảy gây nên.

Miệng và lưỡi khô

Một cách đơn giản cha mẹ cho ngón tay sạch vào miệng trẻ, khi rút ngón tay ra thấy khô là trẻ đang mất nước.

Nếp véo da- Dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy

Cha mẹ dùng 2 ngón tay trỏ và cái véo da thành nếp ở vùng bụng và đùi trẻ. Bình thường khi thả tay ra nếp véo da biến mất ngay. Ở những trẻ có mất nước, nếp véo da sẽ tồn tại lâu, thậm chí trên 2 giây.

Chân tay lạnh tím-Dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy

Bàn chân, bàn tay bình thường ấm và khô, móng tay có màu hồng. Khi trẻ mất nước nặng và bị sốc, bàn tay bàn chân trẻ lạnh, móng tay màu tím, da nổi vân tím. Dấu hiệu này chứng tỏ trẻ đang ở trong tình huống nguy hiểm tới tính mạng.

Sụt cân

Tiêu chảy làm bé bị sụt cân. Tùy mức độ sụt cân nhiều hay ít mà biết bé bị tiêu chảy mất nước mức độ nào và cần bù dịch sao cho hợp lý.

Ho, la khóc, ngậm chặt miệng, nhè, phun thức ăn, khóc lóc, nôn ói … trong giờ ăn là những biểu hiện điển hình cảnh báo biếng ăn ở trẻ nhỏ mà bất cứ bậc cha mẹ nào cũng “khiếp sợ”

3.Một số dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy khác

Dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy: Sốt

Không phải trẻ nào cũng bị sốt tiêu chảy. Sốt thường chỉ ra một tình trạng có nhiễm trùng ở trẻ. Hay gặp trong các nguyên nhân tiêu chảy như do trực khuẩn lỵ gây nên.

Đôi khi, mất nước quá nặng cũng gây ra sốt cao ở trẻ.

Suy dinh dưỡng-Dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy

Những trẻ bị suy dinh dưỡng có nguy cơ bị mắc tiêu chảy cao hơn so với trẻ có cân nặng bình thường không bị suy dinh dưỡng.

Cha mẹ cần phải bổ sung dinh dưỡng cho trẻ cả trong quá trình trẻ bị bệnh và sau khi hồi phục.

Phân biệt các loại tiêu chảy ở trẻ

Bệnh tiêu chảy được phân chia 4 cấp độ khác nhau dựa trên các đặc điểm về thời gian mắc bệnh, cơ chế bệnh, độ nghiêm trọng của bệnh và đặc điểm của phân như: phân có nhiều nước, sủi bọt, nhầy máu hay có chất béo,… bao gồm: tiêu chảy cấp tính, mãn tính, thẩm thấu và xuất tiết.

Tiêu chảy cấp tính 

Bệnh tiêu chảy cấp tính là loại bệnh thường gặp ở trẻ em lứa tuổi mầm non và những năm đầu cấp tiểu học. Tiêu chảy xuất hiện đột ngột, trẻ đi phân lỏng nhiều nước, số lần đi nhiều hơn 3 lần trong 24 giờ, thường kéo dài 1 tuần. Bệnh tiêu chảy cấp tính thường có nguyên nhân do thức ăn không phù hợp hoặc do nhiễm khuẩn thực phẩm, trong đó virus rota là tác nhân chính gây tiêu chảy nặng và đe dọa đến tính mạng của trẻ dưới 2 tuổi.

Tiêu chảy mãn tính

Tiêu chảy kéo dài hơn 2-4 tuần được coi là dai dẳng hoặc mãn tính. Ở một người khỏe mạnh, tiêu chảy mãn tính có thể gây phiền toái hoặc trở thành một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nhưng đối với một người có hệ miễn dịch yếu, hoặc suy giảm miễn dịch thì tiêu chảy mãn tính có thể là nguyên nhân đe dọa đến tính mạng.

Tiêu chảy thẩm thấu

Tiêu chảy do giảm hấp thu dịch, chất điện giải và dinh dưỡng được coi là tiêu chảy thẩm thấu. Mức độ tiêu chảy từ nhẹ đến vừa, khối lượng phân từ 250ml đến 1 lít/ngày. Sự không hấp thu được một chất dinh dưỡng đơn thuần như lactose thường gây ra triệu chứng trướng bụng hơn là tiêu chảy, trừ trường hợp nặng. Hiện tượng tiêu chảy thẩm thấu sẽ dừng lại khi chúng ta ngừng ăn những thực phẩm đó.

Tiêu chảy xuất tiết

Là sự rối loạn về chuyển tải ion trong các tế bào biểu mô của ruột làm tăng sự bài tiết và giảm hấp thu hoặc là cả hai. Đối với hiện tượng tiêu chảy này thì việc ngưng ăn không có tác dụng.

 Khi nào cần đưa trẻ tới viện-Điều trị cho trẻ bị tiêu chảy

Các trường hợp sau đây cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để tránh những hậu quả đáng tiếc:

  • Trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi
  • Trẻ sinh non, có bệnh mạn tính hoặc đang bị mắc nhiều bệnh cùng lúc
  • Có sốt trên 38 độ C đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi. Hoặc sốt trên 39 độ C với trẻ trên 3 tháng tuổi.
  • Trẻ không ăn uống được, hoặc tiêu chảy buồn nôn chóng mặt, nôn mửa liên tục
  • Đi ngoài phân có máu hoặc tiêu chảy ra nước màu đen
  • Tiêu chảy ra nước lượng nhiều, liên tục, không đỡ
  • Trẻ có các dấu hiệu mất nước như mắt trũng, môi khô, da khô, khi véo da trẻ lên thì nếp véo da lâu mất.
  • Thay đổi tri giác như lừ đừ, mệt mỏi
  • Nhà xa cơ sở y tế, cha mẹ chăm sóc kém

Tuỳ vào các biểu hiện, loại tiêu chảy mà sẽ có những cách điều trị khác nhau. Những vấn đề liên quan đến bệnh tiêu chảy ở trẻ sẽ được bau.vn cập nhật trong các bài viết tiếp theo.

Nguồn : bau.vn