Da nhờn và mụn hơn
Căng thẳng của giai đoạn đầu khi bé ra đời, cộng thêm sự thay đổi hormone trong cơ thể nên một số bà mẹ cảm thấy làn da của mình bị xỉn màu và dễ nổi mụn hơn trước. Lúc này, bạn cần lưu ý rửa mặt hai lần một ngày bằng sữa rửa mặt loại dịu nhẹ, tránh chà xát mạnh sẽ gây nhiễm trùng cho da. Sau đó, lau khô bằng khăn mềm và bôi kem dưỡng ẩm. Nếu tình trạng trở nên nghiêm trọng, bạn hãy đi khám để có lời khuyên phù hợp. Bác sĩ có thể sẽ cho bạn dùng kem chứa benzoyl peroxide hoặc tretinoin, kết hợp cùng kháng sinh. Tuy nhiên, phương pháp này cần tránh đối với chị em đang mang bầu hoặc đang cho con bú vì có thể ảnh hưởng đến em bé. Một vài loại thuốc tránh thai có tác dụng phụ là giảm mụn nhọt nhưng cũng chống chỉ định khi đang nuôi con bằng sữa mẹ. Bạn chỉ nên sử dụng chúng nếu bé hoàn toàn ăn bằng sữa ngoài.
Các vùng da sậm màu bao giờ biến mất?
Những vùng da sậm màu lúc mang thai sẽ dần mờ đi trong vòng một năm sau khi sinh con. Chúng có thể là vết nám trên mặt hoặc vết thâm ở bụng và chân tay. Sau sinh, hormone giảm rõ rệt nên các vùng da sậm màu sẽ dần sáng lên. Tuy nhiên, chúng có thể không biến mất hoàn toàn mà chỉ mờ đi. Phụ nữ châu Á và Mỹ La tinh có xu hướng bị nám và sậm màu da nhiều hơn chị em những vùng khác trên thế giới. Cách tốt nhất để giúp các vết nám và thâm trên da mờ đi là hạn chế tối đa ánh nắng mặt trời. Trường hợp phải ra ngoài trời, bạn cần bôi kem chống nắng, kem dưỡng ẩm và đội mũ nón, khẩu trang đầy đủ. Các vết thâm nám trên da có thể xuất hiện trở lại nếu bạn bắt đầu dùng thuốc tránh thai hoặc các loại thuốc liên quan đến hormone. Do vậy, bạn nên hỏi bác sĩ để đổi loại thuốc ít gây tác hại xấu cho da. Sau sinh hơn một năm mà các vết thâm nám vẫn tồn tại, bạn có thể đến bác sĩ da liễu để được tư vấn sử dụng loại kem làm trắng phù hợp.
Khi nào các vết rạn da được cải thiện?
Những vết rạn da sẽ không bao giờ biến mất nhưng có thể mờ dần và thậm chí, rất khó nhận ra sau một vài năm. Đầu tiên, các vết rạn sẽ có màu đỏ, nâu hoặc tím. Sau khi sinh bé, các vết này mờ dần đi và có màu sáng hơn màu da của bạn một chút. Những loại kem có chứa vitamin A, như tretinoin (Retin-A) có thể khiến các vết rạn nhanh mờ hơn. Nhưng cần lưu ý, thành phần này chống chỉ định với người mang thai và đang cho con bú. Tốt nhất, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng. Liệu pháp lazer cũng là một cách giúp xóa được các vết rạn da. Biện pháp này chỉ hiệu quả khi các vết rạn vẫn còn màu đỏ, nâu hoặc tím. Tuy nhiên, giá của phương pháp này khá đắt đỏ.
Nguồn : bau.vn