Các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh cao huyết áp ở trẻ

Nhắc tới cao huyết áp là chúng ta thường nghĩ ngay tới căn bệnh của người lớn tuổi. Tuy nhiên, bệnh cao huyết áp ở trẻ cũng rất hay gặp và có nhiều điểm khác biệt so với người lớn.

Bài viết dưới đây của bau.vn sẽ chỉ ra các yếu tố nguy cơ gây nên bệnh cao huyết áp ở trẻ mà bố mẹ cần đặc biệt lưu ý.

Nguyên nhân gây ra bệnh cao huyết áp ở trẻ

Tương tự như ở người lớn, trẻ bị cao huyết áp cũng được chia 2 nguyên nhân chính là nguyên phát và thứ phát:

  • Các bệnh lý bất thường nhu mô hay mạch máu thận, hẹp eo động mạch chủ có thể sẽ gây nên hậu quả là tăng huyết áp thứ phát ở trẻ.
  • Tăng huyết áp nguyên phát ở trẻ thì liên quan đến các yếu tố di truyền gia đình, tình trạng thừa cân, béo phì. chế độ dinh dưỡng không lành mạnh ( lượng calo nạp vào cơ thể lớn, ăn nhiều đồ ăn nhanh, đồ chiên rán và uống nước có gas), stress,…

Những trẻ béo phì, chậm tăng trưởng hay có những vấn đề như nhiễm trùng đường tiểu tái phát, tiểu có máu, cá nhân hoặc gia đình trẻ có người mắc bệnh lý thận bẩm sinh có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp cao hơn bình thường. Bởi vậy, những trường hợp này cần được theo dõi đặc biệt để có thể phát hiện bệnh kịp thời và đưa ra các biện pháp can thiệp thích hợp.

Hầu hết những trường hợp mức độ bệnh nặng hoặc có triệu chứng đều là tăng huyết áp thứ phát. Còn các trường hợp tăng huyết áp nguyên phát thì đa số xuất hiện ở độ tuổi đi học hoặc thanh thiếu niên và thường đi kèm với tỷ lệ trẻ béo phì.

Những trường hợp trẻ cần có kế hoạch theo dõi huyết áp đặc biệt:

  • Trẻ có tiền sử sinh non, rất nhẹ cân hoặc có những bệnh lý gây biến chứng ở độ tuổi sơ sinh mà cần phải điều trị hồi sức tích cực
  • Trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh
  • Trẻ có bệnh thận hoặc dị dạng đường tiết niệu
  • Trẻ từng được ghép tạng đặc (như gan, thận…)
  • Trẻ mắc các bệnh ác tính
  • Trẻ từng được ghép tủy
  • Trẻ đã từng dùng các loại thuốc có khả năng gây tăng huyết áp
  • Mắc các bệnh hệ thống có liên quan đến tăng huyết áp (như đa u sợi thần kinh)
  • Trẻ bị tăng áp lực nội sọ

Những lưu ý khi đo huyết áp cho trẻ

Yêu cầu đầu tiên là phải chuẩn bị máy đo huyết áp có kích thước bóng hơi (dùng để quấn quanh tay) phù hợp với kích thước tay của trẻ, không được quá lớn hay quá nhỏ.

Hãy cho trẻ ngòi thư giãn trong khoảng 10 đến 15 phút trước khi bắt đầu đo huyết áp. Đối với phông gian đo huyết áp thì phải đảm bảo sự thoải mái. Đối vối trẻ nhỏ, hãy chắc chắn rằng trẻ nằm yên và không quấy khóc khi đo huyết áp để đạt kết quả chính xác nhất.

Trẻ nên được đo huyết áp ở cả 2 tay để đảm bảo chính xác. Bởi đối với trẻ mắc chứng hẹp eo động mạch chủ thì huyết áp tay trái thấp thường  thấp hơn so với tay phải.

Sau khi đo, trị số huyết áp của trẻ sẽ được so sánh với bảng giá trị huyết áp bình thường theo độ tuổi, giới tính và cả chiều cao để xác định trẻ có bị cao huyết áp hay không.

Cách phòng ngừa bệnh cao huyết áp ở trẻ

Bệnh tăng huyết áp trẻ em hoàn toàn có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả nếu trẻ được hướng dẫn thay đổi lối sống song song với chế độ ăn uống khoa học. Các chuyên gia tim mạch khuyến cáo, nếu bố hoặc mẹ mắc bệnh tăng huyết áp thì nên đặc biệt chú ý các vấn đề dưới đây:

  • Chú ý duy trì số cân nặng phù hợp. Tránh trường hợp để trẻ thừa cân, béo phì
  • Chế độ ăn uống hợp lý, khoa học. Hạn chế tối đa cho trẻ ăn các món ăn chứa nhiều đường, muối, dầu mỡ và thức ăn nhanh. Trẻ từ 4-8 tuổi nên được bổ sung 1.2 – 1.5 gam muối mỗi ngày. Bên cạnh đó chế độ ăn của trẻ cần được tăng cường thực phẩm giàu chất xơ, rau xanh và trái cây tươi
  • Tạo thói quen tập thể dục mỗi ngày. Hãy khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời. Song song với đó và hạn chế để trẻ ngồi quá lâu trước màn hình TV, điện thaoị hay máy tính.
  • Có các biện pháp giúp trẻ đối phó với căng thẳng bởi stress, căng thẳng tinh thần cũng là một trong số các nguyên nhân dẫn đến bệnh cao huyết áp ở cả trẻ em và người trưởng thành.

Nguồn : bau.vn