Ý tưởng biến vỏ mì tôm thành những sản phẩm tái chế độc đáo
Chị Thảo chia sẻ, từ hồi nhỏ chị đã thích được thực hiện các ý tưởng tái chế. Lên đến đại học chị Thảo vẫn giữ riêng cho mình niềm đam mê ấy, chị Thảo sử dụng các vật liệu sẵn có rồi tạo ra những sản phẩm như hoa vải, hoa giấy… Nhờ vào đôi tay khéo léo và ý tưởng tái chế sáng tạo, suốt khoảng thời gian sinh viên chị đã có thêm nguồn thu nhập để học đại học nhờ việc bán các sản phẩm tái chế. Sau khoảng thời gian đó, niềm đam mê với đồ tái chế của chị Thảo buộc phải gián đoạn do thời gian dạy học trên lớp khá bận bịu, khiến chị không thể tiếp tục với việc tái chế các sản phẩm.
Cơ duyên lại trở lại với chị Thảo vào thời điểm cả nước bùng phát dịch Covid-19 vào đầu năm 2020. Trong suốt khoảng thời gian nghỉ giãn cách xã hội, chị Thảo lại bắt đầu nghĩ ra các ý tưởng tái chế cho câu lạc bộ Mì Tôm xanh. Bên cạnh đó, những cô cậu học trò nhỏ của chị Thảo cũng là một trong những động lực để chị làm công việc này. Chị luôn muốn làm một điều gì đó có giá trị để tác động đến thế hệ học sinh, trước hết là các em học sinh ở tại trường THPT Vinschool. Càng làm công việc này, chị càng cảm thấy mình phải nỗ lực nhiều hơn để nhân rộng và lan tỏa giá trị tốt đẹp tới các lớp thế hệ.
Xuất phát điểm của câu lạc bộ Mì tôm xanh
Câu lạc bộ Mì tôm xanh thành lập từ sau đợt bùng phát dịch, nên chủ yếu các hoạt động của câu lạc bộ làm online là chính. Tận dụng khoảng thời gian rảnh rỗi do nghỉ dịch, chị Thảo đã kêu gọi một nhóm học sinh tại trường tham gia câu lạc bộ. Đây là nhóm các em học sinh luôn năng nổ tham gia vào các hoạt động cùng chị Thảo ở trường, nên khi biết tin chị Thảo muốn thành lập câu lạc bộ, các em đều ủng hộ rất nhiệt tình. Vì câu lạc bộ hoạt động online, nên cô trò chủ yếu là trao đổi với nhau thông qua những clip hay bức ảnh do chính chị Thảo tự quay, tự chụp để hướng dẫn các em học sinh cách để tạo ra các sản phẩm tái chế.
Sau đó chị Thảo tiếp tục thu gom vỏ mì tôm tại chung cư nơi mà chị đang sinh sống. Số lượng vỏ mì tôm mà chị Thảo thu về ở thời điểm đó rất ít, thậm chí gom mãi mới được chục cái vỏ mì. Để tiết kiệm nguyên liệu tái chế, chị Thảo phải thử nghiệm trước trên giấy trước vì lúc đó không có vỏ mì để đan.
Ban đầu để thu gom được lượng lớn vỏ mì tôm đối với chị Thảo vô cùng khó khăn, phần lớn vì ít người chưa biết và chưa tin tưởng vào hoạt động mà chị Thảo đang làm. Tưởng chừng như những khó khăn ấy sẽ khiến chị Thảo bỏ cuộc. Nhưng không, chị Thảo vẫn tích cực thường xuyên kêu gọi mọi người ủng hộ. Dần dần, cũng có nhiều người biết đến và tin tưởng chị hơn, họ bắt đầu gửi đi những chuyến vỏ mì tôm đầu tiên của mình.
Lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường tới cộng đồng
Trở lại trường học sau một khoảng thời gian dài chống dịch Covid-19 và nhờ có sự nỗ lực không ngừng nghỉ của chị Thảo. Đến nay, câu lạc bộ Mì Tôm xanh đã có tổng hơn 200 cộng tác viên trên toàn quốc. Chị Thảo chia sẻ thêm: “Hiện tại, số lượng vỏ mì về rất nhiều, chỉ thiếu người làm thôi chứ vỏ thì không thiếu”.
Thành viên chính trong câu lạc bộ Mì tôm xanh chủ yếu là các nhóm học sinh từ cấp 2 cho đến cấp 3 tại trường học nơi chị Thảo đang công tác. Hiện tại có khoảng 40 em học sinh tham gia hoạt động, câu lạc bộ chỉ hoạt động vào hai buổi chính cố định vào mỗi tuần.
Những sản phẩm đặc biệt được tái chế từ “rác thải”
Vỏ mì tôm sau khi thu về phải được xử lý một cách cần thận, cắt tất cả các cạnh cứng của mì, lau qua vỏ mì bằng khăn khô. Sau đó cuộn vào 1 sợi dây thép để tạo thành các sợi đan nhỏ, rút sợi dây thép ra là đã có được những sợi đan hoàn chỉnh. Các sợi đan được chị Thảo nghĩ ra ý tưởng gắn liền bằng keo nến, sau đó đan chúng theo công thức mây tre đan thông thường.
Chị Thảo cho biết: “Những sản phẩm như lót ly tốn từ 20 tới 30 phút cho 1 sản phẩm, như túi xách phải gom thêm một số phụ kiện như vải vụn, khóa, móc khóa, dây treo túi… Đối với sản phẩm như túi xách trung bình phải mất thời gian khoảng 12 đến 14 tiếng mới có thể hoàn thành, vì mình phải dựng khung túi, khâu tay miếng lót túi và khung đan bằng tay hết sức tỉ mỉ”.
Các sản phẩm tái chế của câu lạc bộ khá đa đạng, đó là những chiếc hộp bút, hộp đựng giấy, túi xách, miếng lót cốc, giỏ đựng hoa quả… Dường như dưới đôi bàn tay khéo léo của chị Thảo và các thành viên trong câu lạc bộ, vỏ mì tôm không còn là “rác thải” mà chúng đã trở thành những nguyên liệu thân thiện và có ích với môi trường.
Dự án bảo vệ môi trường mang mục đích thiện nguyện
“Tất cả các sản phẩm của câu lạc bộ đều được bán với mục đích từ thiện, khách hàng sẽ mua hàng bằng cách chốt đơn hàng và chuyển khoản trực tiếp cho số tài khoản của quỹ miền Trung, quỹ Covid của ban Mặt Trận Tổ Quốc và quỹ của cặp lá yêu thương để nhằm chia sẻ khó khăn với những hoàn cảnh kém may mắn”, chị Thảo nói.
Trong năm tới, chị Thảo cũng đã lên kế hoạch dài hạn và cụ thể. Ngoài việc tiếp tục duy trì câu lạc bộ, chị Thảo còn muốn có thêm cơ hội cho các con được tham gia vào các trung tâm bảo trợ xã hội, hội phụ nữ của phường, xã; hỗ trợ những người vô gia cư làm các sản phẩm tái chế đơn giản…
Cũng chính vì hoạt động thiện nguyện ý nghĩa mà câu lạc bộ Mì Tôm xanh đem lại, nhiều khách hàng tự nguyện trả số tiền cao hơn so với giá trị gốc của sản phẩm. Cứ thế, mỗi ngày trôi qua đều là một ngày ý nghĩa đối với cá nhân chị Thảo cũng như toàn thể thành viên của câu lạc bộ. Càng nhiều sản phẩm được hoàn thiện thì bấy nhiêu tình yêu thương được lan tỏa rộng hơn tới nhiều người.
Nguồn : Sức Khỏe 24h
http://suckhoe24h.suckhoecongdongonline.vn/cau-lac-bo-mi-tom-xanh-noi-bien-vo-mi-tom-thanh-nhung-san-pham-tai-che-huu-ich-a198664.html
Tags: Sống Xanh - Thở Lành