Chẩn bệnh cho những… “ma men”!

Rượu vào lời ra và bệnh cũng ra luôn! Họ mắc phải một số chứng bệnh “nan y” mới không thuốc chữa...

Luôn phải đối mặt với những bộn bề tất bật, sự căng thẳng, stress…của cuộc sống thường nhật nên các quý ông, quý anh thường gặp gỡ bạn bè, xả hơi sau một ngày làm việc căng thẳng ngay tại quán nhậu. Lâu dần thành quen, không ít trong số ấy đã trở thành các “ma men” khi nào chẳng hay. Không chỉ ở các quán nhậu, bất cứ “cuộc vui” nào, họ cũng “chiến đấu” hết mình, không say không về, uống mà không dzô như bồ không thóc… Rượu vào lời ra và bệnh cũng ra luôn! Họ mắc phải một số chứng bệnh “nan y” mới không thuốc chữa…

 Bỗng dưng… muốn khóc!

Tôi có quen mấy anh bạn thích uống rượu và tửu lượng của họ cũng kha khá. Trông anh nào cũng to con “vật vã”, rất nam nhi đại trượng phu! Bình thường, “bói” của họ một giọt nước mắt mới khó làm sao. Vả lại, con trai ít rơi lệ lắm, chỉ trừ những trường hợp đặc biệt và mỗi khi họ khóc là phải có chuyện lớn “tày đình” nào đó. Nhưng hễ cứ có rượu vào là mấy vị ấy “bỗng dưng muốn… khóc”. Khi uống đến một mức nào đó, họ chợt  khóc ngon lành, khóc tức tưởi. Nguyên nhân dẫn đến chuyện khóc thì nhiều vô kể. Nào là lâu lâu không gặp anh em thấy nhớ, xúc động quá. Nào là các cậu không hiểu tôi, nào là dạo này toàn gặp chuyện xui xẻo, công việc không được như ý… Thôi thì, mọi chuyện trên trời dưới đất chợt nghĩ ra trong lúc… “phê phê” đều có thể khiến họ sụt sùi. “Tính tôi hay xúc động lắm, anh em thông cảm!”. Nhưng có lẽ, nguyên nhân chính mà mấy ông bạn quý luôn chối không phải, đó là ảnh hưởng bởi rượu vì tôi biết, những lúc không có “ông bạn của cụ Chí”, chẳng bao giờ thấy họ khóc cả.

 Bệnh giao lưu

Có những anh, khi vui chén rượu lại rất thích giao lưu. Thực ra, đây là một “hội chứng” có thể chấp nhận được nếu vì công việc làm ăn hay kết tình bạn hữu. Đôi khi trong bàn nhậu, toàn những người quen biết nhau thì không nói làm gì. Nhưng có thêm “bạn của những người bạn” nữa, cũng cần phải như thế cho hòa đồng, “phải phép” và tạo không khí vui vẻ hơn. Tuy nhiên, không ít quý anh đã lạm dụng việc này, khiến nó trở thành căn bệnh cố hữu. Cũng có hàng trăm lý do để người ta nâng ly giao lưu: “Cậu làm bên ngân hàng à? Đồng nghiệp rồi, mời cậu một ly”. “Con gái đầu hả? Giống tớ, mời cậu một chén”. “Nhìn biển số xe “2 củ lạc” biết ngay là ông anh ở Vĩnh Phúc mà. Đồng hương với em rồi, kính anh một ly”.v.v… Hôm nọ, đang ngồi lai rai với mấy anh em, thấy bàn bên cạnh có người nhìn sang nhoẻn miệng cười. Ông anh họ tôi chợt mắt tròn, mắt dẹt: “Thằng này trông quen thế, gặp nó ở đâu rồi thì phải. Hình hình như nó chào anh!”. Vậy là anh quýnh quáng chạy qua… giao lưu “mừng chú một ly”. Rồi chú kia, chú này… nữa, mỗi chú, anh chúc một chén. Thế đâu đã xong, anh mời các chú, các chú lại phải “kính” lại anh cho đúng phép. Hậu quả là lúc trở về bàn nhậu, hai chân anh đi hình “cây kéo”.

Bệnh “a lô”

Có lẽ, đây là căn bệnh kinh niên của các bợm nhậu. Trong cuộc nhậu là lúc điện thoại di động… lên ngôi. Giữa chốn đông người, rút điện thoại ra “a lô” mới hoành tráng làm sao! Tôi có anh bạn thân làm bên điện lực, cứ mỗi lần bạn bè gặp nhau chén chú chén anh, đến một ngưỡng nào đó là anh ấy lôi phone ra…buôn. Có khi, hai tay “hai súng” bắn liên hồi. Hết gọi cho thằng bạn làm việc tận Sài Gòn hỏi thăm sức khỏe, lại gọi cho vợ, cho  con. Sau một hồi tràng giang đại hải, chợt anh ấy xuống giọng: “Bọn mày nói chuyện với …vợ tao mấy câu cho hả bia và hồi sức chút nhé”. Rồi mặc sự ngơ ngác của các “chiến hữu” cùng nạn nhân đầu dây bên kia, anh chuyển điện thoại cho mấy ông bạn. Có lần gọi nhiều, máy hết pin, anh ta lại mượn máy của anh em để gọi tiếp. Rút kinh nghiệm, những lần gặp sau, chúng tôi đều cất điện thoại chỗ khác cho chắc ăn!

Bệnh tâm sự

“Rượu vào, lời ra” – ông bà ta nói quả không sai! Thế nên, khá nhiều người mắc bệnh nói nhiều, nói dai, nói dài khi uống rượu. Bình thường, “tám” những vấn đề quanh bàn nhậu cũng chẳng sao, ở đây, họ lại đem chuyện riêng tư, những kỷ niệm từ thời “tắm mưa” hay chuyện của “những người sống quanh ta” để “chia sẻ” cùng mọi người. Có những anh bản tính lầm lì, ít nói, nhưng khi có chút “cay cay” vào là cũng “tâm tình”… hơn đỉa! Họ trầm ngâm, thủ thỉ “chuyện đời tôi” cho người khác nghe mặc dù chẳng biết, kẻ “được” tâm sự có cho lọt tai lời nào hay không. “Thôi, xin chia buồn với ông anh một chén”. “Ừ, mừng chú em tai qua nạn khỏi một ly”. Cứ mỗi lần như thế, họ lại cùng lôi chuyện gia đình, vợ con, cơ quan, đến cả chuyện kinh tế, văn hóa, chính trị… của đất nước ra mà tranh nhau trút bầu tâm sự.

Bệnh chửi mắng

Lại có những “bợm nhậu”, hễ cứ có chút men là chửi mắng… những kẻ ngồi cùng. Mà ngồi cùng bàn nhậu thường là bạn bè thân thiết lâu năm với nhau, nên chẳng lạ gì tật xấu của nhau. Kể cũng lạ, khi say, đến số điện thoại nhà mình cũng khó thể nhớ, vậy mà một câu nói, một hành động nào đó của những người bên cạnh bị xem là “khó nghe”, là “không được” thì lại không thể nào lọt qua “tầm ngắm” của họ. “Sao hôm bữa sinh nhật thằng Hoàng, anh em đến đủ cả mà mày không tới? Hay con vợ mày nó không cho đi?”. “Nói cho mày biết, vụ đó ăn chia như thế là không được. Nể mày là bạn nên tao không nói, giờ tao nhắc nhở để mày rút kinh nghiệm”.v.v… Đôi khi, họ còn lôi cả vợ con, bạn bè đồng nghiệp ra, thậm chí, cả những người không quen biết mà họ thấy “ngứa mắt’ để mắng nhiếc bởi những nguyên do rất “trời ơi đất hỡi”.

Bệnh coi trời bằng… niêu!

Đây là chứng bệnh nguy hiểm nhất trong các căn bệnh của các quý anh là bạn của ma men. Hãy thử tưởng tượng, mỗi anh mang một “bệnh”, lại ngồi cùng nhau bên một bàn nhậu mới thấy, thế giới lúc ấy bé nhỏ nhường nào. Bởi anh nào cũng có “lý lẽ” của riêng mình và luôn cho mình là đúng nhất ở tất cả mọi lĩnh vực, khía cạnh. Bia rượu “tây tây”, giọng nói khề khà, chỉ cần một câu nói “hồn nhiên” nhưng khẽ “động chạm” là ngay lập tức ánh mắt thân thiện ban đầu chuyển sang “hình viên đạn” ngay. Hay cái bàn bên cạnh có anh chàng nào đó bắn sang ánh nhìn “khang khác” một chút liền dễ bị cho là “nhìn đểu” tức thì. Gặp phải các chú “lành tính” thì mọi chuyện rồi cũng ổn thỏa, anh em mình lại vui vẻ “cùng dzô”. Nhưng có những anh mang sẵn “dòng máu yêng hùng” trong người là rất dễ xảy ra “oanh tạc”. Lúc này, “trời cũng bé như cái niêu” vậy, chẳng còn anh, em gì nữa và hậu quả ra sao, ai cũng đoán được.

Thay cho lời kết

Phải thừa nhận rằng, rượu bia là một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật của đại đa số người dân. Nó ăn sâu vào tiềm thức, nếp sống và văn hóa cộng đồng. Nhưng, để nó trở thành một thói quen tốt, lành mạnh thì không dễ chút nào bởi rất cần đến ý thức và sự chung tay của mỗi người. Có thể, những chứng bệnh trên không thuốc chữa khi mắc phải, nhưng chúng ta vẫn có vacxin phòng bệnh hữu hiệu. Nếu các quý ông, quý anh nhận thấy mình mắc phải một trong những chứng bệnh trên, hãy tự “điều chỉnh” mình một chút và luôn nhớ, “rượu có chừng, dừng đúng lúc” để chén rượu sẽ luôn mãi là những “chén vui”. 

Kiều Hưng/Tạp Chí Bầu

Mọi phản ánh, ý kiến đóng góp, thông tin nóng, bài vở cộng tác của độc giả có thể gửi cho Ban biên tập theo địa chỉ: Email: info@bau.vn / Hotline: 0904 666 276

Nguồn : bau.vn