Nuôi con khoẻ mạnh, thông minh là niềm vui, hạnh phúc của mỗi người mẹ, mỗi gia đình. Muốn con sinh ra được khoẻ mạnh, mỗi người mẹ cần biết chăm sóc sức khoẻ ngay từ khi biết mình có thai. Nếu người mẹ bị gầy yếu, suy dinh dưỡng sẽ sinh ra trẻ nhẹ cân và suy dinh dưỡng.
Vì vậy, chăm sóc sức khỏe và chế độ dinh dưỡng cho bà mẹ trong thời kỳ mang thai là điều hết sức cần thiết để cả hai đều khỏe – mẹ khỏe, con khỏe. Tình trạng dinh dưỡng và chế độ ăn của bà mẹ, quyết định sức khỏe của trẻ khi sinh ra.
Khi người mẹ mang thai, là khoảng thời gian có nhiều thay đổi cả về thể chất lẫn cảm xúc. Hầu hết người mẹ đều cảm thấy khó chịu khi mang thai. Tình trạng buồn nôn và ói mửa trong 3-4 tháng đầu thai kỳ thường được gọi là ốm nghén.
Đối với một số người thì đây là triệu chứng khó chịu nhất khi có thai, tình trạng này sẽ giảm bớt khi thai được khoảng 12-14 tuần. Các hiện tượng này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nên người mẹ cần chăm lo ăn uống hợp lý và giữ gìn sức khoẻ để thai phát triển bình thường.
Để theo dõi sự phát triển của thai thi, người mẹ nên thực hiện khám thai định kỳ ít nhất 3 lần trong suốt thời kỳ thai nghén. Lần thứ nhất vào 3 tháng đầu, trong thời kỳ này khám thai nhằm xác định có thai hay không. Lần thứ 2 vào ba tháng giữa để xem thai khoẻ hay yếu để có kế hoạch bồi dưỡng cho người mẹ kịp thời. Lần thứ 3 là trong ba tháng cuối để xem thai có phát triển bình thường không.
Chế độ dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai
Chế độ ăn uống của người mẹ có vai trò quan trọng quyết định đối với sự phát triển của thai nhi. Người mẹ trong thời kỳ có thai cần được ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng để đảm bảo cho sự phát triển của thai, cơ thể mẹ tăng tích luỹ mỡ là nguồn dự trữ để tạo sữa sau khi sinh con.
Mẹ mang bầu có nhu cầu dinh dưỡng cao hơn để nuôi thai. (Ảnh minh họa)
Khi còn trong bụng mẹ dinh dưỡng của trẻ phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng của mẹ nên người mẹ cần phải ăn cho mình và cho cả con. Nếu người mẹ được ăn uống tốt, đầy đủ các chất dinh dưỡng thì sẽ lên cân tốt và thai nhi phát triển tốt. Nhu cầu về dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai như sau:
Nhu cầu về năng lượng
Phụ nữ khi mang thai có nhu cầu về năng lượng và các chất dinh dưỡng đòi hỏi cao hơn trước khi có thai, nhu cầu năng lượng của người mẹ tăng tỷ lệ thuận với tuổi của thai nhi. Gạo là chất chủ yếu làm tăng thêm năng lượng cho bà mẹ mang thai, ngoài ra còn có ngô, khoai, sắn.
Bảng tăng cân và nhu cầu về dinh dưỡng của mẹ với sự phát triển của thai nhi
Nhu cầu về chất đạm
Ngoài cơm và lương thực khác như ngô, khoai,.. bà mẹ cần ăn để bổ sung chất đạm từ đậu xanh, vừng, lạc, đậu tương và các loại đậu khác.Vì khi mang thai nhu cầu chất đạm ở người mẹ tăng lên giúp việc xây dựng và phát triển cơ thể của trẻ. Nguồn chất đạm động vật đáng chú ý là các loại thuỷ sản như: tôm, cua, cá, ốc…
Nhu cầu chất đạm cho phụ nữ mang thai trong thời kỳ mang thai 3 tháng cuối phải đạt tới 70g/ ngày. Tỷ lệ protein động vật/protein tổng số ≥ 30%. Số lượng protein có thể ước tính là 100 g thịt/cá cung cấp khoảng 20 gam protein, 100 g đậu phụ cung cấp 10 g protein.
Nhu cầu về lipid
Chất béo cần cung cấp 20%-30% năng lượng khẩu phần, nên dùng các chất béo không no có nhiều nối đôi có nhiều trong rau xanh, một số dầu thực (dầu cá, ô lưu,..), một số loại cá mỡ. Nhu cầu lipid của bà mẹ mang thai cũng tăng theo tháng tuổi của thai nhi từ 50 – 70 gam/ngày, tỉ lệ lipid động vật/lipid tổng số là 60%.
Về vitamin và chất khoáng
Ngoài ra trong suốt thời gian mang thai người mẹ cần được bổ sung thêm viên sắt để phòng thiếu máu. Cần phải được bổ sung các vitamin, đặc biệt là vitamin A, vitamin B và B1. Vitamin A có vai trò đặc biệt trong hoạt động thị giác và tham gia làm giảm nhiễm trùng trong cơ thể. Vitamin D giúp cho sự hấp thụ các chất khoáng, tránh được hậu quả trẻ bị còi xương ngay trong cơ thể mẹ.
Vitamin B1 là yếu tố cần thiết để chuyển hoá gluxít, chú ý ngũ cốc và các loại họ đậu là nguồn vitaminB1 tốt nhất. Bữa ăn cần cung cấp đủ chất đạm (protein) vì chất đạm cần cho thai nhi phát triển. Các loại thức ăn động vật như thịt, cá, trứng sữa có nhiều chất đạm. Các thức ăn như đậu tương, lạc, vừng và dầu mỡ còn cung cấp cho cơ thể chất béo, làm bữa ăn ngon miệng, chóng tăng cân và dễ hấp thu các chất dinh dưỡng khác.
Rau xanh là thực phẩm không thể thiếu trong thực đơn của bà bầu.
Hơn nữa, bữa ăn của phụ nữ mang thai không thể thiếu rau xanh, vì đây là loại thức ăn có nhiều vitamin và chất khoáng. Các loại rau phổ biến như rau ngót, rau muống, rau giền và các loại hoa quả chín như chuối, đu đủ, cam , xoài….Trong thời kỳ có thai chế độ ăn uống rất quan trọng vì ảnh hưởng tới sức khoẻ của cả mẹ lẫn con. Nên ăn nhiều trái cây giàu vitamin C để tăng sức đề kháng và hỗ trợ hấp thụ sắt từ bữa ăn.
Trong chế độ ăn, người mẹ không nên kiêng khem nhưng cũng cần chú ý một số vấn đề nên hạn chế trong ăn uống như: không nên uống rượu, cà phê, uống chè đặc, hút thuốc lá, giảm ăn tối đa các loại gia vị gây kích thích như ớt, hạt tiêu…hạn chế mức thấp nhất việc sử dụng thuốc kháng sinh, nhất là các loại têtasilin, cloroxít.
Các bà mẹ có thai không nên làm công việc nặng để không bị ảnh hưởng đến thai nhi. Trong thời gian có thai, người mẹ cần được sự quan tâm, chăm sóc chu đáo của gia đình và xã hội, được sự quan tâm theo dõi đầy đủ của nhân viên y tế sẽ là nguồn động viên giúp họ yên tâm, tin tưởng sinh đẻ được “mẹ tròn, con vuông”. Với một chế độ dinh dưỡng tốt, đầy đủ người mẹ sẽ cho ra đời một em bé thông minh, khoẻ mạnh là tiền đề tốt cho sự phát triển của bé sau này.
Cần đề phòng thiếu máu
Thiếu máu là bệnh còn phổ biến hay gặp ở những phụ nữ có thai (32,8%), đặc biệt là ở những người đẻ dày và ăn uống thiếu thốn. Bệnh thiếu máu có ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ cả mẹ lẫn con. Thiếu sắt sẽ dẫn đến thiếu máu thiếu sắt, ảnh hưởng đến sự phát triển thể lực, trí tuệ; giảm khả năng lao động và học tập; sức khỏe kém.
Những loại thực phẩm giàu sắt cho bà bầu. (Ảnh minh họa)
Phụ nữ có thai bị thiếu máu dễ dẫn đến sẩy thai, đẻ non, con sinh ra có nguy cơ cân nặng sơ sinh thấp. Thiếu máu dinh dưỡng ở trẻ sơ sinh thường là do người mẹ bị thiếu sắt (54,3%) nên lượng sắt dự trữ trong cơ thể trẻ thấp. Ăn uống hợp lý là biện pháp phòng chống bệnh thiếu máu tốt nhất.
Phụ nữ mang thai cần được uống viên sắt hoặc viên đa vi chất để phòng chống thiếu máu ngay từ khi bắt đầu có thai đến một tháng sau khi sinh. Để tăng quá trình chuyển hoá và hấp thu sắt, cần tăng cường vitamin C từ rau xanh và quả chín trong bữa ăn hàng ngày.
Nguồn : bau.vn