Chuyên gia lý giải nguyên nhân vì sao trẻ đi học mầm non hay bị ốm?

Sau một thời gian dài nghỉ dịch Covid 19, trẻ em đã trở lại trường đi học. Tuy nhiên tình trạng trẻ đi học mầm non hay bị ốm lại khiến các cha mẹ đau đầu. Bài viết dưới đây sẽ giúp các mẹ tìm hiểu rõ nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng trẻ đi học hay bị ốm dưới góc nhìn chuyên gia.

Thời gian vừa qua, trường học đã mở cửa lại bình thường sau thời gian dịch Covid-19 kéo dài. Học sinh các cấp đều có thể đến trường. Trẻ mầm non, mẫu giáo cũng không ngoại lệ. Niềm vui khi được “giải phóng” khỏi con mình chưa được lâu, nhiều cha mẹ vật vã vì con ốm sốt. Vì sao trẻ đi học mầm non hay bị ốm trở thành vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm.

Nguyên nhân vì sao trẻ đi học mầm non hay bị ốm

Để trả lời cho câu hỏi “Vì sao trẻ đi học mầm non lại hay bị ốm? Làm thế nào để khắc phục tình trạng này?” ThS.DS Trương Minh Đạt (Chuyên gia hàng đầu về Tiêu hóa, Hô hấp và Sữa cho trẻ em với 10 năm kinh nghiệm, hiện công tác tại Viện Nghiên cứu Y Dược) đã lý giải như sau:

“Khi ở nhà, con ít tiếp xúc với các nguồn vi khuẩn khác nhau. Tức là con bạn đã quen với các vi khuẩn xung quanh nhà bạn. Nói cách khác, sức đề kháng của trẻ tạo ra miễn dịch để chống lại virus, vi khuẩn. Bây giờ con bạn đi lớp học, mỗi lớp học có khoảng 20 – 60 học sinh chẳng hạn sẽ mang các môi trường khác nhau đến với lớp học đó. Những con virus, vi khuẩn này sẽ có sự giao thoa với nhau. Trong đó có những vi khuẩn lạ tấn công cơ thể con. Khi vi khuẩn lạ tấn công thì cơ thể sẽ sinh phản ứng chống lại bằng những biểu hiện sốt, ho, sổ mũi.

 

Vấn đề này thì thực ra cha mẹ cũng không cần quá lo lắng. Khi trẻ tiếp xúc với nhiều nguồn vi khuẩn như vậy sẽ tạo ra nhiều miễn dịch hơn. Tuy nhiên, chúng ta phải làm thế nào để mỗi lần con ốm chỉ là thoáng qua để rèn luyện được sức đề kháng của trẻ. Đó mới là vấn đề quan trọng nhất.

Cha mẹ có thể tăng cường miễn dịch cho trẻ bằng cách ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ngủ đủ, tăng cường vận động, bổ sung vitamin D3, canxi, magiê, vitamin tổng hợp, các vi chất quan trọng. Tóm lại, tăng sức đề kháng là điều quan trọng nhất để con bạn đi học luôn khỏe mạnh, nếu có ốm cũng chỉ là chuyện lướt qua”.

Trẻ đi học mầm non hay bị ốm dễ bị nhiễm trùng

Cũng liên quan đến vấn đề trẻ đi học hay bị ốm, ThS.BS Đỗ Thị Linh Phương – Trung tâm Nhi – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City khẳng định rằng: “Những bé đi nhà trẻ và trường mầm non dễ bị nhiễm trùng hơn”.

Lý giải về vấn đề này ThS.BS Đỗ Thị Phương Linh cho biết: “Nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm trùng tai mũi họng và bệnh lý tiêu chảy tăng gấp 2 đến 3 lần so với trẻ không đi nhà trẻ.

Một số bệnh nhiễm trùng lây lan nhanh hơn những bệnh khác. Viêm kết mạc thường dễ lây và lan rộng. Cảm lạnh và các bệnh lý đường hô hấp cũng dễ lây lan ở lứa tuổi này. Các bệnh truyền nhiễm nặng có thể lây lan nếu không được tiêm phòng – như sởi và quai bị”.

Ngoài ra, trẻ đi học mầm non hay bị ốm còn do một số nguyên nhân như:

1. Thói quen hành vi

Thói quen hành vi trong các nhà trẻ và trường mầm non, chẳng hạn như tiếp xúc gần gũi với trẻ em khác, chơi chung đồ chơi, bỏ đồ vào miệng… làm tăng nguy cơ lây bệnh.

2. Thiếu vệ sinh cá nhân

Trong khi người lớn biết cách tự vệ sinh cá nhân và có kiến thức phòng bệnh thì trẻ em lại không có. Do đó khi trẻ bị đau mắt đỏ sẽ có nhiều khả năng dụi mắt và sau đó chạm vào một trẻ khác hoặc chạm vào đồ chơi chung.

3. Hệ thống miễn dịch non nớt

Hệ thống miễn dịch ở trẻ chưa thực sự hoàn thiện khiến cho trẻ khó chống lại các bệnh nhiễm trùng mới mà trẻ chưa được tiếp xúc trước đó. Lứa tuổi nhà trẻ cũng thường chưa hoàn thành tất cả các mũi tiêm phòng hiện có.

4. Phát triển thể chất chưa hoàn thiện

Một số trẻ em bị suy yếu về thể chất liên quan đến tuổi tác (chẳng hạn như ống Eustachian kém phát triển) có thể khiến trẻ dễ bị viêm tai giữa hơn người lớn. Ngoài ra, trước khi tập bô, tã bỉm cũng có thể là nguyên nhân làm tăng sự lây lan của bệnh tiêu chảy, nhiễm trùng tiết niệu.

5. Thiếu vắc-xin

Tỷ lệ tiêm chủng ở nước ta là khá cao, tuy nhiên vẫn chưa đạt 100%. Điều này khiến cho một số bệnh truyền nhiễm vẫn còn tồn tại, như sởi, quai bị… và các bệnh này có thể lây từ trẻ này sang trẻ khác.

Để trẻ đi học mầm non không bị ốm

1. Dạy bé cách giữ vệ sinh cá nhân

Cả nhà bạn hãy cùng nhau áp dụng rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, .. để bé nhìn và bắt chước theo. Bố mẹ cũng nên hướng dẫn bé là không nên dụi mắt, dụi mũi bằng tay mà sử dụng khăn giấy, bởi vì tay người có hàng nghìn vi trùng nếu không được rửa sạch sẽ rất dễ gây ra bệnh.

Đừng bắt ép trẻ phải làm theo như vậy, mà phụ huynh nên vừa giải thích vừa hướng dẫn cho bé làm theo. Một khi bé hiểu thì bé sẽ tự giác làm, tạo dần thói quen trong bé.

2. Tăng cường hoạt động ngoài trời

Trẻ em cần được vận động ít nhất là 30 phút mỗi ngày với các hoạt động thể chất. Vận động không chỉ giúp trẻ thoải mái, vui vẻ, phát triển mà còn ăn ngủ tốt hơn, tăng cường sức đề kháng. Vì thế, nếu ở trường các hoạt động vận động, thể chất, vui chơi không được chú trọng thì bố mẹ phải bù đắp khoảng trống này bằng cách cho bé vận động đi bộ, đi xe thăng bằng… vào buổi chiều sau khi ở trường về.

3. Chọn một ngôi trường phù hợp

Môi trường chính là yếu tố quan trọng, góp phần không nhỏ ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Trường học có cơ sở vật chất tốt, được trang bị các thiết bị hiện đại, không gian thoáng đãng, được vệ sinh kĩ lưỡng … sẽ tạo nên một môi trường học tập thân thiện, vệ sinh cho bé. Do đó khi lựa chọn cho bé một ngôi trường để học thì bố mẹ nên lưu ý.

Nguồn : bau.vn