Có nên cho bé bú khi mang thai không và những lưu ý cho mẹ

Rất nhiều bà mẹ có suy nghĩ rằng nếu đang cho con bú mà người mẹ lại mang thai thì cần phải cai sữa ngay, nếu tiếp tục thì bé sẽ bị đau bụng, không phát triển... Nhưng các chuyên gia đã phủ định hoàn toàn ý kiến trên

Không cần cai sữa

Cơ thể người mẹ sẽ vẫn tiếp tục tiết sữa trong suốt thời gian có thai bé tiếp theo. Thậm chí, vẫn có thể cho bé lớn bú sau khi đã sinh bé tiếp theo. Cho bé tiếp tục bú trong khi đang mang thai hoàn toàn không gây ra vấn đề nào cho sức khỏe của người mẹ, của bé hay thai nhi, với điều kiện là người mẹ phải ăn uống đủ chất và uống nước đầy đủ.

Những khó khăn thường gặp

Sự thay đổi của các hormone trong những ngày đầu mang thai có thể làm quá trình cho bé lớn bú trở nên khó khăn. Chẳng hạn, sự kích thích của tuyến vú trong suốt quá trình cho bé bú hay khi sinh hoạt tình dục có thể gây ra những cơn co thắt dạ con nhẹ. Nhưng với hầu hết phụ nữ, các cơn co thắt này thường không gây ra bất cứ vấn đề gì. Chỉ những phụ nữ nào từng có tiền sử chuyển dạ sớm hay sảy thai hoặc tăng cân ít trong suốt thời kỳ mang thai hay từng bị chảy máu mới nên cân nhắc việc có cho bé lớn tiếp hay không.

Bé sẽ bú sữa non của em?

Khi mang thai đến tháng thứ 4 và 5, bầu vú người mẹ lúc này bắt đầu tiết ra sữa non, loại sữa này rất giàu dinh dưỡng và rất cần thiết cho trẻ sơ sinh. Điều này khiến mùi vị cũng như lượng sữa tiết ra từ vú mẹ sẽ có những thay đổi nhất định. Lúc này sẽ có hai tình huống xảy ra – một số trẻ sẽ tự bỏ bú, còn số khác vẫn nhất quyết không bỏ bú.Nếu bé muốn tiếp tục được bú mẹ, không nên lo lắng rằng nguồn sữa non có thể bị cạn, bởi vì cơ thể mẹ sẽ tiếp tục tiết ra loại sữa đặc biệt này cho đến khi em bé đang ở trong bụng mẹ chào đời. Như vậy, cả hai bé đều có thể tận hưởng được nguồn dinh dưỡng tuyệt vời từ sữa mẹ.

Cho bú song song?

Nếu bé lớn chưa đầy 1 tuổi và chế độ dinh dưỡng phụ thuộc nhiều vào nguồn sữa mẹ thì bạn hoàn toàn có thể yên tâm cho bé bú tiếp để đảm bảo sự tăng cân bình thường. Tuy vậy, việc có cho cả hai bé bú mẹ cùng lúc hay không cũng là một điều nên cân nhắc. Nếu bạn cho con lớn cai sữa trước khi sinh bé tiếp theo, những tổn thương về mặt tinh thần có lẽ sẽ ít hơn việc cai sữa sau khi bé tiếp theo chào đời. Vì khi đó, bé lớn sẽ cảm thấy mình bị bỏ rơi, bị chiếm đoạt. Trong trường hợp cai sữa, mẹ cũng nên cắt giảm một cách từ từ, chẳng hạn như làm thưa dần các cữ bú mẹ để bé làm quen với sự thiếu vắng sữa mẹ. Bên cạnh đó, cách này cũng giúp tránh sự xáo trộn, thay đổi quá lớn của các hormone trong cơ thể người mẹ.

Biện pháp khắc phục thế nào?

Để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và con, với bà mẹ khỏe mạnh bình thường, sau cuộc sinh đẻ lần thứ nhất nếu muốn mang thai lần thứ hai thì nên cách thời gian ít nhất 2 năm, nhằm đảm bảo sức khỏe và tinh thần tốt cho người mẹ, đồng thời có thời gian để chăm sóc và nuôi dưỡng tốt cho đứa con của mình. Là người phụ nữ, ai chẳng muốn con mình phát triển tốt cả thể thể lực, tầm vóc và trí tuệ.

Để đạt được điều đó, mỗi người mẹ hãy trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về dinh dưỡng như: chăm sóc bà mẹ có thai, nuôi con bằng sữa mẹ, phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng… Từ kiến thức đó, khi bà mẹ có thai và nuôi con nhỏ mới có thực hành tốt trong nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ.

Hồng Phúc

Nguồn: http://suckhoe24h.suckhoecongdongonline.vn/co-nen-cho-be-bu-khi-mang-thai-khong-va-nhung-luu-y-cho-me-a172671.html

Nguồn : bau.vn