Tuy nhiên, phụ huynh cũng có tâm lý lo ngại vì sinh hoạt của các bé có thể bị xáo trộn, như xem TV, chơi game nhiều, ngủ muộn, ăn uống theo giờ giấc… Để không làm mất vui khoảng thời gian nghỉ ngơi của con trẻ cũng như tránh làm mất lòng bà, bạn cần tham khảo một số tình huống sau đây.
Ở chung với ông bà dễ khiến con nhiễm những thói quen xấu và sẽ trở nên khó bảo khi trở về nhà?
* SAI: Ngay từ nhỏ, trẻ đã biết cảm nhận rằng, nghỉ hè về với ông bà sẽ là cơ hội để “tung hoành” và làm những gì yêu thích, thay vì chịu sự quản lý chặt chẽ của cha mẹ. Lúc này, bạn cần tỏ ra linh hoạt trong việc tránh quá o ép trẻ phải tuân theo thời gian biểu hằng ngày như khi còn ở nhà. Bạn cần dành một khoảng thời gian nhất định để trẻ cảm nhận sự thoải mái sau khi đã chịu nhiều áp lực từ việc học tập ở trường. Ngay sau khi trở về nhà, bạn hãy hướng con quay lại với những nguyên tắc cũ của gia đình. Trường hợp trẻ cố tỏ ra ngang bướng, bạn cần nhẹ nhàng bảo ban, chứ không nên tỏ ra tức giận và bắt trẻ lập tức tuân theo mệnh lệnh của mình.
Ông bà thường có xu hướng phớt lờ mọi lỗi lầm của trẻ?
* SAI: Tâm lý chung của ông bà khi có cháu ở cùng là không muốn bạn can dự vào những hoạt động của trẻ, mà phải lệ thuộc vào quyền hạn của ông bà. Về phương diện giáo huấn con cái, tuy vai trò của bạn giống như một chỉ huy dàn nhạc, nhưng vẫn cần sự hỗ trợ từ phía ông bà. Họ luôn tìm cách cùng chơi với cháu, kể cho cháu nghe những câu chuyện về gia đình mà hiếm khi bạn có thời gian nói với con. Bạn cần hiểu rằng trong việc này, cả bạn và ông bà đều có một phần trách nhiệm riêng đối với trẻ.
Tuy nhiên, bạn vẫn có quyền lên tiếng để bày tỏ trách nhiệm với trẻ?
* ĐÚNG: Hoàn toàn không gì sai khi bạn muốn bày tỏ sự đồng tình của mình với trẻ về một số vấn đề thiết thực nào đó, như kiểm soát giờ giấc đi chơi, thói quen về ăn uống… Trước mặt ông bà, bạn nên cùng trẻ bàn luận vấn đề, tránh tỏ thái độ gay gắt, khó chịu, hoặc đừng lặp lại điệp khúc bảo trẻ phải như thế này, thế kia theo ý của mình. Bạn đừng quên rằng, ông bà cũng là những người có thừa kinh nghiệm, bởi đã từng nuôi nấng và dạy dỗ cho cha mẹ của các cháu.
Tình cờ biết được ông bà đã lên tiếng chỉ trích mình thông qua con trẻ và bạn có quyền lên tiếng để thanh minh?
* ĐÚNG: Bạn hãy khéo léo chọn cách cư xử sao cho đừng quá quan trọng hóa lời nói của trẻ con mà vô tình làm ảnh hưởng đến người lớn. Hãy chọn thời điểm thích hợp để nhẹ nhàng nói chuyện cùng ông bà về những điều bạn nghe được từ trẻ. Nói để ông bà hiểu rằng, việc lên tiếng phê phán hoặc chỉ trích bạn trước mặt bọn trẻ sẽ vô tình tạo nên tâm lý tổn thương cho trẻ. Nếu ông bà muốn phàn nàn gì về bạn, thì nên nói trực tiếp với bạn là tốt nhất.
Hoàng Ly
Mọi phản ánh, ý kiến đóng góp, thông tin nóng, bài vở cộng tác của độc giả có thể gửi cho Ban biên tập theo địa chỉ: Email: info@bau.vn / Hotline: 0904 666 276
Nguồn : bau.vn