Nhóm nghiên cứu tại ĐH Y khoa Bắc Carolina phát hiện rằng dù chúng ta thừa hưởng đồng đều lượng gien biến đổi từ cha mẹ – vốn là các biến thể góp phần hình thành một cá nhân – nhưng chúng ta thường “dùng” nhiều DNA có từ người cha.
Trưởng nhóm nghiên cứu, GS Pardo-Manuel de Villena, thông báo: “Đây là một nghiên cứu độc đáo, mở cánh cửa bước vào kỷ nguyên hoàn toàn mới trong sự khảo sát về di truyền học con người”. Ông giải thích thêm: “Chúng ta từng biết có 95 gien lệ thuộc vào tác động từ nguồn gốc của cha mẹ. Chúng được gọi là gien mang dấu ấn và nó có thể đóng vai trò gây bệnh tật tùy thuộc vào sự biến đổi gien đến từ cha hoặc mẹ. Lần này, chúng tôi phát hiện thêm hàng ngàn gien khác có tác động mới từ nguồn gốc của cha mẹ”.
Nghiên cứu mới cho rằng chúng ta thường thừa hưởng di truyền từ họ nội nhiều hơn ngoại. Ảnh: Telegraph
Trong nghiên cứu lần này, các nhà khoa học chọn 3 giống chuột lai có phân loài khác nhau, có nguồn gốc từ lục địa khác nhau. Những con chuột này được lai tạo để hình thành 9 loài chuột hậu duệ, trong đó mỗi dòng đều mang dấu ấn di truyền cả cha lẫn mẹ.
Khi chuột trưởng thành, nhóm nghiên cứu đo lường biểu hiện gien ở 4 loại mô trong đó có mô não. Sau đó họ định lượng mức độ biểu hiện gien có nguồn gốc từ cha và mẹ ở mỗi cá thể gien trong hệ gien. Họ phát hiện sự mất cân bằng về nguồn gốc di truyền giữa cha với mẹ ở chuột hậu duệ, theo đó, gien ở não của chúng giống cha một cách rất đáng kể.
Các nhà khoa học nói rằng nghiên cứu về biến đổi gien trong thí nghiệm ở chuột nói trên chú trọng vào nguồn gốc từ cha mẹ, cho phép giới khoa học soi sáng để phát hiện nguyên nhân bệnh tật chính xác hơn và tìm cách trị liệu thích hợp hơn. Chúng ta đều biết rằng ít nhất có những bệnh thường gặp liên quan đến di truyền như đái tháo đường type 2, bệnh tim, chứng béo phì, tâm thần phân liệt, và ung thư.
Theo Phununew
Mọi phản ánh, ý kiến đóng góp, thông tin nóng, bài vở cộng tác của độc giả có thể gửi cho Ban biên tập theo địa chỉ: Email: info@bau.vn / Hotline: 0904 666 276
Nguồn : bau.vn