Cúng đầy tháng cho bé trai – Nghi lễ như thế nào để con được một đời khỏe mạnh, bình an?

Cúng đầy tháng là nghi lễ quan trọng để đánh dấu sự khởi đầu của một đứa trẻ sau một tháng chào đời. Vậy ba mẹ đã biết hết về các nghi lễ cúng đầy tháng cho bé trai hay chưa?

Cúng đầy tháng là nét văn hóa đẹp được lưu truyền qua nhiều hệ của người Việt Nam. Nghi lễ cúng đầy tháng cho bé trai và bé gái sẽ có đôi chút khác biệt và ở mỗi miền cũng có sự khác nhau. Bài viết ngày hôm nay Bầu sẽ lưu ý với mẹ tất tần tật những gì mẹ cần nhớ về lễ cũng đầy tháng cho bé trai nhà mình.

Nguồn gốc của lễ cũng đầy tháng

Câu chuyện thường được các bà mẹ truyền tai nhau về tục này đó là: Mỗi đứa trẻ sơ sinh đều do các vị Đại Tiên (Bà Chúa Đầu thai) hay còn gọi là 12 Bà Mụ nặn ra. Mỗi Mụ Bà sẽ có trách nhiệm nặn ra một bộ phận cho đứa trẻ như mắt, mũi, tay, chân, tóc… xấu hay đẹp cũng do tay các Bà Mụ nặn ra. Khi bé yêu tròn một tháng và khỏe mạnh, cha mẹ phải thực hiện nghi lễ cúng cảm ơn Bà Mụ và Đức ông đã đem đứa trẻ đến nhà, giúp mẹ tròn con vuông.

Cúng đầy tháng cho bé trai khác biệt gì so với bé gái?

Thời gian cúng

Theo quan niệm của ông bà xưa, em bé sinh ra tròn tháng sẽ trải qua một nghi lễ, gọi là cúng đầy tháng. Theo ông bà đã nói “gái lùi 2, trai lùi 1”, nếu cúng đầy tháng cho bé gái sẽ lùi 2 ngày so với ngày sinh, còn bé trai thì lùi 1 ngày. Lễ cũng được thực hiện lúc sáng sớm hoặc chiều tối.

Mâm cúng đầy tháng bé trai gồm những gì?

Ngoài đồ cúng cho bàn thờ Phật, gia tiên, ông địa… , lễ vật cúng đầy tháng cho bé trai sẽ bao gồm:

– 12 chén chè nhỏ

– 3 tô chè lớn

– 13 đĩa xôi

– 1 con gà luộc

– Bộ tam sên (thịt heo luộc, trứng luộc, tôm hoặc cua luộc)

– Mâm ngũ quả, hoa tươi, nhang, đèn, trà, rượu, nước muối, gạo, 1 bộ đồ hình thế (ghi tên và ngày tháng năm sinh của bé, cúng xong sẽ đốt đi để giải hạn cho bé)

– 13 miếng trầu cánh phượng, 13 đôi hài, 13 bộ váy áo đẹp và 13 nén vàng. Trong đó đĩa xôi, miếng trầu, đôi hài, váy áo và nén vàng đều phải giống nhau. Tuy nhiên 12 món kích thước như nhau và 1 bộ có kích thước to hơn.

Mâm lễ đầy đủ cúng đầy tháng cho bé trai

Cách sắp xếp mâm cúng đầy tháng

Việc bày mâm ngũ quả và các vật cúng lễ đầy tháng cho bé trai cũng phải tuân theo những trình tự nhất định, mẹ cần chia làm 2 mâm lễ. Mâm nhỏ ở dưới cúng Đức Ông, đặt cách không quá 10cm với mâm lớn. Mâm lớn cao hơn sẽ bày lễ cúng 12 bà Mụ. Cách bày mâm cúng luôn theo quy tắc “Đông bình Tây quả”: phía Đông đặt bình hoa, phía Tây là vị trí đặt lễ vật.

Mẹ nên chia lễ thành 2 mâm cúng lớn và nhỏ, sắp xếp theo đúng thứ tự

Nghi thức cúng đầy tháng cho bé trai

Sau khi bày lễ xong, bố hoặc mẹ sẽ thắp 3 nén hương, rồi bế trẻ ra trước án và khấn theo bài khấn cúng Mụ.

Bài khấn cúng Mụ, tùy địa phương, câu chữ có thể có dị bản, nhưng thường bắt đầu bằng việc kính cẩn xưng danh các bà Mụ, thần phật; ngày tháng cúng; tên 2 vợ chồng và tên đứa con là trung tâm của lễ cúng, nơi ở của gia đình; lý do cúng; bày tỏ lòng biết ơn công lao của các bà Mụ và cuối cùng là lời cầu mong các bà độ trì phù hộ.

Bài khấn đầy tháng cho bé trai

Người cúng trịnh trọng khấn: “Hôm nay, cháu bé tròn 1 tháng tuổi, gia đình chúng tôi bày mâm lễ vật này, cung thỉnh thập nhị mụ bà và tam đức ông trước về chứng minh nhận lễ, sau tiếp tục phù trợ cho cháu mạnh tay, mạnh chân, mau lớn, hiền, ngoan, phù trợ cho gia đình an vui, hạnh phúc.”

Trên đây là những gì ba mẹ cần biết về lễ cũng đầy tháng cho bé trai. Hy vọng những chia sẻ của Bầu sẽ giúp ích nhiều cho ba mẹ. Bầu cũng chúc bé yêu luôn mạnh khỏe, bình an và trí tuệ hơn người.

Hà An

Nguồn: http://suckhoe24h.suckhoecongdongonline.vn/cung-day-thang-cho-be-trai-nghi-le-nhu-the-nao-de-con-duoc-mot-doi-khoe-manh-binh-an-a170184.html

Mọi phản ánh, ý kiến đóng góp, thông tin nóng, bài vở cộng tác của độc giả có thể gửi cho Ban biên tập theo địa chỉ: Email: info@bau.vn / Hotline: 0904 666 276

Nguồn : bau.vn