Lễ cúng ông Công ông Táo là một trong những nghi thức quan trọng nhất trong năm của người Việt. Bên cạnh việc lau dọn ban thờ, cắt tỉa chân nhang, chuẩn bị lễ cúng… các gia đình cũng nên cẩn thận, nhớ tránh xa những điều đại kỵ sau:
1. Không cúng lễ sau 12h trưa ngày 23 tháng Chạp
Lễ cúng ông Táo thường được tiến hành trước khi bay về trời báo cáo Ngọc Hoàng, tức là trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp. Theo quan niệm xưa, gia chủ phải cúng báo cáo trước để Táo quân còn tổng hợp lên trời báo cáo. Vì thế, nếu để đến giờ đi mới cúng thì sẽ không còn ý nghĩa gì nữa.
2. Dâng đồ cúng ông Công ông Táo phạm kỵ
Ngoài việc chuẩn bị đồ lễ chưa được chu đáo, việc dâng đồ phạm kỵ cũng là một trong những điều cấm kỵ khi thắp hương ông Công ông Táo. Các món ăn phạm kỵ như món làm từ vịt, chim, ngỗng, trâu, dê, chó…
3. Vị trí đặt bàn thờ ông Táo
Nhiều quan niệm về ngũ hành cho rằng Táo quân thuộc “Hỏa”, trong khi đó Thủy khắc Hỏa cho nên bàn thờ ông Táo không được đặt trên bồn rửa, không nằm quá xa khu vực bếp nấu. Tốt nhất, hướng của bàn thờ ông Táo nên đặt trùng với hướng của bếp hoặc để song song.
4. Không được ném cá chép từ trên cao xuống
Cá chép cúng lễ ông Công ông Táo là để dâng cho thần linh làm phương tiện về trời. Cá chép ở đây phần nào cũng mang tính chất tâm linh, chính vì thế khi phóng sinh không được tùy tiện. Đôi khi thả cá, phóng sinh không đúng cách là tạo thêm nghiệp.
Khi thả cá, nên chọn nơi nước sạch, là môi trường tốt mà cá có thể tiếp tục sinh tồn, chớ nên chọn nơi ao tù nước đọng, sông hồ ô nhiễm hay nơi mà nhìn thấy rõ “kẻ xấu bụng” đang cầm cần câu chực chờ.
Lưu ý khi thả cá nên chọn nơi gần mặt nước nhất, nhẹ nhàng thả cá xuống để cá không bị choáng, ngất. Tuyệt đối, không thả cá từ trên cao xuống, ném từ trên cầu, trên đường xuống nước. Làm như thế, cá dễ chết và càng không thả nguyên túi nilong đựng cá xuống hồ tránh gây ô nhiễm. Những thành động mang tính tâm linh, chúng ta nên bày tỏ sự kính ngưỡng, nếu không khó lòng được thần linh chứng giám.
5. Không cúng chung ông Công ông Táo dưới bếp
Vấn đề này vẫn đang khá gây tranh cãi, do thói quen và tập tục văn hóa của từng vùng. Nhiều gia đình quan niệm rằng ông Công ông Táo là vị thần bếp nên sẽ đặt mâm cơm và đồ cúng lễ ở bếp để cúng là chuẩn nhất.
Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà còn ông Táo là 3 vị đầu rau trông coi việc bếp núc trong gia đình. Lễ cúng 23 tháng Chạp là lễ tiễn chung ông Công, ông Táo về chầu trời, việc mọi người gộp chung cúng là chưa đúng. Do đó, trong ngày này, ông Táo phải được cúng dưới bếp, còn ông Công được cúng trên bàn thờ chính trên nhà cùng với gia tiên mới đúng.
Mặc dù vậy, chúng ta không nên nói đến đúng sai trong thờ tự bởi ở nhiều nơi có sự khác nhau, việc cúng ông Công ông Táo chính là do văn hóa truyền thống của người Việt từ ngàn xưa, chúng ta cứ theo tâm mà làm là được, tâm sáng thì mọi sự sẽ sáng, tâm thành mọi sự sẽ lành.
Nguồn : bau.vn