Trẻ bị sâu răng là lúc lớp men răng đã bị xói mòn và bị phá hủy vĩnh viễn, không thể phục hồi lại như cũ được. Tình trạng sâu răng nếu không được phát hiện kịp thời và có biện pháp xử lý, những lỗ sâu răng này còn có thể khiến tổn thương toàn bộ phần nướu, răng, gây viêm nhiễm tủy răng, thậm chí là gây mất răng. Đến khi đó, việc quan trọng nhất là tìm ra cách điều trị sâu răng tận gốc để kịp thời ngăn chặn các biến chứng của sâu răng.
8 biện pháp ngừa sâu răng cho trẻ từ các chuyên gia nha khoa
Không có phương pháp nào ngừa sâu răng tốt hơn bằng việc ngay từ đầu, bạn rèn cho con những thói quen tốt trong vấn đề chăm sóc răng miệng. Trong đó bao gồm:
1. Tập cho trẻ đánh răng hằng ngày
Việc áp dụng thói quen chăm sóc răng miệng đúng cách có thể giúp bảo vệ răng của bé yêu khỏi sự tấn công của vi khuẩn hay mảng bám tích tụ làm tổn hại đến men răng. Do vậy mà các chuyên gia thường khuyên nên chải răng hai lần mỗi ngày vào thời điểm buổi sáng và tối trước khi ngủ, đây là một bước quan trọng trong chăm sóc răng miệng.
Bố mẹ nên nhớ rằng, chăm sóc răng nên là việc cần làm ngay khi chiếc răng đầu tiên của con mới nhú chứ không phải đợi khi mọc đủ cả hai hàm. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cần làm gương cho con mình, đừng mong đợi con chăm chải răng khi bố mẹ lười làm việc này hoặc chỉ làm cho có. Đôi khi bạn có thể cùng vệ sinh răng miệng với con và biến việc này thành một niềm vui cho trẻ.
Hãy chắc chắn khi đánh răng, bàn chải phải chạm đến tất cả các kẽ hở, bề mặt, ngóc ngách của răng. Ngoài ra, đừng quên vệ sinh lưỡi, bởi nơi đây cũng có thể tích tụ nhiều vi khuẩn gây hại đấy!
2. Dùng chỉ nha khoa
Với những bé lớn đã biết làm theo hướng dẫn, bạn có thể giúp con ngừa sâu răng bằng việc hướng dẫn trẻ cách sử dụng chỉ nha khoa. Đây là vật dụng vệ sinh răng miệng khá phổ hiện nay và nếu dùng ít nhất một lần hằng ngày sẽ có lợi trong việc đề phòng các vấn đề xảy ra trong khoang miệng cũng như các bệnh nha chu khác.
Chỉ nha khoa giúp loại bỏ bất kỳ cặn thức ăn thừa bám vào kẽ răng hoặc nướu. Do vậy mà nó ngăn chặn vi khuẩn tích tụ trong răng. Ngoài ra, điều thú vị là chỉ nha khoa có thể chạm đến các kẽ răng hẹp và sâu mà lông bàn chải có thể không chạm đến được.
3. Tập cho bé thói quen súc miệng bằng nước muối
Nước muối có tác dụng khử trùng và kháng viêm rất tốt. Vì thế, việc súc miệng bằng nước muối thường xuyên sẽ bảo vệ trẻ chống lại vấn đề sâu răng.
Điều cần làm là bạn chỉ việc pha 9 gram muối (khoảng 1 muỗng nhỏ) trong 1 lít nước sạch, sau đó cho bé súc miệng. Bố mẹ có thể cho trẻ súc miệng với nước muối vào mỗi tối sau khi đánh răng để tăng cường hiệu quả làm sạch răng miệng.
4. Hạn chế để trẻ tiêu thụ thực phẩm có chứa đường
Trong vấn đề phòng ngừa sâu răng bạn không thể quên việc tránh để trẻ tiêu thụ các loại thực phẩm chứa nhiều đường như bánh kẹo, kem, nước trái cây đóng hộp, các loại đồ uống có ga… Đây cũng là tác nhân ảnh hưởng nhiều đến men răng của trẻ. Lý do là đường có thể phản ứng với vi khuẩn trong khoang miệng để tạo ra một loại axit có tác dụng làm mòn men răng và gây sâu răng.
5. Chọn kem đánh răng thích hợp cho bé
Có rất nhiều loại kem đánh răng khác nhau trên thị trường và mỗi lứa tuổi trẻ lại cần một loại kem nhất định. Một số loại có chứa flour là chất giúp men răng trẻ khoáng hóa, tăng sức đề kháng để chống lại vi khuẩn gây sâu răng. Tuy nhiên trên thực tế, flour lại thích hợp dùng với trẻ từ 6 tuổi trở đi. Trong khoảng độ tuổi từ 6 tháng đến 3 tuổi, trẻ không biết nhổ kem đánh răng nên bố mẹ có thể thay bằng loại không có chứa flour hoặc nước muối sinh lý.
6. Kết hợp thói quen ăn uống lành mạnh
Việc sửa đổi thói quen ăn uống của trẻ không chỉ có thể ngăn ngừa sâu răng mà còn hỗ trợ răng phát triển tốt. Lời khuyên là bạn nên hạn chế tình trạng trẻ ăn vặt thường xuyên khiến răng phải làm việc liên tục suốt cả ngày, đặc biệt nếu tiêu thụ các loại thực phẩm có chứa tinh bột và đường lại càng gây tổn hại đến men răng nhiều hơn. Thay vào đó, bạn nên cho trẻ uống nước nhiều, đặc biệt là giữa những lần ăn, súc miệng ngay sau khi ăn để làm sạch răng miệng nhé!
7. Lựa chọn các loại thực phẩm tốt cho răng
Thực tế là chế độ ăn uống tác động rất nhiều đến sức khỏe tổng thể, bao gồm cả sức khỏe răng miệng. Việc ăn các loại thực phẩm như rau cải xoăn, bông cải xanh, sữa… để bổ sung canxi giúp nuôi dưỡng xương và răng chắc khỏe.
Đồng thời, tránh để trẻ tiêu thụ quá nhiều loại thức ăn chế biến sẵn hoặc đồ ăn vặt như khoai tây chiên, các loại bánh kẹo… Bên cạnh đó, bạn nên kết hợp thêm rau và trái cây tươi vào chế độ ăn của trẻ. Các loại rau bạn nên thêm vào bao gồm: rau mầm, đậu Hà Lan, cà rốt, xoài, bưởi, dâu tây, chuối… Đây là những thực phẩm kích thích trẻ tiết nhiều nước bọt hơn, từ đó ngăn ngừa vi khuẩn tích tụ trên răng.
Dùng các loại thực phẩm chứa nhiều men vi sinh như sữa chua có thể kích thích sự phát triển của các lợi khuẩn đóng vai trò giúp giảm sự hình thành nên các mảng bám gây sâu răng.
8. Nên cho bé khám răng định kỳ
Việc làm sạch răng và kiểm tra răng miệng thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa bệnh sâu răng hoặc phát hiện sớm các vấn đề về răng miệng ở trẻ. Các chuyên gia cũng đưa ra khuyến cáo, cha mẹ nên đưa trẻ đến nha sĩ khám răng và cạo vôi răng 2 lần một năm, mỗi lần cách nhau 6 tháng. Đây là một thói quen rất tốt giúp lấy sạch các mảng bám trên răng miệng.
Đồng thời nên lưu ý về bất kỳ tình trạng như viêm nướu, chảy máu khi đánh răng hoặc đau buốt răng. Trong những tình huống này, bạn nên đưa bé đến tham khảo ý kiến của nha sĩ để tránh các biến chứng có thể xảy ra sau này.
Trẻ bị sâu răng và những câu hỏi thường gặp về vấn đề này
1. Vì sao trẻ bị sâu răng?
Sâu răng ở trẻ em có thể xảy ra vì một số nguyên nhân dưới đây:
- Bị khô miệng (do ít nước bọt). Trong đó, nước bọt giúp cuốn trôi vi khuẩn có hại có thể phá hủy men răng
- Trẻ ăn vặt thường xuyên, nhất là đồ ngọt
- Thiếu vệ sinh răng miệng
- Không kiểm tra, thăm khám răng miệng thường xuyên
2. Quá trình sâu răng được hình thành như thế nào?
Răng bị sâu thường do thức ăn còn tồn tại trong khoang miệng và vi khuẩn. Các vi khuẩn chịu trách nhiệm hình thành mảng bám có xu hướng phát triển mạnh thường được tìm thấy trong đồ uống và thực phẩm. Chúng tạo ra một loại axit dẫn đến hình thành nên các mảng bám vi khuẩn.
Theo thời gian, mảng bám dần cứng lại và trở thành nơi cư trú thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi. Sau đó, mảng bám dần dần bắt đầu ăn mòn men răng (lớp bảo vệ bên ngoài của răng) để tạo ra các lỗ nhỏ trên men răng.
Khi men răng bị phá hủy, vi khuẩn bắt đầu tấn công ngà răng, là lớp răng tiếp theo. Axit và vi khuẩn có thể tiếp tục ăn sâu vào cấu trúc răng làm hỏng tủy, mạch máu, dây thần kinh và cuối cùng gây ra áp xe hoặc sâu răng.
3. Làm thế nào để biết trẻ đang bị sâu răng?
Thông thường, chúng ta khó có thể gặp bất kỳ triệu chứng nào của sâu răng. Tuy nhiên, một khi tình trạng này ngày càng tồi tệ hơn, trẻ có thể thấy đau và ê buốt răng khi ăn hoặc uống thứ gì lạnh hoặc ngọt, nướu bị sưng, đổ và đau. Thậm chí, khi quan sát, bạn có thể thấy các lỗ, vệt đen hoặc nâu trên bề mặt răng.
Sâu răng là vấn đề có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, không riêng gì trẻ em. Thế nhưng, không bao giờ là quá muộn để bảo vệ và phục hồi sức khỏe răng miệng. Hy vọng các phương pháp ngừa sâu răng ở trên sẽ phần nào giúp bạn chăm sóc răng miệng của con cái tốt hơn!
Nguồn : Sức Khoẻ Cộng Đồng
http://suckhoe24h.suckhoecongdongonline.vn/de-phong-ngua-sau-rang-cho-con-bo-me-hay-tham-khao-nhung-loi-khuyen-huu-ich-nay-a180777.html