Điều gì sẽ xảy ra khi phụ nữ mang thai bị thừa sắt?

Sắt là thành phần quan trọng đối với phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, nếu bổ sung sắt quá mức dẫn đến bị thừa sắt sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với mẹ và thai nhi

Nhiều mẹ bầu hay lo lắng bị thiếu sắt nên uống rất nhiều, dẫn đến tình trạng bị thừa sắt. Nếu bị dư thừa lượng sắt, sẽ nguy hại như thế nào đến thai nhi, cùng Bau.vn tìm hiểu nhé!

Nhu cầu sắt ở phụ nữ mang thai

Sắt đóng vai trò hết sức quan trọng trong cơ thể. Sắt cùng với protein tạo thành huyết sắc tố (hemoglobin), vận chuyển O2 và CO2, phòng bệnh thiếu máu và tham gia vào thành phần các men oxy hóa khử.

Sắt do thức ăn cung cấp thường không đáp ứng được nhu cầu gia tăng trong suốt thời gian mang thai, cho con bú. Vì vậy, bà mẹ có thai cần được bổ sung viên sắt trong thời gian mang thai và ăn các thức ăn giàu sắt trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ.

Phụ nữ mang thai nên bổ sung ít nhất 27mg sắt mỗi ngày (không vượt quá 45 mg) và dùng trong suốt thai kỳ.

Biểu hiện của phụ nữ mang thai thừa sắt

Các biểu hiện cảnh báo mẹ bầu đang thừa sắt trong cơ thể:

Buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, cơ thể khó chịu.

Chảy máu, đi tiểu ra máu, hay hạ huyết áp.

Vàng da, suy gan.

Khó thở, thở nhanh, tim đập nhanh.

 

 

Nguyên nhân chính của tình trạng thừa sắt thai kỳ là do mẹ bầu thường bổ sung quá nhiều, uống quá liều lượng sắt cho phép. Ngoài ra, việc quá tải sắt cũng do nguyên nhân yếu tố di truyền, hay được truyền máu với số lượng lớn.

Hậu quả của việc thừa sắt khi mang thai

1. Ảnh hưởng đến thai nhi

Hậu quả đầu tiên và nghiêm trọng nhất đó là ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi. Khiến cho thai nhi phát triển khó khăn do quá trình tạo máu bị cản trở, bởi lượng sắt tự do trong máu nhiều. Điều này dẫn đến tình trạng bị sinh non, thậm chí gây tử vong và khi sinh thì dễ gặp nhiều trường hợp nguy hiểm phát sinh.

2. Tiểu đường thai kỳ

Lượng sắt dư thừa tích trong tuyến tụy và gây nên tình trạng rối loạn tiến trình sản xuất insulin, khiến lượng đường trong máu của mẹ bầu tăng, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ. Căn bệnh này khiến cho thai nhi khi sinh ra hay bị vàng da, hệ hô hấp khó hoàn thiện, chưa kể tới việc bà bầu sẽ có nguy cơ sinh non.

3. Các bệnh khác

Lượng sắt dư thừa tích tụ lâu trong cơ thể mẹ bầu sẽ áp lực lên gan và lá lách, về lâu dài dẫn đến suy lách, suy gan, đái tháo đường do rối loạn chức năng tụy. Thừa sắt còn dẫn đến các bệnh về tim mạch, đột quỵ, ung thư…

Các lưu ý khi bổ sắt cho bà bầu

Những việc cần làm

Nếu đang có tình trạng thừa sắt, nên ngưng uống ngay các viên sắt, bổ sung chất xơ vào bữa ăn. Sử dụng các thức phẩm lợi tiểu như rau má, nước ngô… để đào thải sắt ra ngoài cơ thể.

Nên uống viên sắt trước bữa ăn 1 tiếng, hoặc 2 tiếng sau khi ăn vì sắt được hấp thụ tốt hơn lúc đói.

Uống viên sắt với ít nhất nửa cốc nước. Không uống khi nằm, không nhai thuốc khi uống.

Nên uống cùng vitamin C hoặc bổ sung vitamin C từ thực phẩm vì nó giúp chuyển sắt thành dạng dễ hấp thu hơn.

Không nên làm

Tránh uống đồng thời sắt và canxi. Nên uống cách nhau, ví dụ uống canxi vào buổi sáng thì nên uống sắt vào buổi chiều sau ăn trưa 2 tiếng.

Hạn chế uống sắt trước giờ đi ngủ vì có thể gây nóng người khiến khó ngủ, mất ngủ.

Không uống thuốc với chè, cà phê vì chúng sẽ cản trở sự hấp thu sắt.

Các mẹ bầu không nên tự ý bổ sung các viên sắt, hãy tham khảo các ý kiến của bác sĩ để tránh gây những biến chứng, hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng tới sức khỏe mẹ và bé.

 

 

Nguồn : bau.vn