Giúp ba mẹ trả lời câu hỏi: Trẻ mấy tháng tuổi bắt đầu mọc răng?

Có câu hỏi luôn là nỗi trăn trở của biết bao bố mẹ: Con mọc răng sớm hay muộn hơn những đứa trẻ cùng trang lứa thì liệu có vấn đề gì hay không? Hãy cùng Bầu tìm hiểu để có thể chủ động nắm bắt tình hình và chăm sóc những chiếc răng xinh đầu tiên của con ba mẹ nhé.

1. Trẻ mấy tháng bắt đầu mọc răng?

Theo các bác sĩ chuyên khoa, trẻ sẽ mọc răng bắt đầu từ tháng thứ 6 đến tháng thứ 30. Thời gian mọc răng của trẻ phụ thuộc nhiều vào sự phát triển thể chất. Mẹ đừng quá lo lắng, chỉ cần con mọc răng trong vòng 1 năm đầu đời thì là tín hiệu phát triển hoàn toàn bình thường.

Biểu đồ mọc răng cơ bản ở trẻ em

Trình tự mọc răng bình thường ở tất cả trẻ:

– 4 cái răng cửa giữa của hàm trên và hàm dưới: 5 – 8 tháng

– 4 răng cửa bên: 7 – 10 tháng

– 4 răng hàm đầu tiên: 12 – 16 tháng

– 4 răng nanh: 14 – 20 tháng

– 4 răng hàm tiếp theo: 20 – 32 tháng

  • Trẻ mọc răng sớm có sao không?

Theo quan niệm thời xưa thì việc trẻ mọc răng quá sớm là không tốt, vì nó có thể là dấu hiệu cho thấy sức khỏe của trẻ đang gặp vấn đề. Tuy nhiên, trong thời buổi hiện đại thì việc trẻ mọc răng sớm do được bổ sung dưỡng chất, vitamin, canxi đầy đủ là hoàn toàn bình thường. Mẹ không cần quá lo mà nên có kế hoạch chăm sóc răng cho con kịp thời nhất.

  • Trẻ mọc răng muộn có sao không?

Cho tới khi đủ 12 tháng mà trẻ vẫn chưa hề có dấu hiệu mọc răng thì có thể nhận định là mọc răng muộn. Lúc này bố mẹ cần tìm hiểu các nguyên nhân có thể xảy ra để xử lý kịp thời nhất:

– Do yếu tố di truyền từ gia đình.

– Trẻ đẻ thiếu tháng.

– Trẻ có chế độ ăn chưa hợp lý, thiếu chất.

– Do cha mẹ cho bé ăn dặm muộn, nướu và mầm răng không được kích thích bằng phản xạ nhai nuốt.

– Do bé bị suy dinh dưỡng, chậm lớn, thiếu canxi, vitamin D và các dưỡng chất cần thiết khác. Lúc này, bé thường có các biểu hiện như lười ăn, tóc vành khăn, hay ra mồ hôi trộm ban đêm, ngủ không sâu giấc, bẹp hộp sọ, thóp rộng… Mẹ nên đưa bé đi khám để được bác sĩ tư vấn giải pháp khắc phục.

2. Yếu tố dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn trẻ mọc răng

Để trẻ lớn lên với hàm răng chắc khoẻ, mẹ nên chăm chút dinh dưỡng ngay từ khi mang thai bé. Mẹ có thể bổ sung canxi, khoáng chất cần thiết trong thai kỳ bằng thực phẩm hoặc viên uống.

Mẹ nên bổ sung đủ dưỡng chất để trẻ mọc răng chắc khoẻ

Trẻ sơ sinh sau 7 ngày chào đời cần được tắm nắng thường xuyên để hấp thụ vitamin D từ ánh nắng mặt trời. Đồng thời bú sữa mẹ giàu canxi. Nhằm giúp trẻ bổ sung đủ dưỡng chất cho quá trình mọc răng sau này.

Trẻ em trong những tháng mọc răng cần có chế độ ăn phù hợp. Trong các bữa ăn hằng ngày cần giàu vitamin, khoáng chất cần thiết và quan trọng nhất là canxi.

3. Những lưu ý dành cho ba mẹ khi trẻ có dấu hiệu mọc răng

Ba mẹ cần có kế hoạch chăm sóc đặc biệt hơn khi con bước vào giai đoạn mọc răng

Trẻ chuẩn bị mọc răng sẽ đi kèm những dấu hiệu như quấy khóc, biếng ăn, bỏ bú,… và đòi hỏi ba mẹ cần có chế độ chăm sóc đặc biệt hơn:

– Nên cho trẻ ăn những đồ ăn mềm, loãng (cháo, súp, canh dinh dưỡng,…). Chia nhỏ phần ăn, không ép trẻ ăn liền một lúc có thể gây tâm lý sợ ăn, nôn trớ.

– Khi trẻ mọc răng thường cảm thấy nhức và ngứa lợi. Có thể cho trẻ ngậm vòng cao su mềm giúp trẻ thoải mái hơn.

– Luôn sử dụng khăn mềm để vệ sinh răng miệng sạch sẽ cho trẻ sau mỗi bữa ăn.

– Nếu trẻ bị sốt mọc răng, dùng khăn ấm lau để hạ sốt, tăng các cữ bú và bổ sung nước thường xuyên.

– Giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn bằng cách dùng gạc massage chân nướu.

Nhiều mẹ bỉm sữa vẫ than thở rằng giai đoạn mọc răng là con ẩm ương nhất, dường như con không còn là đứa bé ngoan ngoãn hàng ngày. Đừng quá áp lực, giữ tinh thần vững vàng nhất và vững cả về kiến thức sẽ giúp cả mẹ lẫn con cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này một cách nhẹ nhàng.

Nguồn : Sức khỏe cộng đồng