Gợi ý tăng thô đồ ăn dặm cho bé đúng cách theo từng giai đoạn

Trìn quá trình ăn dặm của trẻ, tăng thô là một điều quan trọng để trẻ học cách nhai, nuốt, hình thành thói quen sau này. Có nhiều cách tăng thô cho bé mà mẹ có thể tham khảo dưới đây.

Ăn dặm gồm nhiều giai đoạn khác nhau. Tùy thuộc sự phát triển của trẻ nhỏ mà các con có thể tăng dần độ thô khi ăn dặm theo nhiều cách. Dưới đây là một số cách tăng thô cho bé để các mẹ bỉm tham khảo.

Tại sao trẻ lại phải tăng độ thô khi ăn dặm?

Dưới 6 tháng tuổi trẻ chỉ bú sữa mẹ hoặc uống sữa công thức hoàn toàn. Từ 6 tháng tuổi trở lên các con sẽ được làm quen với việc ăn dặm bằng các thực phẩm mới. Có nhiều người chọn cho con ăn dặm theo kiểu Nhật hoặc ăn dặm tự chỉ huy để con làm quen trực tiếp với thức ăn thô. Tuy nhiên dù theo kiểu nào thì thực phẩm vẫn nên đi từ loãng đến đặc, từ mềm đến thô. Trẻ bắt đầu mọc răng và hệ tiêu hóa cũng dần phát triển nên có thể làm quen với các thực phẩm này. Mẹ nên cho con ăn thô một cách từ từ. Nếu không sẽ dễ gặp tình trạng nghẹt thở, mắc thức ăn ở họng.

  • Nguyên tắc khi tăng độ thô cháo ăn dặm: cháo 1:10 – cháo 1:7 – cháo 1:5 – cháo 1:3 – cơm.
  • Nguyên tắc tăng độ thô cà rốt ăn dặm: nghiền nhuyễn và rây qua lưới – nghiền sơ – cắt 0,5cm – cắt 1cm.
  • Nguyên tắc tăng độ thô cá và thịt: nghiền nhuyễn và rây qua lưới – nghiền sơ – xé tơi – nguyên miếng.

Cách tăng độ thô ăn dặm cho bé theo từng giai đoạn

1. Giai đoạn từ 5-6 tháng tuổi

Giai đoạn này còn có tên gọi khác là “giai đoạn nuốt chửng”. Lý do là bởi giai đoạn này con sẽ chỉ ăn các món cháo loãng, mịn hoặc các loại súp, bột. Các con chưa học được cách sử dụng lưỡi hay nhai thuồn thục mà chỉ biết nuốt chửng thức ăn. Khi chế biến đồ ăn cho con ở giai đoạn này mẹ nên lọc qua rây để thức ăn được nhuyễn mịn nhất có thể. Đối với cháo mẹ nên rây theo tỉ lệ 1:10 qua lưới ít nhất 2 lần. Khi nấu nên cho nước dashi để làm loãng trong thời gian đầu. Khi con đã quen thì mới giảm dần nước dashi để cháo đặc hơn.

2. Giai đoạn từ 7-8 tháng tuổi

Khi lớn hơn một chút, con sẽ bắt đầu học phản xạ cầm, nắm, nhai và nuốt thức ăn. Cũng vào lúc này trẻ sẽ tìm cách làm nhỏ thức ăn bằng hàm trước khi nuốt. Tuy nhiên các động tác này còn ở mức độ sơ cấp, trệu trạo. Mẹ vẫn cần chú ý độ thô khi chế biến món ăn: 80% xay nhuyễn, 20% thô vừa nghiền bằng tay.

Một số dấu hiệu cho thấy con sẵn sàng bước vào giai đoạn “nhai trệu trạo”:

  • Biết di chuyển lưỡi, đẩy thức ăn vào sâu trong miệng.
  • Thuần thục việc nuốt chửng.
  • Ham ăn hơn so với thời gian đầu
  • Hứng thú với các món ăn khác ngoài cháo.
  • Ăn dặm trong một thời gian cố định thời gian dài

Ở giai đoạn này mẹ cho con ăn cháo theo tỉ lệ 1:7. Có thể rây 8 phần và nghiền thô bằng muỗng 2 phần để con làm quen dầm. Tương tự rau củ quả và thịt mẹ cũng nên chia tỉ lệ 80% nhuyễn, 20% thô để con được làm quen dần.

3. Cách tăng thô cho bé giai đoạn từ 9-11 tháng tuổi

Đây là một giai đoạn được các mẹ gọi là giai đoạn “nhai tóp tép”. Con có thể ăn các loại rau củ quả chín mềm như chuối, bơ. Bé cũng đã biết dùng hàm nhai để làm nhỏ thức ăn rồi nuốt. Đồng thời ở giai đoạn này con có thể nghiền hoặc gặm đồ bằng răng cửa. Chính vì thế mẹ nên tăng bữa ăn lên 3 lần ăn dặm/ngày. Đối với cháo lúc này sẽ nấu theo tỉ lệ 1:5 sao cho cháo vẫn nguyên dạng hạt gạo. Tuy nhiên vẫn nấu cùng nước dashi để tạo độ loãng, chưa nấu cháo đặc hẳn.

Ở giai đoạn này mẹ có thể bắt đầu cùng con, hướng dẫn con cách tập thìa, cách sử dụng ống hút. Ngoài ra mẹ cũng nên cho bé tập ăn thêm các loại sữa và chế phẩm từ sữa.

4. Giai đoạn từ 12-18 tháng tuổi

Ở giai đoạn này con đã có thể ăn uống thành thạo kĩ năng nhai nuốt. Độ thô sẽ tăng lên thành cháo đặc nguyên hạt hoặc cơm nát. Ăn kèm với đó là các thức ăn thô hẳn như thịt viên, cà rốt, khoai hấp. Mẹ nên hấp và luộc rau củ đến khi đạt độ cứng có thể cắt dễ dàng bằng dĩa với độ lớn vừa miệng để trẻ tự ăn theo ý thích.

Những lưu ý khi sử dụng cách tăng độ thô ăn dặm cho bé

Khi cho con ăn tăng thô mẹ cần kiên nhẫn và tỉ mỉ cũng như tuân thủ các nguyên tắc ăn dặm. Thời điểm ban đầu con sẽ gặp khó khăn khi không quen ăn thô. Nhiều trẻ sẽ ngậm, nôn, trớ thậm chí là sợ ăn. Khi thế mẹ nên bình tĩnh và giảm lại độ thô để trẻ vẫn đủ dinh dưỡng cho cơ thể.

Khi chế biến món ăn mẹ nên lên thực đơn phong phú, đa dạng. Điều này rất quan trọng trong việc tập ăn thô cho trẻ. Bởi vì lúc này con vừa học kĩ năng ăn uống, vừa học cách nhận biết và phân biệt đồ ăn.

Đừng bao giờ quát nạt hay thúc ép trẻ ăn. Điều này sẽ chỉ khiến các con ám ảnh với bữa ăn hơn bao giờ hết. Hãy cho con ngồi ăn cùng gia đình, tạo thói quen ăn trong giờ cố định. Ngoài ra mẹ hãy tạo không khí vui vẻ khi cùng con ăn dặm. Hãy là những người mẹ dũng cảm, kiên định trong cách tăng dần độ thô cho con. Mẹ hãy giúp con ăn ngoan, cùng con phát triển toàn diện từng ngày từng ngày.

Nguồn : bau.vn