Mách mẹ cách nhận biết nhanh những dấu hiệu và cách xử lý trẻ bị hóc xương cá

Nhiều phụ huynh cảm thấy lo lắng, không biết làm thế nào khi trẻ bị hóc xương. Vì thế, để giúp mẹ giải tỏa nỗi lo này, bài viết dưới đây sẽ bật mí cách nhận biết dấu hiệu trẻ bị hóc xương cá và những mẹo hay để chữa hóc xương cá cho trẻ.

Dấu hiệu trẻ bị hóc xương cá

Dấu hiệu trẻ bị hóc xương cá thường xuất hiện trong tình huống trước đó con có ăn cơm hoặc thức ăn có chứa cá, sau đó bé sẽ có những biểu hiện như:

  • Đang ăn thì trẻ đột nhiên quấy khóc, dùng tay gạt thức ăn khi được đút.
  • Trẻ khó nuốt, khó uống, nuốt bị đau hoặc chảy nước bọt vì không nuốt được.
  • Cổ họng trẻ bị ngứa ran, đau nhói, châm chích.
  • Xương cá làm cổ họng trẻ khó chịu, ho, thậm chí chảy máu.
  • Trường hợp hy hữu trẻ có thể bị khàn tiếng, tắt tiếng nếu xương cá rơi vào thanh quản.
  • Trẻ khóc liên tục, nôn ói dữ dội.
  • Những trẻ từ 3 tuổi trở lên có thể chỉ tay vào họng, móc họng để mẹ biết con đang bị đau.

Nhận biết sớm dấu hiệu trẻ bị hóc xương cá sẽ giúp bạn giải quyết nhanh chóng và kịp thời

Cách xử lý khi trẻ bị hóc xương cá an toàn, hiệu quả

Nếu phát hiện dấu hiệu trẻ bị hóc xương cá, mẹ nên thực hiện các bước xử lý sau:

Khi thấy dấu hiệu trẻ bị hóc xương cá nghiêm trọng, mẹ cần cho bé đến bệnh viện kiểm tra ngay

Đầu tiên mẹ cần ngừng cho trẻ ăn, vỗ về và trấn an để trẻ bình tĩnh lại. Để trẻ há miệng thật to, kiểm tra cổ họng bằng đèn pin để xác định vị trí hóc xương.

– Trường hợp phát hiện xương cá

  • Nếu trẻ bị mắc xương cá nhỏ và xương cá cắm ở hạnh nhân khẩu cái, thành sau họng, màn hầu thì mẹ có thể dùng kẹp y tế để gắp xương ra. Trong quá trình gắp xương, hãy trấn an tinh thần để tránh việc trẻ ngọ nguậy làm tổn thương cổ họng. Sau đó mẹ cho trẻ uống nước vài lần, nếu trẻ không có dấu hiệu đau đớn tức là con hết hóc xương. Với những bé lớn, mẹ có thể hỏi con xem con còn cảm thấy đau và vướng trong cổ nữa không.
  • Nếu trẻ bị mắc xương cá to, tốt nhất mẹ nên đưa bé đến bệnh viện để nhân viên y tế lấy xương ra cho con nhằm đảm bảo an toàn.

– Trường hợp không phát hiện xương cá

Nếu không nhìn thấy xương cá trong cổ họng mà trẻ vẫn có biểu hiện đau đớn, quấy khóc thì mẹ nên đưa con đến bệnh viện để bác sĩ xử lý. Bởi vì rất có thể xương cá đã đi sâu xuống thực quản nên không thể nhìn thấy được.

Những điều không nên làm khi trẻ bị hóc xương cá

Sau đây là những điều tối kỵ mẹ không nên làm khi trẻ bị hóc xương cá:

  • Không dùng tay mò mẫm trong cổ họng trẻ vì làm như vậy có thể vô tình đẩy xương lọt vào sâu trong cổ họng hơn.
  • Không khuyến khích trẻ khạc mạnh nhiều lần vì động tác này có thể gây ra tai biến ở trẻ, nguy hiểm đến tính mạng trẻ.
  • Tuyệt đối không chữa hóc xương bằng cách cho trẻ ăn một miếng cơm to. Hành động này có thể khiến trẻ bị nghẹn và đẩy xương vào sâu trong cổ họng hơn.

Mẹ nên nhặt xương cá thật kỹ trước khi cho trẻ ăn cá

Cách phòng ngừa tình trạng trẻ bị hóc xương cá

Cá rất bổ dưỡng, giàu đạm và khoáng chất nên chúng là loại thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của trẻ. Tuy nhiên, khi chế biến và cho trẻ ăn cá, bạn cần chú ý đến những điểm sau để trẻ không bị hóc xương:

  • Cho trẻ ăn những loại cá lớn ít xương dăm, thịt nhiều, xương lớn, dễ tách xương.
  • Nhặt kỹ xương cá trước khi nấu, sau khi nấu chín mẹ nên lựa xương cá thêm một lần nữa.
  • Mẹ có thể hầm cá thật nhừ để xương cá chín rục khi cho trẻ ăn.
  • Giáo dục trẻ về mức độ nguy hiểm khi bị hóc xương, dạy con cách nhằn xương ra khi ăn.

Mong rằng bài viết về dấu hiệu trẻ bị hóc xương cá trên đây sẽ giúp mẹ có thêm thông tin hữu ích khi chăm sóc trẻ. Lưu ý rằng khi trẻ bị hóc xương, bạn xem xét kỹ lưỡng trước khi áp dụng các mẹo dân gian để chữa hóc xương cho trẻ vì làm như thế sẽ khiến xương găm càng sâu vào cổ họng của con hơn.

Nguồn : Sức Khoẻ Cộng Đồng