Màu mắt bé thay đổi khi nào?

(bau.vn) Màu mắt của bé được quy định bởi hắc tố, sắc tố đen hội tụ trong màng mắt. Càng có nhiều hắc tố thì màu mắt càng đen.

Điều này có nghĩa là, nếu có ít hắc tố thì màu mắt sẽ nhạt hơn. Quá trình hình thành sắc tố trong mắt bé sơ sinh chưa hoàn thiện nên màu mắt của bé thay đổi thông thường là ở giai đoạn từ một tuổi.

Da của bé càng trắng thì màu mắt càng nhạt, thường là màu xanh thẫm hoặc màu nâu khi mới được sinh ra. Sau khoảng một năm, màu này sẽ sẫm hơn. Nếu con của bạn da đen, bé sẽ có thể có màu mắt đen ngay lúc sinh ra và sẽ  giữ nguyên màu đó.

Không chỉ màu mắt thay đổi, sự va chạm trên mặt bé trong quá trình sinh nở cũng có thể gây ra hiện tượng sụp mi mắt hoặc vệt máu trên lòng trắng của mắt. Thuốc nhỏ mắt được dùng để chống nhiễm trùng cũng có thể làm mắt bé đỏ lên. Hiện tượng đỏ mắt hoặc sụp mí mắt ở bé thường kéo dài trong ba ngày và phải mất ba tuần, những tia máu trên lòng trắng của mắt mới biến mất.

Nếu bạn nhận thấy bé không mở mắt, có thể là do ánh sáng trong phòng quá mức cần thiết. Vì vậy, hãy giảm bớt ánh sáng để khuyến khích bé nhìn dễ dàng hơn. Bé sơ sinh thường không thể nhìn rõ được bởi dây thần kinh thị giác điều khiển thông tin từ mắt tới não chưa hoạt động nên thị giác của bé rất yếu. Tình trạng này sẽ được cải thiện rõ rệt khi bé được 4-5 tháng tuổi. Lúc này, bé có thể nhận biết vật thể và màu sắc. Khi được 8-12 tháng tuổi và não đã phát triển hoàn thiện, bé có thể nhìn mọi thứ rõ ràng.

Nếu thấy con khóc mà không có nước mắt, bạn cũng dừng vội lo sợ. Mỗi bé thường chỉ có thể tạo ra một lượng nước mắt đủ để giữ ẩm cho mắt. Đến khoảng 8 tháng tuổi, lượng nước mắt của bé sẽ nhiều hơn và khi ấy, việc khóc kèm chảy nước mắt sẽ diễn ra bình thường. Tuy nhiên với trẻ sơ sinh, có thể đó là hiện tượng lệ đạo bị tắc – một bệnh khá phổ biến của trẻ sơ sinh.

Thực tế, có khoảng 20% trẻ nhỏ bị tắc lệ đạo ở một hoặc cả hai mắt. Mỗi mắt bé đều có ống lệ (tuyến lệ), nước mắt theo tuyến lệ này tiết ra. Khi sinh ra, không thể chắc chắc rằng lệ đạo của trẻ được mở hoàn toàn và thậm chí, nó còn bị tắc trong suốt thời gian trẻ 1-2 tháng tuổi. Trong trường hợp này, hốc mắt của bé sẽ bị đỏ kèm dử (ken) mắt. Một lệ đạo bị tắc không có nghĩa là khi bé khóc không tạo ra nước mắt mà nước mắt lúc này sẽ ngưng lại trong ống lệ và nếu không được điều trị phù hợp, sẽ gây ra viêm nhiễm. Để tránh tình trạng này, bạn làm theo các cách sau để thông lệ đạo cho bé:

– Thấm nước sạch vào miếng vải mềm để lau ken mắt cho bé. Bạn nên làm việc này khi thay  bỉm cho bé (trung bình 10 lần/ngày).

– Bạn hãy dùng đầu ngón tay sạch để day, xoa nắn nhẹ từ hốc mắt cho tới mũi bé. Cách này đôi khi có thể thông tuyến lệ được ngay.

– Bạn có thể nhỏ một vài giọt sữa mẹ vào hốc mắt bé (4-6 lần/ngày) và có thể nhận thấy được lợi ích của chất kháng sinh từ sữa mẹ.

– Đưa bé đến bác sĩ nếu cần thiết. Đây là cách tốt nhất để đảm bảo sức khỏe cho bé và cả nhà được yên tâm.

Dịch (Nguyệt Phạm – tạp chí Bầu)

Mọi phản ánh, ý kiến đóng góp, thông tin nóng, bài vở cộng tác của độc giả có thể gửi cho Ban biên tập theo địa chỉ: Email: info@bau.vn / Hotline: 0904 666 276

Nguồn : bau.vn