Thành phần dinh dưỡng từ nấm
Xét về thành phần các chất dinh dưỡng, trong 100g nấm tươi chứa khoảng 85-90g nước, 3-6g protit, 3-4g glucid, rất ít chất béo, 1-3g chất xơ. Năng lượng cung cấp từ nấm không cao, khoảng 30kcal/ 100g nấm thường và 50 kcal/100g nấm có chứa chất béo như nấm rơm ( tức là chỉ bằng 1/8-1/10 năng lượng từ 100g gạo). Trong nấm có chứa nhiều chất khoáng: 28 mg Canxi, 80 mg Phospho, 1-5 mg Sắt, Kali…
Thành phần quý nhất ở nấm có lẽ là các vi chất (kẽm, selenium, germanium, vanadium, crôm…), các vitamin tan trong nước như thiamine, riboflavin, niacin, biotin, cobalamins, ascorbic acid… và các chất polysaccharide và triterpen… có tác dụng làm tăng cường chuyển hóa và tăng đề kháng cho cơ thể. Đây cũng là những thành phần giúp phòng chống một số bệnh như ung thư, tiểu đường, tăng mỡ máu, tăng huyết áp, giảm sức đề kháng… Bởi năng lượng và chất béo trong nấm không cao, nếu có thì cũng là các acid béo không no, và nấm chứa nhiều chất xơ, do đó, nấm không làm tăng cân và không làm tăng mỡ máu.
Nấm tốt cho trẻ như thế nào?
Nấm được coi là thực phẩm cho trẻ thiếu máu do thiếu sắt, trẻ suy dinh dưỡng. Nấm cũng giúp tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, kháng khuẩn, kháng virut, kháng nấm và ký sinh trùng, giải độc và bảo vệ gan.
Giá trị của nấm rất cao, có thể nấu thành canh để uống, có tác dụng phóng tránh các bệnh với huyết quản não. Nấm là một thức ăn bổ dưỡng được sử dụng như một loại rau giàu đạm, đồng thời cung cấp nhiều chất xơ, vitamin và chất vi lượng.
Sử dụng nấm giúp trẻ em tăng sức đề kháng chống lại bệnh tật. Nhiều loại nấm ăn kích thích cơ thể sản sinh interferon nhờ đó ức chế quá trình sinh trưởng và lưu chuyển của virus. Các polysaccharide trong nấm có khả năng hoạt hóa miễn dịch tế bào, thúc đẩy quá trình sinh trưởng và phát triển của tế bào lympho, kích hoạt tế bào lympho T và lympho B. Nấm linh chi, nấm vân chi, nấm đầu khỉ và mộc nhĩ đen còn có tác dụng nâng cao khả năng hoạt động của đại thực bào. Nấm kim châm còn chứa nhiều Kali nên giúp cho cơ vân cũng như cơ tim mạnh khỏe, ít mệt mỏi.
Mặt trời là “chất thúc đẩy” sự tổng hợp vitamin D, trong đó tia cực tím có thể thúc đẩy da tổng hợp nên vitamin D. Và nấm cũng có tác dụng tổng hợp vitamin D. Nhiều nhà khoa học cho rằng, nấm có thể nhanh chóng trở thành nguồn quan trọng duy trì sự khỏe mạnh của xương cốt và chống lại bệnh tật.
Với trẻ em, vitamin D vô cùng quan trọng cho sự phát triển cơ xương, đặc biệt là sự phát triển chiều cao. Trẻ thiếu vitamin thường bị còi xương vì thế nấm sẽ là một món ăn bổ dưỡng rất tốt cho sự phát triển hệ cơ xương của trẻ. Một số loài nấm được nuôi trồng dưới tác động của ánh sáng mặt trời nên vitamin D có trong nấm sẽ khiến cơ thể bé dễ hấp thu hơn. Vitamin D giúp hệ xương và tim mạch bé được khỏe mạnh; đồng thời, nó cũng ngăn ngừa chứng hen suyễn, tiểu đường hoặc ung thư cho bé, tốt cho hệ miễn dịch.
Một số món ăn chế biến từ nấm tốt cho trẻ là: canh nấm hương, cháo gà hầm nấm, nấm nấu đậu, chân giò hầm nấm hay bầu dục xào nấm. Tất cả những món ăn này đều có tác dụng bổ thận, dưỡng huyết, kích thích tiêu hóa và sự thèm ăn của trẻ cũng như tốt cho trẻ còi xương.
Lưu ý khi sử dụng nấm làm thức ăn
Khi sử dụng nấm để làm thức ăn, một vấn đề cần lưu ý là phải phân biệt rõ nấm ăn được và nấm độc. Tuyệt đối không sử dụng những loại nấm lạ, nấm có màu sặc sỡ vì có chứa nhiều độc chất có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Nấm cũng rất dễ bị hư thối nên sử dụng càng tươi càng tốt. Khi bảo quản nấm phải nhẹ nhàng, đúng cách và tuân thủ đúng các khuyến cáo.
Mọi phản ánh, ý kiến đóng góp, thông tin nóng, bài vở cộng tác của độc giả có thể gửi cho Ban biên tập theo địa chỉ: Email: info@bau.vn / Hotline: 0904 666 276
Nguồn : bau.vn