Trước đây, đột quỵ thường được xem là bệnh của người cao tuổi. Trong đó, bệnh nhân có độ tuổi trung bình từ 55 trở lên. Tuy nhiên, những năm gần đây, đột quỵ ngày càng trẻ hóa tại Việt Nam, nhiều bệnh viện thậm chí tiếp nhận những trường hợp bị đột quỵ khi mới 18, 20 tuổi. Vậy vì sao ngày càng nhiều người trẻ bị đột quỵ?
Đột quỵ (hay tai biến mạch máu não) xảy ra khi việc cung cấp máu lên não bị ngưng đột ngột, khiến vùng não đó bị thiếu oxy và chất dinh dưỡng. Chỉ cần vài phút, các tế bào não sẽ bắt đầu chết đi, cơ thể người bệnh dần mất các chức năng được tế bào não đó điều khiển. Tai biến mạch máu não thường xảy ra đột ngột và ít khi có triệu chứng báo trước, bệnh nhân có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Đàn ông có tỉ lệ đột qụy cao hơn phụ nữ
Tỷ lệ người trẻ mắc đột quỵ tăng trung bình 2% một năm. Trong đó, số lượng nam giới bị đột quỵ não cao gấp 4 lần so với phụ nữ. Thậm chí, trong năm nay, cơ sở y tế này đã ghi nhận và điều trị trường hợp nhỏ tuổi nhất là 12, nhiều trường hợp khác trong độ tuổi thanh thiếu niên bị đột quỵ não.
Nguyên nhân tại sao nhiều người trẻ đột quỵ?
1. Bệnh lý dị dạng mạch máu não
Dị dạng mạch máu não là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ chảy não ở những người trẻ tuổi. Sự phát triển bất thường của mạch máu não có thể gây nên những túi phình. Thành mạch máu mỏng là nguyên nhân có thể gây xuất huyết não.
Hoặc mạch máu có thể bị bóc tách gây hẹp, tắc mạch – nhồi máu não. Hiện tại, chưa có biện pháp nào thực sự hiệu quả để dự phòng dị dạng mạch não. Những bất thường này có thể phát hiện sớm qua chụp cắt lớp vi tính tương phản mạch máu não, hoặc chụp cộng hưởng từ mạch máu não.
2. Hút thuốc lá
Khoảng 50% bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi hút thuốc lá. Thuốc lá có chứa khoảng 7000 chất độc hóa học như carbon monoxide, formaldehyde, arsenic và cyanide. Những chất độc này được vận chuyển vào máu sau khi hấp thu vào phổi làm tăng nguy cơ vữa xơ, tổn thương mạch máu não.
Hút thuốc lá – Nguyên nhân khiến người trẻ bị đột quỵ
3. Rối loạn chuyển hóa mỡ máu
Khoảng 50 – 60% bệnh nhân nhồi máu não trẻ tuổi có rối loạn chuyển hóa mỡ máu. Trong đó, nam giới hay gặp hơn nữ. Người trẻ tuổi với thói quen ăn uống có hại sức khỏe (ăn quá nhiều thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn…), ngày càng đối diện với các bệnh lý mạch máu sớm hơn (đột quỵ, tim mạch …)
4. Bệnh béo phì và lười vận động
5 năm qua, tỷ lệ người béo phì tại Việt Nam tăng 33%, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á. Giới trẻ ngày càng thích ngồi trước màn hình máy tính hoặc ôm điện thoại di động hơn là tham gia các hoạt động thể dục, thể thao.
5. Đái tháo đường và tăng huyết áp
Đái tháo đường gặp ở 30% bệnh nhân đột quỵ trẻ và với bệnh tăng huyết áp là khoảng 10%. Nhiều ca bệnh được ghi nhận ở trẻ nhỏ từ 9 – 13 tuổi, thanh niên từ 20 đến dưới 30 tuổi.
6. Uống rượu bia
Uống rượu bia, đặc biệt là rượu nặng có liên quan chặt chẽ đến sự tăng lên của bệnh lý chảy máu não ở bệnh nhân trẻ tuổi.
Từ các nguyên nhân trên, đột quỵ ở người trẻ có thể được đẩy lùi nhờ thói quen sinh hoạt lành mạnh như tập thể dục, hạn chế đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, không uống rượu bia, hút thuốc lá.
Ngoài ra, người trẻ không nên chủ quan, cho rằng đột quỵ chỉ xảy ra ở người cao tuổi mà bỏ qua việc thăm khám sớm tại các cơ sở y tế khi có biểu hiện của bệnh (yếu liệt tay chân, méo miệng, nói khó).
Nguồn : bau.vn