Những điều mẹ cần biết nếu muốn có bầu lại sau một năm sinh mổ

Sinh mổ 1 năm có bầu lại được không là thắc mắc của nhiều mẹ muốn tiếp tục có con… “ngay tắp lự”. Thực hư lợi - hại của việc này ra sao, các mẹ cùng lắng nghe những chia sẻ của Bầu nhé!

Có không ít sản phụ vừa mới sinh mổ xong chưa được bao lâu lại trót “dính” thêm lần nữa. Trong đầu mẹ lúc này trở nên lo lắng, liệu sinh mổ 1 năm có bầu lại được không? Bởi lần đầu sinh mổ thì khả năng cao ở lần sinh tiếp theo mẹ cũng phải tiếp tục sinh mổ.

1. Sinh mổ 1 năm có bầu lại được không?

Trả lời câu hỏi này, các chuyên gia cho rằng việc mang thai quá sớm sau lần sinh mổ đầu tiên có thể khiến mẹ đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe. Tuy nhiên, nếu lỡ “vỡ kế hoạch” sau sinh mổ, mẹ cũng đừng quá lo lắng. Việc đầu tiên cần làm là bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám kịp thời.

Cùng với việc theo sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa phụ sản, bạn cần đi khám định kỳ để theo dõi sự phát triển của thai nhi. Đặc biệt lưu ý trong quá trình mang bầu, nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, mẹ cần nhanh chóng đến bệnh viện để được kiểm tra. Dưới đây là những vấn đề mẹ sẽ đối diện khi mang thai sớm sau sinh mổ.

Mang thai quá sớm sau sinh mổ sẽ khiến mẹ phải đối mặt với nhiều nguy hiểm

2. Nguy cơ khi mang thai quá sớm sau sinh mổ

Như đã nói ở trên, mang thai quá sớm sau sinh mổ không chỉ gây ra những rủi ro về sức khỏe cho mẹ mà còn ảnh hưởng đến thai nhi.

– Đe dọa sức khỏe của mẹ

Nứt vết sẹo mổ cũ là điều phổ biến nhất mà các mẹ sẽ gặp phải nếu mang thai lại sớm sau sinh mổ

  • Nứt vết sẹo mổ cũ: Đây là nguy cơ phổ biến nhất mà sản phụ phải đối mặt nếu khoảng cách mang thai giữa hai lần sinh mổ quá gần nhau. Theo thời gian, vết sẹo sinh mổ cũ càng ngày càng dày lên và lành lặn hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu mang thai lại quá sớm sau sinh mổ lần thứ nhất, vết mổ cũ này dễ bị nứt. Bởi nó chưa đủ thời gian để hồi phục, đặc biệt những tháng cuối thai kỳ, khi thai nhi càng lớn sẽ gây ra áp lực cho vết mổ cũ.
  • Nhau cài răng lược: Đây là hiện tượng nhau thai bám sâu vào cơ và lớp mô sợi ở tử cung tại vết mổ cũ. Trường hợp xấu nhất là trong quá trình “vượt cạn”, bác sĩ phải bóc nhau thai. Điều này làm tăng nguy cơ chảy máu nhiều, thậm chí có thể phải cắt bỏ tử cung hoặc khiến sản phụ tử vong
  • Thai làm tổ trên vết mổ cũ: Cụ thể, đây là tình trạng thai nhi hình thành và bám vào vết sẹo mổ cũ. Tương tự như hiện tượng nhau cài răng lược, nguy cơ này cũng có thể khiến người mẹ đối mặt với sự nguy hiểm đến tính mạng.

– Nguy hiểm đối với con

Tình trạng có bầu sau lần sinh mổ thứ nhất quá sớm có thể khiến thai nhi đối diện với nhiều biến chứng nguy hiểm. Trong số đó phải kể đến như khả năng sinh non cao, gặp nhiều vấn đề về sức khỏe sau này…

Sinh non là một trong những nguy cơ khi mẹ mang thai sớm sinh mổ

3. Thời gian lý tưởng mang thai lại sau sinh mổ

Đối với các mẹ sinh mổ hẳn là rất quan tâm đến những vấn đề như sinh mổ 1 năm có bầu lại được không hay khi nào có thể mang thai lại?

Theo các bác sĩ sản khoa, sau sinh mổ tối thiểu khoảng 18 – 23 tháng thì mẹ mới nên mang thai lại. Tốt hơn hết, nên chờ 2 – 3 năm để vết sẹo mổ cũ được hồi phục hoàn toàn.

4. Lưu ý khi mang thai sau sinh mổ

Để quá trình mang thai diễn ra suôn sẻ và an toàn, mẹ cần lưu ý đến những vấn đề như sau:

– Ngay khi biết mình mang thai, mẹ nên đi siêu âm sớm để bác sĩ sản khoa chẩn đoán được tình trạng phát triển của thai nhi, đồng thời kiểm tra độ an toàn của vết mổ cũ.

– Trong thời gian thai kỳ, mẹ cần đặc biệt chú ý đến tình trạng vết mổ cũ. Nếu thấy đau hoặc có bất kỳ dấu hiệu khác thường nào, mẹ cần đến ngay bệnh viện để được theo dõi kịp thời.

– Bổ sung sắt đầy đủ cũng như có một chế độ dinh dưỡng hợp lý là việc cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi.

– Bạn cần đi khám định kỳ theo chỉ dẫn của bác sĩ sản khoa.

Con cái là lộc trời cho. Vì vậy, nếu mẹ mang thai ngoài ý muốn cũng đừng vội lo lắng mà trước hết hãy tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa. Hy vọng thông qua những giải đáp về việc sinh mổ 1 năm có bầu lại được không, mẹ cùng ông xã sẽ đưa ra quyết định thời gian phù hợp cho lần sinh tiếp theo.

Nguồn : Sức khỏe cộng đồng