Những mũi tiêm phòng vắc-xin cho mẹ bầu trước và trong khi mang thai

Khi mang thai sức đề kháng của người phụ nữ yếu hơn bình thường rất nhiều, do đó nguy cơ mắc bệnh cũng sẽ tăng lên, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người mẹ và sự phát triển của thai nhi. Chính vì vậy, tiêm phòng vắc-xin cho mẹ bầu là biện pháp đơn giản và hiệu quả giúp bảo vệ mẹ và bé yêu tránh khỏi nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm.

Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, tiêm phòng vắc-xin cho mẹ bầu là bước đệm quan trọng để ngăn ngừa một số vi khuẩn, virus gây bệnh cho cả mẹ và bé trong suốt 9 tháng 10 ngày thai kỳ. Bài viết này sẽ tổng hợp tất cả những mũi tiêm phòng trước và trong khi mang thai để các mẹ tham khảo.

Khi mang thai sức đề kháng của người phụ nữ yếu hơn bình thường rất nhiều, do đó nguy cơ mắc bệnh cũng sẽ tăng lên, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người mẹ và sự phát triển của thai nhi. Chính vì vậy, tiêm phòng cho bà bầu là biện pháp đơn giản và hiệu quả giúp bảo vệ mẹ và bé yêu tránh khỏi nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, nhất là trong giai đoạn tình hình dịch bệnh ngày một gia tăng và diễn biến phức tạp như hiện nay.

Các mũi vắc-xin cần tiêm trước khi mang thai

Vắc-xin 3 in 1 kết hợp sởi – quai bị – Rubella: Nên tiêm phòng trong vòng 3-6 tháng trước khi có thai, và muộn nhất là trước khi mang bầu từ 1-3 tháng. Sởi – Quai bị – Rubella đều là bệnh dễ lây qua đường hô hấp. Trong quá trình mang thai, nếu mẹ mắc 1 trong 3 bệnh này sẽ ảnh hưởng lớn đến thai nhi, có nguy cơ khiến thai bị dị tật, suy dinh dưỡng, chết lưu hoặc sinh non… Vi rút Rubella gây ảnh hưởng đến não, tim, tai và mắt của thai nhi, thậm chí có thể để lại di chứng nguy hiểm khi trẻ được sinh ra.

Vắc xin Thủy đậu: Lịch tiêm muộn nhất là 3 tháng trước khi mang bầu. Nếu trước đây mẹ chưa từng tiêm vắc-xin thủy đậu hoặc chưa từng mắc thủy đậu hay không có kháng thể chống thủy đậu thì nên tiêm vắc-xin phòng thủy đậu bởi đây cũng là căn bệnh nguy hiểm có khả năng khiến trẻ sinh ra bị thủy đậu bẩm sinh, bị dị tật đầu nhỏ, gồng cứng tay chân, bại não… Theo nghiên cứu, có khoảng 2% số bé có mẹ mắc thủy đậu trong 5 tháng đầu thai kỳ có nguy cơ mắc dị tật: dị dạng hình thể, liệt chi…

 

Vắc- xin Viêm gan B: Vắc-xin có thể tiêm vào trước hoặc trong khi mang thai. Tốt nhất là nên tiêm trước khi có thai để có sự chuẩn bị tốt nhất về sức khỏe. Viêm gan B là một bệnh truyền nhiễm có nguy cơ gây xơ gan, đây là căn bệnh lây qua đường máu và lây truyền từ mẹ sang con trong quá trình chuyển dạ và sinh nở. Do đó để phòng bệnh cho trẻ cũng như bảo vệ sức khỏe của bản thân, các bà mẹ nên làm xét nghiệm viêm gan B, dựa vào đó bác sĩ sẽ tư vấn về việc tiêm phòng.

Vắc-xin Cúm: Vắc-xin phòng cúm nên tiêm trước khi mang thai ít nhất 1 tháng và sau đó nên tiêm nhắc lại hàng năm . Mẹ mắc cúm trong quá trình mang bầu cũng ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của thai nhi, khi mẹ bầu bị nhiễm virus cúm trong quá trình mang thai sẽ có nguy cơ khiến con gặp dị tật, đặc biệt là trong giai đoạn 3 tháng đầu và 3 tháng cuối mang thai. Khi mẹ tiêm vắc-xin phòng cúm sẽ giúp giảm tỷ lệ trẻ sơ sinh mắc tim bẩm sinh hay dị tật sứt môi, hở hàm ếch. Vắc-xin phòng cúm thường có hiệu lực trong vòng 1 năm.

Bạch hầu – ho gà – uốn ván: Tiêm 1 mũi duy nhất trong độ tuổi 4-64 tuổi. Đây là loại vacxin phối hợp có thể giúp phòng những bệnh trên hiệu quả cho con. Bạch hầu và ho gà là những căn bệnh có thể lây trực tiếp qua đường hô hấp nên khả năng mắc phải trong quá trình mang bầu là rất cao. Uốn ván có thể gặp nếu chủ quan trước những vết thương, vì loại vi khuẩn này tồn tại rất bền vững trong môi trường tự nhiên.

Các mũi vắc-xin tiêm phòng cho mẹ bầu trong khi mang thai

Trước khi mang thai chị em cần thực hiện đầy đủ các mũi tiêm trên để chuẩn bị tốt nhất cho thai kỳ. Và trong khi mang thai, việc tiêm phòng cho mẹ bầu cũng vô cùng quan trọng. Các bác sĩ khuyến cáo phụ nữ mang thai cần được tiêm vắc-xin uốn ván để phòng uốn ván cho cả mẹ và con.

Đối với mang thai lần đầu: Nên tiêm 2 mũi uốn ván trong quá trình mang bầu. Mũi đầu tiên có thể tiêm từ tuần 20 trở đi. Sau một tháng, tiêm nhắc lại mũi thứ 2. Tuy nhiên, cần đảm bảo mũi 2 phải được tiêm trước khi sinh ít nhất là 1 tháng.

Lần có thai sau: Chỉ tiêm 1 mũi vắc xin phòng uốn ván nếu lần có thai trước đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng uốn ván.

Ngoài ra, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Dự phòng dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo: Phụ nữ mang thai có thể tiêm vắc-xin phòng bạch hầu – ho gà – uốn ván vào tuần thai từ 27-35 tuần để phòng ho gà sớm cho trẻ sơ sinh nếu trước khi mang bầu chưa tiêm vắc-xin này.

Nên đi tiêm phòng vắc-xin cho mẹ bầu ở đâu?

Trung tâm y tế dự phòng hay các bệnh viện sản khoa, bệnh viện đa khoa, viện vệ sinh dịch tễ… đều có dịch vụ tiêm chủng. Những chị em ở các thành phố lớn nên đi tiêm tại các trung tâm y tế dự phòng của thành phố hoặc các bệnh viện lớn, các cơ sở uy tín được chứng nhận cấp phép bởi Bộ Y tế để đảm bảo chất lượng và an toàn.

Tiêm vắc xin cho mẹ bầu là những mũi tiêm được thực hiện đối với mẹ bầu trước và trong quá trình mang thai. Khi mang thai, cơ thể mẹ sẽ truyền các kháng thể cho bé và điều đó có nghĩa rằng khi mẹ biết cách phòng chống tiêm chủng phòng ngừa cho mình cũng chính là mẹ đang bảo vệ bé yêu ngay từ trong bụng mẹ và cả những tháng ngày sau khi sinh bé ra.

 

Việc tiêm phòng khi mang thai là hoàn toàn không bắt buộc và là điều tự nguyện. Tuy nhiên, nếu cơ thể người mẹ không được tiêm phòng đầy đủ thì các bé yêu sẽ rất dễ mắc các bệnh lý truyền nhiễm, có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh hoặc lây bệnh từ mẹ, thậm chí có thể dẫn đến việc bị sảy thai, sinh non. Vì vậy, trước khi mang thai, các mẹ nên có kế hoạch tiêm phòng ngừa vắc xin đầy đủ, hợp lý.

Nếu đã có thai nhưng vẫn chưa tiêm phòng, các mẹ bầu cần phải bổ sung một số loại vắc xin như ngừa cúm, viêm gan B,.. Riêng vắc xin phòng bệnh thủy đậu và vắc xin 3 in 1: sởi – quai bị – Rubella hoàn toàn không được tiêm cho phụ nữ đang mang thai, các mẹ nên đi tiêm vắc xin này trước khi mang thai.

Một số lưu ý khi tiêm phòng vắc-xin cho mẹ bầu

Sau khi vắc-xin đã vào cơ thể có thể gây ra một số phản ứng không mong muốn như sốt nhẹ sau khi tiêm, sưng đau tại vị trí tiêm. Mẹ bầu có thể thực hiện các biện pháp như chườm khăn ấm, dùng khăn ấm lau người, bổ sung rau xanh và trái cây giàu vitamin để giảm nhẹ các triệu chứng. Tuy nhiên, nếu thời gian sốt quá lâu từ 3 đến 4 ngày, với các biểu hiện nặng như sốt cao, mệt mỏi, ngủ li bì thì nên đến bệnh viện để kiểm tra kịp thời.

Vắc xin phòng cúm có thể gây hiện tượng giả cúm như hắt hơi, chảy nước, ngạt mũi sau 1 – 2 ngày tiêm vắc xin. Đây là dấu hiệu bình thường nên chị em không cần quá lo lắng, hiện tượng này sẽ tự khỏi không cần dùng thuốc.

Trong trường hợp mang đa thai hoặc có nguy cơ sinh non, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tiêm phòng.

Tuyệt đối không tiêm phòng khi người đang bị sốt hoặc mắc bệnh cúm, viêm gan, các bệnh nhiễm trùng cấp tính,…

Nguồn : bau.vn