Hãy cùng Bau.vn tìm hiểu những cách giáo dục sai lầm khiến con mất tự tin là gì nhé.
Nặng lời với con trước mặt người khác
Khi tức giận, đôi khi cha mẹ không thể kiềm chế được nên đã to tiếng, nói nặng lời hoặc thậm chí phạt con mình trước mặt người khác. Những lúc như vậy, cha mẹ có thể không để ý nhưng những đứa trẻ nhạy cảm sẽ xấu hổ, mất tự tin với bạn bè. Trong nhiều trường hợp, lý do phụ huynh mắng con có thể trở thành đề tài khiến con bị bạn trêu chọc và nhắc lại nhiều lần khi đến trường.
Mong đợi sự hoàn hảo
Làm cha mẹ ai cũng kỳ vọng con mình sẽ ngày càng tốt hơn, tuy nhiên kỳ vọng quá nhiều có thể gây hậu quả. Khi những đứa trẻ nhận thấy những kỳ vọng của cha mẹ quá cao, chúng thậm chí không buồn cố gắng hoặc chúng có thể cảm thấy như thể chúng sẽ không bao giờ đạt được và con sẽ ngày càng mất tự tin.
Thay vào đó, hãy đưa ra những kỳ vọng rõ ràng cho dài hạn và đặt các mốc quan trọng trên quá trình thực hiện. Ví dụ: đi học đại học là một kỳ vọng dài hạn, vì vậy hãy giúp trẻ đặt ra các mục tiêu ngắn hạn: đạt điểm cao, làm hết bài tập về nhà, đọc sách…
Chỉ chú ý đến nhược điểm của con
“Bon nhà mình nhút nhát lắm!” hay “Bé vụng về lắm, làm gì cũng hỏng cả!”… những câu nói vô tình, nhắc đi nhắc lại khuyết điểm của con ấy tưởng như không có ý nghĩa gì lại có tác động rất lớn đến tâm lý của trẻ.
Khi cha mẹ luôn chú ý đến những nhược điểm ấy, dần dần trẻ sẽ hình thành tâm lý mình thật nhút nhát hay thật vụng về và sự tự tin về bản thân sẽ dần biến mất.
Không dành nhiều thời gian cho con
Nếu không được bố mẹ quan tâm, chăm sóc đầy đủ, con có thể trở nên cô lập về mặt cảm xúc với gia đình. Khi cha mẹ thờ ơ, thiếu lắng nghe và không tâm sự với con, đứa trẻ có xu hướng hành động tương tự với người khác. Chúng trở nên khó gần gũi, không tin tưởng người khác và gặp trở ngại khi kết bạn. Thông thường những người kém giao tiếp khó lòng mà thành công trong công việc cũng như đời sống hôn nhân. Vì vậy bố mẹ nên cố gắng dành thời gian tâm sự, hỏi han về ngày của con.
Bao bọc con quá mức
Việc bao bọc quá mức có thể khiến con sợ hãi, không dám chịu trách nhiệm cho những gì mình làm hoặc sợ thoát khỏi vùng an toàn có cha mẹ bao bọc. Khi lớn lên, con thường không dám thử thách bản thân ở lĩnh vực mới. Trong công việc, con cũng không có chí tiến thủ mà chỉ hướng tới những mục tiêu ổn định, cho dù có nhàm chán như nào.
Hãy coi mình như người hướng dẫn chứ không phải là người bảo vệ con. Cho phép con bạn trải nghiệm ngay cả khi trẻ sợ hãi chính là bạn đã cho trẻ cơ hội để có được sự tự tin về khả năng đối phó với bất cứ điều gì trong cuộc sống.
Nguồn : bau.vn