Những thông tin mẹ bầu cần biết về đau dạ dày khi mang thai

Đau dạ dày khi mang thai liệu có ảnh hưởng đến em bé hay không là điều nhiều người quan tâm. Hãy đọc bài viết này của Bau.vn để biết rõ hơn và có các biện pháp cải thiện.

Đau dạ dày khi mang thai là tình trạng xảy ra khá phổ biến, đặc biệt với mẹ bầu nào có tiền sử bệnh dạ dày thì chắc chắn sẽ khó chịu rất nhiều. Nếu bạn đang bị hiện tượng này chắc chắn đừng bỏ qua bài viết dưới đây!

Vì sao dễ bị đau dạ dày khi mang thai?

Những thay đổi khi mang thai dễ khiến mẹ bầu cảm thấy khó chịu ở dạ dày và đau dạ dày hơn mặc dù trước đó chưa từng có bệnh nền về dạ dày. Một số nguyên nhân chủ yếu có thể kể đến như:

1. Mẹ bầu ốm nghén

Tình trạng ốm nghén ở phụ nữ mang thai thường gây cảm giác buồn nôn và nôn thường xuyên. Mặc dù không ảnh hưởng quá nhiều tới thai nhi nhưng ốm nghén có tác động đến hoạt động tiêu hóa, kích thích dạ dày co bóp quá mức và làm tăng tiết dịch vị, phát sinh cơn đau.

2. Thay đổi nội tiết tố

Hormone progesterone có xu hướng tăng lên đột ngột khi bạn mang thai, hormone này có chức năng bảo vệ bào thai trong tử cung và hạn chế nguy cơ sảy thai. Tuy nhiên, hormone progesterone tăng lên bất thường là nguyên nhân khiến nhu động ruột giảm, làm tăng áp lực ổ bụng và gây kích thích dạ dày. Lúc này, dạ dày sẽ có xu hướng bài tiết nhiều dịch vị, co bóp quá mức hơn so với bình thường và phát sinh cơn đau.

3. Tử cung giãn nở khi mang thai

Để thai nhi có đủ không gian phát triển, tử cung của mẹ bắt đầu giãn nở từ tháng thứ 4 của thai kỳ. Hiện tượng tử cung giãn nở này đã làm tăng áp lực ổ bụng, gây kích thích dạ dày và ống hậu môn. Theo thống kê cho thấy, có khoảng 80% mẹ bầu trong 3 tháng cuối thai kỳ gặp phải các vấn đề tiêu hóa, trong đó phổ biến nhất là đau dạ dày và bệnh trĩ.

Ngoài ra, chế độ ăn uống thất thường, ăn không đủ bữa, chế độ dinh dưỡng không lành mạnh… cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn đau dạ dày.

Đau dạ dày khi mang thai có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Thông thường, bệnh đau dạ dày khi mang thai không ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi, cũng không ảnh hưởng quá nhiều đên sức khỏe của thai phụ. Tuy nhiên, nếu tình trạng đau kéo dài sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt và năng suất lao động của bạn.

Nếu bệnh lý ngày càng tiến triển theo chiều hướng xấu thì mẹ bầu có thể bị sút cân, cơ thể xanh xao và suy nhược. Khi đó, trẻ sinh ra có hệ miễn dịch kém và trong dạ dày của mẹ hình thành ổ viêm loét nặng ở niêm mạc, tá tràng và thực quản ảnh hưởng về sau này.

Rất hiếm có trường hợp bị đau dạ dày khi mang thai dẫn đến các biến chứng nặng như xuất huyết tiêu hóa và thủng dạ dày. Chính vì thế, nếu thấy các dấu hiệu đau dạ dày hãy đến gặp bác sĩ để được điều trị bằng các phương pháp an toàn.

Cách cải thiện tình trạng đau dạ dày khi mang thai

1. Thay đổi chế độ ăn uống

Chế độ ăn uống ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến tình trạng bệnh của thai nhi. Do đó, mẹ bầu nếu bị đau dạ dày, hãy thay đổi chế độ ăn sao cho phù hợp với sức khỏe của dạ dày. Từ đó, giúp bệnh tình thuyên giảm, tần suất các cơn đau giảm lại.

  • Mẹ bầu không nên tăng số lượng thức ăn đột ngột, mà hãy cân nhắc tăng theo từng giai đoạn của thai kỳ để bổ sung nhóm thực phẩm lành mạnh, đáp ứng nhu cầu thai nhi.
  • Hãy chia nhỏ khẩu phần ăn (4 – 5 bữa) thay vì ăn làm 3 bữa chính, để giảm áp lực lên dạ dày và cơ quan tiêu hóa.
  • Phụ nữ mang thai nên thực hiện ăn chín uống sôi, ăn chậm nhai kỹ và tránh nằm ngay sau khi ăn.
  • Tuyệt đối tránh các nhóm thực phẩm và đồ uống gây kích thích lên dạ dày như: rượu bia, nước ngọt có gas, thức ăn nhanh, đồ chiên rán dầu mỡ…
  • Tăng cường bổ sung nước, các loại nước ép trái, vitamin và chất xơ vào chế độ ăn hằng ngày. Ngoài tác dụng bù nước và cân bằng điện giải, các thành phần này còn giúp cơ thể trung hòa dịch vụ, giảm đau dạ dày và ngăn ngừa táo bón.
  • Ưu tiên sử dụng các món ăn ít gia vị, ăn nhạt hạn chế ăn mặn, kết cấu mềm, lỏng và dễ nuốt, dễ tiêu hóa nhưng giàu dinh dưỡng.

2. Xây dựng thói quen sinh hoạt khoa học

  • Trong thời gian đầu mang thai, bạn nên dành thời gian nghỉ ngơi để cơ thể thích nghi với sự thay đổi đột ngột về tâm sinh lý và cơ thể.
  • Khi tử cung phát triển lớn hơn, mẹ bầu nên ngừng hẳn công việc và dành toàn bộ thời gian để nghỉ ngơi, bởi làm việc căng thẳng sẽ kích thích cơn đau dạ dày.
  • Sau 3 tháng đầu thai kỳ nên bắt đầu luyện tập các động tác có cường độ nhẹ nhàng để cải thiện khung xương chậu, điều hòa nhu động ruột và giảm tần suất cơn đau dạ dày.
  • Thực hiện các hình thức giải tỏa stress như đọc sách, yoga thiền, suy nghĩ tích cực, nghe nhạc…

Nguồn : bau.vn