Phấn rôm có dùng cho trẻ sơ sinh được không?

Không phải bà mẹ nào cũng biết nguy cơ tiềm ẩn khi dùng phấn rôm cho trẻ. Phấn rôm có dùng cho trẻ sơ sinh được không? Dùng phấn rôm có thể khiến con bạn mắc nhiều bệnh nguy hiểm.

Nghi vấn thành phần phấn rôm gây ung thư

Phấn rôm được sản xuất từ thành phần chủ yếu là bột talc, một khoáng chất thường nằm gần các lắng đọng amiăng. Trong quá trình khai thác talc trong tự nhiên, các nhà khoa học lo sợ nguy cơ lây nhiễm chéo với amiăng.

Từ những năm 1960 – 1970, nhiều sản phẩm làm đẹp chứa thành phần bột talc được phụ nữ Anh sử dụng đã bị cáo buộc có liên quan đến ung thư buồng trứng và ung thư trung biểu mô. Đến những năm 1980, nhờ tiến bộ của kỹ thuật khai thác, các chất độc hại trong bột talc đã bị loại bỏ.

Sau một thời gian dài, lại dấy lên thông tin sử dụng phấn rôm là nguyên nhân gây ung thư. Điển hình là năm 2016, tập đoàn dược phẩm Johnson & Johnson bị gia đình bà Jackie Fox kiện vì lý do sản phẩm Baby Powder (phấn rôm trẻ em) và Shower to Shower của Johnson & Johnson khiến bà mắc bệnh ung thư. Bà đã sử dụng hai sản phẩm này trong hàng chục năm để chăm sóc vùng kín, kết quả bà bị ung thư buồng trứng và đã qua đời.

Bồi thẩm đoàn tại Missouri kết luận rằng cáo buộc của gia đình bà Jackie Fox là chính xác. Johnson & Johnson phải bồi thường cho gia đình nạn nhân 72 triệu USD.

Phấn rôm trẻ em của Johnson & Johnson liên tục vướng vào bê bối chứa chất gây ung thư

Năm 2017, Johnson & Johnson tiếp tục phải nhận phán quyết bồi thường 417 triệu USD cho bà Eva Echeverria 63 tuổi ở Los Angeles. Bà Eva Echeverria cho rằng phấn rôm trẻ em của hãng này là nguyên nhân khiến bà bị ung thư buồng trứng.

Bloomberg từng tiết lộ trong một báo cáo rằng, trong nhiều năm qua, Johnson & Johnson đã phải đối mặt với 13.000 vụ kiện tương tự do khách hàng gặp phải các vấn đề sức khỏe sau nhiều năm sử dụng các sản phẩm của hãng. Đây cũng là lý do làm dấy lên lo ngại liệu phấn rôm có gây ung thư thật không?

Ngày 16/12/2018, hãng thông tấn Reuters đưa tin chấn động rằng Johnson & Johnson đã biết phấn rôm trẻ em do hãng sản xuất có thể nhiễm amiăng, hóa chất gây ung thư đôi khi lẫn trong talc. Nhiều tài liệu cho thấy từ năm 1971 đến đầu những năm 2000, hãng này đã sử dụng số lượng bột talc bị lẫn một lượng nhỏ amiăng. Thế nhưng lãnh đạo tập đoàn đã bưng bít thông tin, không tiết lộ với các nhà phân phối và người sử dụng.

Trước cáo buộc này, Johnson & Johnson khẳng định sản phẩm của họ không hề nguy hiểm. Johnson & Johnson còn đăng tải trên website bài viết “Năm sự thật cần biết về độ an toàn của talc”. Theo đó, tập đoàn này nhấn mạnh Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) từng chứng nhận phấn rôm trẻ em an toàn.

Talc là khoáng chất được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp mỹ phẩm. Nó cũng là thành phần chính tạo ra phấn rôm để tăng khả năng hấp thụ ẩm, giảm ma sát, ngăn ngừa hiện tượng đóng thành bánh.

Talc là thành phần chính tạo ra phấn rôm

Ở dạng tự nhiên, talc trong quá trình khai thác đôi khi chứa amiăng, loại chất gây ung thư trong và xung quanh vùng phổi nếu hít vào. Dù vậy, người ta khẳng định tất cả sản phẩm chứa talc tại Mỹ đã không còn amiăng từ những năm 1970.

Mối liên quan giữa bột talc và các bệnh ung thư đến giờ vẫn chưa thực sự rõ ràng. FDA đưa ra những tài liệu chứng minh nguy cơ ung thư vùng sinh dục ở phụ nữ sử dụng bột talc nhưng lại khá mơ hồ.

Trong khi đó, cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), cho hay họ có đủ bằng chứng cho thấy chất amiăng trong phấn rôm gây ung thư trung biểu mô, ung thư phổi, thanh quản và buồng trứng. Dù vậy, lượng amiăng có trong bột talc của phấn rôm lại rất khác nhau tùy thời điểm khai thác, sản xuất.

Phấn rôm có dùng cho trẻ sơ sinh được không?

Bất luận các nghiên cứu có chỉ ra điều gì thì việc đã có người mắc bệnh sau hàng chục năm sử dụng phấn rôm cũng khiến người tiêu dùng không khỏi nghi ngại.

Vấn đề đặt ra là đối tượng sử dụng chính của phấn rôm là trẻ sơ sinh, những đứa trẻ yếu ớt, mỏng manh, sức đề kháng chưa hoàn thiện nên rất dễ nhiễm bệnh. Các chuyên gia đã chỉ ra những lý do khiến bạn dừng ngay việc dùng phấn rôm cho trẻ.

 Các chuyên gia đã chỉ ra những lý do khiến bạn dừng ngay việc dùng phấn rôm cho trẻ.

Gây bệnh cho bộ phận sinh dục của trẻ

Bột talc có trong phấn rôm có tác dụng hút ẩm tốt nên nó được dùng để thoa các vùng da có nếp gấp như cổ, bẹn, nách của trẻ để tránh bị hăm ngứa. Thế nhưng thực tế đã ghi nhận ở Mỹ nhiều phụ nữ bị ung thư buồng trứng sau hàng chục năm sử dụng phấn rôm để chăm sóc vùng kín.

Tại sao phấn rôm có thể gây ung thư buồng trứng ở nữ giới? Các chuyên gia lý giải, do hố chậu và bộ phận sinh dục bên trong của bé gái mở và thông với bên ngoài nên khi thoa phấn rôm, các hạt bụi phấn li ti sẽ dễ dàng xâm nhập vào sâu bên trong thông qua âm hộ, âm đạo, cổ tử cung, ống dẫn trứng dẫn đến viêm nhiễm. Các hạt phấn tích tụ trong buồng trứng lâu ngày tạo điều kiện cho tế bào ung thư phát triển.

Dù chưa có kết luận chính thức về mối liên hệ này nhưng các bác sĩ khuyến cáo các mẹ tuyệt đối không thoa phấn rôm vào vùng bụng dưới của bé gái.

Bụi phấn rôm gây bệnh hô hấp

Phấn rôm không tan trong nước, không bị phân hủy bởi vi khuẩn khi hít phải những hạt bụi này sẽ tích tụ trong phổi gây ra các vấn đề hô hấp. Đặc biệt với trẻ sơ sinh hệ miễn dịch còn non nớt, trẻ rất dễ bị ho, khó thở, hắt hơi, sổ mũi.

Nếu trẻ hít phải bụi phấn rôm lâu ngày có thể dẫn tới các bệnh về phổi như viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, xẹp phổi, tràn khí màng phổi, tắc nghẽn tiểu phế quản hay ung thư phổi.
Hiện nay, các bác sĩ cảnh báo cha mẹ đặc biệt tối kỵ việc để trẻ hít phải bụi phấn rôm, rất gây hại cho hệ hô hấp.

Bít lỗ chân lông gây viêm da cho trẻ

Từ trước tới nay các mẹ bỉm sữa thường dùng phấn rôm để làm khô da, chống hăm cho trẻ. Nếu sử dụng phấn rôm với lượng vừa phải sẽ an toàn cho da nhưng nếu dùng quá nhiều các hạt bụi phấn tích tụ trên bề mặt da gây viêm da cho trẻ.

Thậm chí, nhiều cha mẹ thấy con bị mẩn ngứa do rôm sảy liền thoa ngay phấn rôm. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cho hay, phấn rôm không có tác dụng trị rôm sảy như các bà mẹ thường nghĩ. Thoa phấn rôm quá nhiều khiến mồ hôi không thoát ra được, khiến rôm sảy càng mọc nhiều hơn, bột phất bết lại gây hăm da, viêm da hoặc nhiễm trùng.

Ngoc Mai (Theo Hà Ly)

Nguồn:https://baosuckhoecongdong.vn/phan-rom-co-dung-cho-tre-so-sinh-duoc-khong-128599.html

Nguồn : bau.vn