* Minh Hằng (Công ty Thành Phát, Tp. HCM): Chồng mình là người đàn ông tốt, hiền lành nhưng đôi khi rất ích kỷ trong chuyện tiền nong với gia đình. Thế nên bây giờ, chỉ ước làm sao kiếm thật nhiều tiền để “hắn” hết ra oai với vợ. Mình biết, gia đình còn rất khó khăn, cần cố gắng chi tiêu tiết kiệm. Mỗi lần sắm vật dụng thiết yếu trong sinh hoạt hằng ngày, chồng đều tỏ ra khó chịu và luôn nói vợ ném tiền qua cửa sổ. Mua thức ăn về, anh ấy cũng “thanh tra” xem vợ mua có nhiều không. Nói chung, chồng mình luôn xét nét và quá khắt khe về chuyện tiền bạc.
* Ngọc Hiền (Thanh Xuân, Hà Nội): Chồng luôn bảo tiêu pha thoải mái, miễn không vất tiền đi là được. Nhưng nếu mình nhỡ chi tiêu quá một chút là kêu ca ngay, rằng “tiêu gì nhiều thế, những nhà không có tiền thì người ta lấy đâu ra để tiêu…?”. Tiền lương hàng tháng đều đưa cho vợ, nhưng chẳng đáng bao nhiêu. Chồng mình là bác sĩ mổ, nên “lậu” mới nhiều vì được không ít người “cảm ơn”. Chẳng biết anh ấy có “quỹ đen” hay không, nhưng cứ nghe phàn nàn “vợ tiêu hoang thế, hết nhiều tiền thế…” là mình không chịu được.
* Hải Hà (Tp. Nha Trang, Khánh Hòa): Chồng em là người rất “keo”. Tiền kiếm về, anh ấy thường để ở két chung của gia đình. Hàng ngày, chồng chỉ cho lấy đúng số tiền cần tiêu khi chợ búa. Anh ấy cho rằng, em đoảng tính nên không được để nhiều tiền trong ví, tiêu bao nhiêu thì chỉ lấy bấy nhiêu. Tối đi làm về, chồng thường tra hỏi xem hôm nay tiêu gì, mua gì, hết bao nhiêu… Vì vậy, em cần phải nhớ những khoản chi tiêu, đôi khi phải ghi vào một quyển sổ để “báo cáo” lại. Trong khi, chồng tiêu pha gì, hết bao nhiêu thì chẳng bao giờ cho em biết.
Những giải pháp đưa ra
* Hoài Thu (Sở Điện lực Thanh Hóa): Theo mình, chuyện tiền bạc nên thống nhất trước khi kết hôn, để đỡ khúc mắc về sau. Hiện nay, đang có xu hướng “tiền ai nấy xài”. Như vậy, là không ổn chút nào. Mình có người bạn, chồng cô ấy kiếm được khá nhiều tiền. Mỗi tháng, chồng đưa “một khoản” cho mẹ chi tiêu trong nhà, còn lại thì tiền của ai người ấy tiêu, mượn là phải trả sòng phẳng. Mình cảm thấy quá thiệt thòi cho cô bạn, vì lương cô ấy không được bao nhiêu, xài gì cũng phải tính. Trong khi, nuôi con nhỏ rất nhiều thứ phát sinh cần chi tiêu, chẳng lẽ cái gì cũng hỏi chồng với mẹ chồng?
* Thanh Hằng (Giáo viên Trường Mầm non Hoa Hồng): Kinh nghiệm của mình là cứ để chồng quản lý “quỹ chung” của hai vợ chồng một thời gian. Tiền thu được, để chồng tự quyết đưa vợ ngần nào, giữ bao nhiêu, còn lại là để tiết kiệm. Đồng thời, giao ước trước là anh đảm nhận thì phải có trách nhiệm. Tất nhiên, mình cũng đóng góp ý kiến để chồng có trách nhiệm và hiểu chi tiêu trong gia đình như thế nào. Mặt khác, để chồng hiểu quản lý tài chính trong gia đình sao cho không bị âm khoản nọ, hụt khoản kia mỏi mệt ra sao. Mấy lần anh ấy “gạ” mình quản lý, nhưng mình không nhận và “nịnh” rằng, chồng đang làm rất tốt!
* Thu Minh (Thanh Xuân, Hà Nội): Nhà mình, hai vợ chồng hai tài khoản riêng. Của mình thì để dành, còn của xã dùng chi tiêu cho cả gia đình. Thẻ của chồng cũng đưa cho mình cất giữ, khi cần dùng gì anh ấy sẽ lấy đem đi rút tiền. Việc chi tiêu, cả hai có thể check online tài khoản và chưa bao giờ cãi nhau về chuyện tiền nong.
* Ngọc Minh (Khoa Tâm lý – ĐH Quốc Gia Hà Nội): Mình luôn “công khai” với chồng những khoản kiếm được. Lúc vui vẻ, mình đưa ra những dự định mua sắm và công khai bàn bạc nên tiết kiệm ra sao. Là người giữ tiền, nhưng mình luôn đặt vào trong ví của chồng số tiền để anh có thể phải chi tiêu đến. Mỗi khi chồng cần khoản nào chính đáng, mình đều đưa cho anh ấy ngay. Ngược lại, chi tiêu vào việc gì, mình cũng nói lại để chồng biết. Giờ đây, cả hai vợ chồng mình cảm thấy cuộc sống khá thoải mái, rất ít khi tranh cãi với nhau về vấn đề kinh tế.
Ý kiến từ chuyên gia
Chuyên gia tâm lý của Công ty An Việt Sơn cho biết, khi rất nhiều thứ bị chi phối bởi tiền bạc thì các mối quan hệ gia đình cũng không thoát khỏi sự ảnh hưởng. Để tránh xung đột, chúng ta cần lưu ý những vấn đề sau:
* Cho nhau biết về thu nhập: Cho nhau biết về thu nhập của mình và những khoản chi tiêu lớn chính là một trong nhiều cách thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau. Nếu giấu một trong hai điều này sẽ khiến vợ chồng bạn không còn tin cậy nhau và ảnh hưởng đến hôn nhân.
* Bàn bạc khi chi tiêu: Không nhất thiết phải bàn bạc với vợ (chồng) nếu tiêu một số tiền nhỏ. Nhưng khi phải sử dụng một số tiền lớn, bàn bạc với nhau chứng tỏ bạn tôn trọng quan điểm của vợ (chồng) mình. Ngay cả khi tiền bạc không phải chuyện lớn đối với gia đình thì việc chia sẻ thẳng thắn về vấn đề này cũng giúp hai người tin tưởng, hiểu và đồng cảm với nhau hơn.
* Người giữ tiền: Người nắm tay hòm chìa khoá tuyệt đối không nên để xảy ra tình trạng “chi trước báo sau” hoặc hạn chế “vượt chi bất đắc dĩ”. Nên ghi ra tất cả các khoản chi tiêu cố định. Thống nhất sẽ để dành bao nhiêu trong số tiền thu nhập. Rồi lên danh sách những khoản chi tiêu không cố định như tiền chợ, điện và điện thoại. Sau đó, theo dõi số tiền bạn chi tiêu trong vài tháng. Nếu cần, hãy điều chỉnh để bạn không mắc nợ.
* Thống nhất với nhau: Sau cùng, hãy nói chuyện thẳng thắn với nhau về tiền bạc. Sự im lặng có thể dẫn đến những hậu quả khó lường. Ðừng để tiền bạc trở thành nguyên nhân gây ra tranh cãi, bởi mối quan hệ của vợ chồng bạn mới là điều quý hơn nhiều!
Tạp Chí Bầu số 50, 10/07/2013
Nguồn : bau.vn