Rét nàng Bân thường tới muộn hơn, có thể kéo dài 1 tuần hoặc chỉ ngắn ngủi vài ngày. Sự tích rét nàng Bân dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về tên gọi cũng như đợt không khí lạnh đặc trưng này nhé!
Tại sao gọi là rét nàng Bân?
1. Theo dân gian
Trong dân gian có câu “Tháng giêng rét đài, tháng hai rét lộc, tháng ba rét nàng Bân” – đó là câu tục ngữ quen thuộc về nét đặc biệt có lẽ chỉ tìm thấy ở khí hậu miền Bắc. Nếu như tháng 1 se lạnh với những cơn mưa phùn thanh nhẹ, tháng 2 đẹp duyên dáng trong sắc hoa xuân tươi tắn thì rét nàng Bân lại là sự kì diệu của tạo hóa ưu ái ban tặng cho tháng 3, khi mà thời tiết đột nhiên trở lạnh ngay giữa những ngày nắng liên tiếp.
Nàng Bân là con gái của Ngọc Hoàng nhưng khác với nhiều chị em của mình, nàng Bân chậm chạp và có phần vụng về. Tuy nhiên, nàng Bân vẫn được cha mẹ yêu chiều. Ngọc Hoàng và Vương Mẫu thương con thua em kém chị nhưng không biết làm cách nào, mới bàn nhau gả chồng cho nàng để nàng biết thêm công việc nội trợ trong gia đình.
Chồng nàng Bân cũng là một người trên thế giới nhà trời. Nàng yêu chồng lắm. Thấy mùa rét đã đến, nàng định tâm may cho chồng một cái áo ngự hàn. Nhưng nàng vụng về quá, khi bắt đầu rét, nàng Bân đã bắt đầu công việc song cứ loay hoay mãi, tìm được cái nọ thì thiếu cái kia, se được chỉ thì chưa có kim, đưa sợi vào dệt thì thoi, suốt lại hỏng. Đến nỗi trời đã sắp sang xuân rồi mà chỉ mới may trọn được đôi cổ tay.
Nhưng nàng Bân vẫn không nản chí. Nàng may mãi qua tháng Giêng rồi hết tháng Hai, cho tới khi áo may xong thì vừa lúc trời hết rét. Nàng Bân buồn lắm. Thấy con âu sầu, Ngọc Hoàng cảm động bèn làm cho trời rét lại mấy hôm để chồng nàng mặc thử áo.
Từ đó thành lệ, hàng năm vào khoảng tháng Ba tuy mùa rét đã qua, mùa nóng đã tới nhưng có lúc tự nhiên rét lại mấy hôm, người ta gọi cái rét đó là rét nàng Bân.
2. Dị bản khác
Tuy nhiên, cũng có một dị bản khác cho rằng: Nàng Bân chỉ là một cô gái bình thường, hiền lành, dịu dàng, rất mực chịu thương, chịu khó nhưng lại quá kỹ lưỡng, tỉ mỉ nên trong mắt mọi người, nàng làm gì cũng có phần chậm chạp. Nàng lấy chồng vào đầu mùa đông, ngay khi công việc gặt hái vừa xong. Vì thấy chồng thiếu áo ấm, nên nàng đã bắt tay ngay vào việc quay tơ kéo sợi để chuẩn bị đan một chiếc áo ấm thật đẹp cho chồng.
Tuy nhiên, do công cuộc chuẩn bị và đan áo quá kỹ lưỡng nên thời gian thấm thoát trôi qua, trời đã sắp sang xuân mà nàng mới may xong đôi cổ tay, bởi thế mới có câu hát:
“Nàng Bân đan áo cho chồng
Đan ba tháng ròng mới được cổ tay”
Cũng vì vậy mà lúc nàng Bân đan xong chiếc áo thì cũng là lúc trời lại trở nắng, hết rét. Khi đó, nàng Bân buồn lắm, nàng tưởng chừng như cả bầu trời sụp đổ bởi nàng đã đặt biết bao tâm huyết, công sức, nỗi niềm và mơ ước vào chiếc áo này. Ngọc Hoàng trên thượng giới đã nghe thấu tiếng khóc của nàng Bân và cảm động trước tấm lòng của người con gái nết na, đức hạnh ấy. Ngay lập tức, ngài đã cho gọi hai vị Nam Tào, Bắc Đẩu đến và phái điều tra cho rõ nội tình.
Sau khi biết rõ sự việc, Ngọc Hoàng hết sức thương cảm cho tấm lòng của người con gái đức hạnh liền lệnh cho Nam Tào, Bắc Đẩu: Mỗi năm, cứ vào đầu tháng Ba Âm lịch, rét sẽ kéo dài thêm một vài ngày để những người phụ nữ giàu lòng vị tha như nàng Bân. Nàng Bân nếu có đan áo cho chồng chậm thì cũng phải được mặc thử. Tuy nhiên, rét cũng chỉ vừa và ngắn để không làm ảnh hưởng đến quy luật tự nhiên.
Từ đó thành lệ, hằng năm vào khoảng tháng Ba, cái tháng của mùa rét đã qua, mùa nóng đã tới nhưng có lúc tự nhiên rét lại mấy hôm và người ta gọi là cái rét nàng Bân.
3. Khoa học lý giải hiện tượng rét nàng Bân
Rét nàng Bân thường rơi vào thời đoạn cuối tháng 3 đến đầu tháng 5 dương lịch. Đây thực chất là đợt rét muộn do ảnh hưởng của không khí lạnh từ phía Bắc tràn về vào cuối tháng 3 và thậm chí tháng 4 dương lịch, khi thời tiết đã ấm lên khá nhiều.
Dựa theo biểu đồ mây từ các đài quan trắc và công cụ đo lường, có thể thấy trong thời gian này, không khí lạnh vẫn còn hoạt động, và vẫn có những đợt gây ra trời rét.
Do sự biến đổi của khí hậu tại Việt Nam nói riêng, và trên thế giới nói chung, rét nàng Bân không phải năm nào cũng xuất hiện, nhưng có năm xảy ra tới vài đợt, mỗi đợt kéo dài vài ba ngày.
Cụ thể theo thống kê của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tần suất xuất hiện các đợt rét trong thời gian này chỉ khoảng 30%. Như vậy, trung bình thì cứ 10 năm thì có khoảng 3 lần xảy ra hiện tượng rét nàng Bân.
Sự nóng lên của Trái Đất, El Nino mạnh kéo dài, và hiệu ứng đô thị hóa là những nguyên nhân đưa ra để lý giải cho sự thay đổi này.
Rét nàng Bân xảy ra trong bao lâu?
Rét nàng Bân là đợt rét cuối cùng của mùa đông, kéo dài khoảng vài ngày trong đầu tháng Ba Âm lịch. Mặc dù nó chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng có những năm thời tiết của Bắc Bộ lại trở rét đậm. Chính vì vậy, trong dân gian còn có câu tục ngữ: Rét tháng Ba, bà già chết cóng.
Sự thay đổi đột ngột của thời tiết từ nóng sang lạnh hoặc từ lạnh sang nóng đều có thể khiến cơ thể bạn gặp rắc rối. Các chuyên gia y tế cho biết trạng thái thay đổi nhiệt độ cơ thể một cách đột ngột dưới tác động của thời tiết là trạng trái cực kỳ nguy hiểm có khả năng dẫn tới tử vong do sốc nhiệt.
Bởi vậy, khi thời tiết chuyển từ nóng sang lạnh việc đầu tiên bạn cần làm là giữ ấm cho cơ thể. Vào những ngày trời rét, bạn cần mặc ấm, khi đi ra ngoài nên mặc quần áo chống gió, cài chặt khuy áo, kéo khóa và cũng đừng quên đeo găng tay, quàng khăn, đội mũ, bịt tai nữa nhé.
Nguồn : bau.vn