Rối loạn tiêu hóa ở trẻ: Cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả

Rối loạn tiêu hóa là một trong những chứng bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên các phụ huynh không nên chủ quan đề phòng những biến chứng có thể xảy ra.

Rối loạn tiêu hóa ở trẻ có nguy hiểm không?

Trẻ bị rối loạn tiêu hóa kéo dài có thể khiến thể trạng của trẻ suy kiệt, mệt mỏi, chán ăn, chậm phát triển thể chất và tinh thần. Rối loạn tiêu hóa ở trẻ nếu không được điều trị kịp thời sẽ rất nguy hiểm, có thể gây ra nhiều biến chứng như tổn thương đường ruột mạn tính, chức năng tiêu hóa suy giảm. Hậu quả sẽ khiến trẻ còi xương, suy dinh dưỡng, chậm phát triển, suy giảm miễn dịch, dễ bị các bệnh từ môi trường bên ngoài tấn công, hoặc có thể góp phần khiến bệnh nặng hơn…

Rối loạn tiêu hóa ở trẻ nếu không được điều trị kịp thời sẽ rất nguy hiểm.

Điều trị rối loạn tiêu hóa ở trẻ em như thế nào?

Khi bị rối loạn tiêu hóa, tùy thuộc vào mức độ, nguyên nhân và thể trạng của mỗi người là khác nhau mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị, các loại thuốc, liều lượng phù hợp. Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc để giảm các triệu chứng tiêu chảy, táo bón, nôn trớ và kết hợp với các thuốc điều trị nguyên nhân nếu có

Nếu trẻ bị tiêu chảy thì cần chú ý bổ sung nước và điện giải bằng dung dịch oresol, dùng thay nước uống hàng ngày.

Nếu nguyên nhân là do nhiễm khuẩn đường ruột thì cần sử dụng kháng sinh đường ruột. Nhưng lưu ý kháng sinh cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa, bởi vậy cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ, không nên tự ý điều trị.

Nếu rối loạn tiêu hóa ở trẻ xảy ra do dùng kháng sinh để điều trị bệnh lý khác thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị để được ngừng, đổi thuốc.

Nếu do chế độ ăn uống không hợp lý thì cần thay đổi chế độ ăn uống 

Giữ vệ sinh môi trường xung quanh, tay chân, đồ chơi,… để ngăn chặn nhiễm khuẩn đường ruột.

Bổ sung ngay chế phẩm vi sinh chứa lợi khuẩn và các vi chất cần thiết là việc cần làm khi bị rối loạn tiêu hóa do mọi nguyên nhân, giúp lập lại cân bằng hệ vi sinh đường ruột và cải thiện các triệu chứng của rối loạn tiêu hóa nhanh hơn.

Trẻ bị rối loạn tiêu hóa thường có dấu hiệu chướng bụng.

Làm gì để phòng ngừa rối loạn tiêu hoá ở trẻ?

Xây dựng chế độ ăn phù hợp

Hạn chế những đồ ăn vặt nhiều dầu mỡ, phụ huynh nên nấu ăn ở nhà để đảm bảo thực phẩm sạch, đủ chất và an toàn vệ sinh thực phẩm. Cần dạy trẻ rửa tay kỹ bằng xà phòng trước khi ăn cũng như là cách ăn uống điều độ, đúng giờ 

Những thực phẩm có lợi mà phụ huynh nên lựa chọn cho trẻ là những loại thực phẩm giàu chất xơ. Các loại rau củ quả, ngũ cốc, các sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt đều là những thực phẩm chứa nhiều chất xơ. Chúng đóng vai trò trong việc giữ và lọc thức ăn trong hệ tiêu hóa để lấy năng lượng và dinh dưỡng, đẩy các chất thải còn lại ra ngoài.

Bên cạnh đó phụ huynh nên khuyến khích trẻ uống nhiều nước. Việc cung cấp một lượng nước vừa đủ cho cơ thể mỗi ngày có thể giúp thức ăn loãng ra, dễ di chuyển trong đường ruột.

Rèn luyện thói quen ăn uống khoa học

Khi ăn phụ huynh nên nhắc nhở trẻ nhai kỹ thức ăn. Nhai giúp nghiền thức ăn thành nhiều mảnh nhỏ và hòa trộn chúng cùng với các enzyme có trong nước bọt. Việc này khiến trẻ cảm thấy ngon miệng và dễ tiêu hóa hơn.

Rèn luyện thể chất mỗi ngày

 

Trẻ nên tập thể dục hàng ngày để giúp hệ tiêu hóa tốt hơn.

Thói quen tập thể dục, vận động hàng ngày cũng có thể giúp trẻ ăn uống ngon miệng cũng như giúp cho hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Lưu ý một điều là không nên cho trẻ vận động mạnh ngay sau khi ăn no. 

Tránh gây căng thẳng, áp lực khiến trẻ ăn mất ngon, ức chế quá trình tiêu hóa và hấp thu. Cần tạo cho trẻ sự thoải mái và sự thích thú khi ăn. 

Khi thấy trẻ có các biểu hiện bất thường, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Ngoc Mai (Theo Ánh Nguyệt)

Nguồn: https://baosuckhoecongdong.vn/roi-loan-tieu-hoa-o-tre-cach-dieu-tri-va-phong-ngua-hieu-qua-132688.html

Nguồn : bau.vn