Lần đầu lên chức bố mẹ nên cảm giác bỡ ngỡ của số đông các cặp vợ chồng là không thể tránh khỏi. Những ý nghĩ như sao con xấu thế, sao con đỏ hỏn thế kia, sao con hay quấy khóc vậy… là rất bình thường. Tuy nhiên, từ những ý nghĩ đó, một số ông bố bà mẹ lại có cách hành xử “rất khác người” với đứa con vừa mới chào đời. Những câu chuyện bi hài dưới đây chẳng phải hiếm.
Không dám bế con
Nghĩ lại những ngày đầu con mới chào đời, anh H.T (Vĩnh Tuy, Hà Nội) vẫn còn thấy sợ. Anh kể: “Hồi vợ mang bầu thì mong ngóng con gái chào đời lắm, nhất là đến những tháng cuối thai kỳ. Mỗi lần thấy con đạp méo cả bụng vợ, lại thấy hạnh phúc và tưởng tượng đến ngày được bồng bế con trên tay. Thế mà đến lúc con được trao đến tận tay mình thì mình lại chẳng đủ can đảm để bế con. Vợ mình đẻ mổ, hôm đi đẻ lại chỉ có hai vợ chồng vì các bà ở quê chưa lên chăm sóc được. Khi mổ đẻ xong, y tá giao con cho mình nhưng mình cứ lóng ngóng chẳng biết bế con thế nào. Hồi Chíp sinh ra được có 2,8 kg, bé hơn cả một quả dưa hấu. Đã thế xương của con còn mềm yếu, mình bế mà chỉ sợ làm rơi con. Dù đã tham gia lớp học tiền sản với vợ, đã được các chuyên gia hướng dẫn cách bế con, ấy thế mà khi chị y tá đặt con lên tay, tim mình như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Lúc đó, chân tay mình run bắn lên, tưởng như không giữ được con nữa.
Mình bế được khoảng tầm 5 phút thì cổ con vẹo cả sang một bên, mặc dù con đã được quấn thêm rất nhiều tã. Sợ làm ngã con, mình vội gọi y tá giúp đỡ. Cũng từ hôm đó, mình chẳng dám bế con. Mỗi lần vợ nhờ, mình luôn lảng tránh “xin” làm việc khác vì không dám thừa nhận rằng mình không biết bế con”.
Thấy cả tháng trời anh T không bế con lần nào, vợ anh giận dỗi cho rằng anh không yêu vợ con, hay anh có bồ bịch bên ngoài. Lúc đó anh mới thừa nhận rằng con nhỏ quá anh không dám bế vì sợ làm rơi con. Mẹ vợ nghe thấy thế liền cười tủm bảo hầu như ông chồng nào cũng thế. Sau đó bà ngày ngày hướng dẫn con rể cách bế con và dần dần anh cũng bế được Chíp.
Cho đến tận khi Chíp được 2 tháng tuổi, anh mới tự tin để bế con một cách thoải mái nhất. Bây giờ thì cứ đi làm về là anh lại bế con ra công viên chơi, hai bố con anh quấn nhau lắm. “Giá mà Chíp vừa sinh ra đã lớn thế này thì mình bế con vô tư. Nhưng mà giờ cũng có kinh nghiệm bế con hơn rồi, chắc đến đứa thứ 2 sẽ không sợ như lần đầu nữa.”, anh T nói.
Sợ ở nhà một mình với con
Sinh con đã hơn hai tháng nhưng chị Thương (Khương Trung, Hà Nội) chưa bao giờ dám ở nhà một mình với con. Lúc nào bên cạnh đứa bé cũng phải có chị và một người nào đó (bà nội, bà ngoại, hoặc chồng). Chỉ kể: “Con mình thuộc dạng khó tính, bé hay khóc vặt và hay ăn vạ lắm. Mình rất sợ ở nhà một mình với con vì sợ lúc bé khóc mình không thể dỗ được. Mình nhớ một lần chồng đi làm, bà nội thì đi chợ, ở nhà chỉ có hai mẹ con. Ban đầu bé rất ngoan nhưng chẳng hiểu sao tự nhiên con khóc. Mình tưởng bé khóc vì đói, mình cho ti nhưng con không chịu mà cứ quay ra khóc. Mình dỗ thế nào con cũng không nghe. Mình đã bế đứng, bế ngửa, hát ru, cho con ti… nhưng con vẫn không nín mà khóc còn dữ dội hơn. Lúc đó mình đã toát hết mồ hôi hột, không làm gì được nữa nên hai mẹ con cùng khóc vì mình sợ con có vấn đề gì. Con khóc đến hơn 20 phút vẫn chẳng nín. Cũng may là bà về sớm, chuyển sang bà bế là con nín ngay. Chẳng hiểu thế nào nữa. Sau pha ấy, mình vô cùng sợ ở nhà một mình với con.”
Đến bây giờ, dù con đã được hơn 2 tháng tuổi nhưng Thương vẫn một mực không chịu ở nhà một mình với con. Thế là hàng sáng bà phải tranh thủ đi chợ sớm, lúc chồng Thương chưa đi làm. Đợi đến khi nào bà đi chợ về anh mới được ra khỏi nhà, cho dù có lúc anh bị muộn giờ.
Vừa nhìn thấy con đã… xỉu
Cả nhà đang mong đợi tin từ trong phòng đẻ thì anh Hưng (chồng chị Gấm) chạy ra ngoài, mặt tím ngắt như không còn tí máu. Mọi người vội xúm vây hỏi han tình hình mẹ con chị trong ấy vì sợ đứa trẻ có vấn đề gì. Anh cứng miệng chẳng nói được gì khiến cả nhà càng lo. Mọi người dìu anh ra ghế ngồi nghỉ một chút, anh mới xua tay bảo mẹ con Gấm mẹ tròn con vuông rồi. Mọi người đang không hiểu chuyện gì xảy ra với anh thì y tá bế đứa trẻ ra gọi người nhà đến nhận. Anh dứt khoát không đến gần đứa trẻ mà bảo bà ngoại ra bế.
Mãi đến ngày hôm sau, thấy mọi người thắc mắc nhiều quá anh mới thú nhận, khi nhìn thấy con vừa chào đời với máu me đầy người anh đã vô cùng hoảng sợ. “Tôi vốn là người rất sợ máu nhưng do vợ nhiệt tình rủ cùng vào phòng sinh với cô ấy nên tôi đã đồng ý. Xem tranh ảnh và trên vô tuyến, thấy trẻ sơ sinh lúc chào đời đẹp lắm. Tôi cũng nghĩ con mình như vậy. Ai ngờ khi bác sĩ gọi ra cắt rốn cho con, vừa nhìn thấy con với máu me đầy người, tôi đã trực nôn và không thể làm chủ được bản thân. Vợ tôi đã rất vất vả mới đăng ký được tại một bệnh cho người thân vào phòng sinh cùng, thế mà tôi lại phụ công cô ấy. Cũng may là lúc ấy đã mẹ tròn con vuông, không ảnh hưởng gì đế quá trình sinh nở của vợ. Nghĩ lại bây giờ tôi vẫn thấy xấu hổ quá!”, anh Hưng ngậm ngùi nói.
Những câu chuyện như các ông bố, bà mẹ trên không phải là hiếm. Có rất nhiều cặp đôi phải đến khi con được 3-4 tháng tuổi mới thích nghi được với cuộc sống làm bố mẹ. Tuy nhiên, để tránh rơi vào những tình huống dở khóc, dở cười trên, các cặp đôi nên tham gia lớp học tiền sản sớm, tham khảo nhiều sách báo về chuyện sinh nở và chăm sóc trẻ sơ sinh để không bị bỡ ngỡ trong lần đầu gặp con. Với những anh chồng muốn vào phòng sinh cùng vợ, hãy tham khảo thêm kinh nghiệm thực tế cũng như ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để có đủ bản lĩnh làm động lực cho vợ chứ không đừng làm ảnh hưởng đến ca sinh nở như trường hợp của anh Hưng nói trên.
Nguồn : bau.vn